Diễn đàn: Máu lạnh đến từ đâu?

Thẩm phán xét xử vụ Nguyễn Đức Nghĩa: Ranh giới mong manh

Phó Chánh án Nguyễn Hữu Chính (giữa) đảm nhiệm vị trí chủ tọa phiên xử “bầu” Kiên hồi giữa năm 2014. Ảnh: BT.
Phó Chánh án Nguyễn Hữu Chính (giữa) đảm nhiệm vị trí chủ tọa phiên xử “bầu” Kiên hồi giữa năm 2014. Ảnh: BT.
TP - Vì sao lại có Nguyễn Hải Dương, Nguyễn Đức Nghĩa, lại có thảm án ở Nghệ An hay hàng chục vụ án man rợ khác. Có người bảo do hụt hẫng, thất tình, người khác lại nói ghen tuông vô cớ… Dưới cách tiếp cận của một thẩm phán, lại có những cách lý giải rất khác.

Để hiểu rõ hơn nguồn cơn của hàng loạt vụ thảm án vừa qua, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với thẩm phán Nguyễn Hữu Chính - Phó Chánh án TAND thành phố Hà Nội. Ông Chính là một thẩm phán kỳ cựu, đảm nhiệm “vai” chủ tọa các vụ án lớn, như vụ “bầu” Kiên, hay chính vụ “xác chết không đầu ở chung cư” do bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa gây ra.

Thưa thẩm phán, lý do gì một thanh niên được ăn học, sống trong môi trường không quá khó khăn như Nguyễn Hải Dương, hoặc, xa hơn, trường hợp của Nguyễn Đức Nghĩa mà thẩm phán từng ngồi ghế chủ tọa, họ lại có hành vi phạm tội man rợ như vậy?

Trước hết, ranh giới giữa việc chưa phạm tội và đã phạm tội rất mong manh. Bất cứ ai, trong một hoàn cảnh cụ thể, đều có thể xâm phạm vào ranh giới này. Điều đó có nghĩa, không phải anh cứ là người có ăn có học là không phạm tội, và ngược lại, không có nghĩa cứ người kém may mắn hơn trên con đường học vấn lại là người hay phạm tội, hoặc phạm tội manh động, hay dã man hơn.

Qua hàng chục năm xét xử, tôi nhận thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm: Có thể do nhận thức pháp luật hạn chế, do lối sống hoang phí, ăn chơi sa đọa, khi thiếu tiền tiêu xài, cùng quẫn, sẽ có nguy cơ phạm tội rất cao. Cũng có khi, đó là do sự buông lỏng giáo dục của nhà trường, gia đình, hoặc do những thù tức cá nhân đê hèn.

Xét về góc độ tâm lý, trong chúng ta, luôn có những lúc không hài lòng về bản thân, với những người xung quanh cũng như trong cuộc sống. Nếu ở diện nhẹ, chúng ta kiểm soát được tình hình và ngăn chặn được những hành vi vi phạm pháp luật. Còn, khi mất kiểm soát, như trường hợp của Nguyễn Hải Dương hay Nguyễn Đức Nghĩa, hay Lê Văn Luyện, thảm án đã xảy ra.

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng những đối tượng này đã bị khủng hoảng nghiêm trọng về tinh thần, tình cảm. Một dạng “sốc” tâm lý, từ đó dẫn đến những suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Như với Nguyễn Hải Dương, sơ bộ có thể đánh giá, do thất vọng chuyện tình cảm cá nhân, Dương đã nảy sinh thù tức, cho rằng những người liên quan trong gia đình bạn gái đã gây cản trở đến câu chuyện tình của mình, từ đó lên kế hoạch sát hại để giải tỏa bức xúc.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, có đến 70% thanh thiếu niên phạm tội có gia cảnh “không bình thường”. Người thì cha mẹ bỏ nhau, người thì anh, chị, em, hay cô chú, họ hàng thân thích từng phạm tội… Ông đánh giá như nào về nghiên cứu này?

Đúng là, gia đình luôn là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc hình thành nhân cách một con người. Qua theo dõi nhiều năm và thực tiễn xét xử hàng trăm vụ trọng án, tôi nhận thấy, những bị cáo (không kể độ tuổi), ít nhiều đều có những tổn thương nhất định từ phía gia đình. Có vụ án, bị cáo sinh sống trong gia đình không hề hạnh phúc, với việc cha mẹ liên tục cãi vã, đánh chửi nhau ngay trước mặt con. Để rồi, chính cha mẹ này không hay biết đứa con của họ đã bỏ học lâu ngày, đi tụ tập với nhóm thanh niên hư hỏng, rồi phạm tội cướp tài sản ngay sau khi tiêu xài hết số tiền lấy trộm của gia đình.

Tôi cũng cho rằng, sự quan tâm, chăm sóc con cái bằng việc chu cấp tiền ăn học, mua sắm các thiết bị công nghệ hiện đại (như điện thoại, máy tính xách tay, hay các đồ dùng đắt tiền khác), chưa thể khẳng định đã là phương cách giáo dục, nuôi dưỡng con cái đầy đủ. Gia đình phải là một mái ấm, giúp những đứa trẻ lớn lên trong tình thương, sự đùm bọc, hiếu thảo, biết hy sinh, vị tha và sống vì mọi người.

Quay lại những vụ thảm án gần đây, theo thẩm phán, làm gì để bớt đi những vụ án tương tự trong tương lai?

Trước hết, cần khẳng định, dù gia cảnh của những đối tượng phạm tội có đáng thương hay không, chúng ta không bao giờ dung thứ, thỏa hiệp với tội ác. Chúng ta đang theo đuổi một nhà nước pháp quyền. Điều này có nghĩa, các cơ quan công quyền phải sử dụng hệ thống pháp luật nghiêm minh để xử lý những hành vi phạm pháp. Một quyết định nghiêm minh, một bản án nghiêm khắc sẽ làm tăng tính răn đe cũng như phòng ngừa tội phạm. Bên cạnh đó, cần phải có sự hỗ trợ đắc lực của công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Khi một công dân hiểu rõ hơn về những mức hình phạt, hiểu rõ hơn về hệ thống pháp luật, trong tiềm thức, họ ắt sẽ không có ý định phạm tội.

Xin cảm ơn thẩm phán!

“Máu lạnh đến từ đâu?”

Diễn đàn nhằm phân tích các hiện tượng và căn nguyên của các vụ trọng án đau lòng do những người trẻ tuổi gây ra, như vụ thảm sát Bình Phước; đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, khắc phục. Rất mong được bạn đọc góp ý kiến tham gia. Bài gửi về Ban Thanh Niên báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc email: maulanhdentudau@gmail.com. Trân trọng cảm ơn.

Tiền Phong

MỚI - NÓNG