Thăm những người “sống chung” với HIV/AIDS

Thăm những người “sống chung” với HIV/AIDS
TPO- Ngày 8/5/2006, Quỹ hỗ trợ phòng chống AIDS của báo Tiền phong đã  đi thăm và tặng quà các tập thể ngành Y tế, một số bệnh nhân AIDS đang điều trị để củng cố sức khỏe, sống và làm việc có ích tại Hà Nội.
Thăm những người “sống chung” với HIV/AIDS ảnh 1
Tặng quà cho bệnh nhân Hồng Ngọc. Ảnh: Phạm Yên

Tại Bệnh viện Đống Đa, nhà thơ Dương Kỳ Anh – Tổng biên tập báo Tiền phong, Giám đốc Quỹ hỗ trợ các hoạt động phòng chống AIDS (Qũy HTCHĐPC AIDS) đã tới thăm tập thể y bác sỹ và các bệnh nhân Khoa Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới.

Đây là khoa được giao nhiệm vụ điều trị các bệnh nhân AIDS. Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã  phát biểu nêu bật ý nghĩa xã hội và nhân đạo cao cả của công việc mà  các thầy thuốc ở đây đang làm và trao tặng khoa món quà gồm 2 triệu đồng và 1 chiếc quạt máy. 

Quỹ hỗ trợ các hoạt động phòng chống AIDS

Ra đời từ năm 1996, thoạt tiên là một quỹ của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sau được giao cho báo Tiền phong. Mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ  các tập thể, cá nhân đã và đang tích cực hoạt động phòng chống AIDS; những người nhiễm HIV/AIDS đang vượt lên khó khăn, hòa nhập cộng đồng, tích cực chữa bệnh, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Nguồn kinh phí của Quỹ là của báo Tiền phong và sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và những người hảo tâm.

Do những kết quả tích cực trong hoạt động, năm 2000, Quỹ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Cũng tại đây, món quà 1 triệu đồng đã được trao cho mẹ con chị A. Chị A là  một phụ nữ bị  nhiễm HIV từ chồng (cháu bé con chị A. 4 tuổi cũng bị nhiễm), hiện đang tích cực tham gia một nhóm đồng đẳng tuyên truyền phòng chống AIDS.

Tới giường bệnh thăm bệnh nhân Trương Thị Hồng Ngọc (chị Ngọc đồng ý cho đưa tên và hình ảnh của mình), nhà thơ Dương Kỳ Anh và các nhà báo đi cùng đã hỏi han ân cần, động viên  và trao cho chị món quà 1 triệu đồng.

Chị Hồng Ngọc mới 28 tuổi, bị nhiễm bệnh từ chồng (người đã chết vì căn bệnh này). Sự chăm sóc ân cần và sự động viên của các thầy thuốc ở đây đã giúp chị giữ niềm tin tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác.

Tại Trung tâm Y tế huyện Từ Liêm, Đoàn công tác của báo Tiền phong và Quỹ HTCHĐPC AIDS đã gặp gỡ và trao quà 1 triệu đồng cho hơn một chục bệnh nhân AIDS đang tham gia một mô hình chữa bệnh tự nguyện  tại cộng đồng do Trung tâm đang thực hiện.

 Theo định kỳ, các bệnh nhân đến để được các thầy thuốc tư vấn và phát miễn phí loại thuốc ức chế sự nhân lên của virus. Họ cũng được sinh hoạt nhóm dưới sự hướng dẫn của bác sỹ. Được tham gia mô hình này, các bênh nhân (tất cả đều còn trẻ) rất phấn khởi và  khôi phục niềm tin, hi vọng vào cuộc sống; sức khỏe được cải thiện.

Đoàn công tác kết thúc chuyến đi tại nhà của  họa sĩ Nguyễn Trọng Kiên tại khu tập thể ĐH Mỹ thuật Hà Nội.

Thăm những người “sống chung” với HIV/AIDS ảnh 2
Nguyễn Trọng Kiên lạc quan, sống có ích và sáng tác đều. Ảnh: Phạm Yên

 Kiên năm nay chưa đầy 30 tuổi, bị nhiễm HIV do những sai lầm thời mới mười tám đôi mươi. Điều đặc biệt và cũng là hạnh phúc của Kiên là cô gái yêu anh đã không hoảng sợ, xa lánh khi anh phát hiện ra bệnh. Cô vẫn quyết định cùng anh xây dựng tổ ấm. Cả bố mẹ cô cũng không phản đối.

Đây là nguồn động viên lớn để Kiên đứng vững trong cuộc sống,  tiếp tục sáng tác (anh đã có 3 triển lãm tranh) và tích cực hoạt động xã hội. Hiện anh  sinh hoạt trong một nhóm đồng đẳng của những người nhiễm HIV và thường xuyên dạy vẽ cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Món quà 1 triệu đồng từ Quỹ dành cho đôi vợ chồng trẻ dũng cảm là để động viên, cổ vũ cho hướng đi của họ.

Thăm những người “sống chung” với HIV/AIDS ảnh 3
Nhà thơ Dương Kỳ Anh trao tặng quà cho Thạc sỹ Trần Quốc Tuấn, Trưởng khoa  Y học lâm sàng các Bệnh nhiệt đới. Ảnh Phạm Yên.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đống Đa Nguyễn Thị Bích Đào,  Khoa Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới nhận nhiệm vụ khám, điều trị, chăm sóc các bệnh nhân AIDS từ năm 1997. Tới nay  tập thể nhỏ chưa đến 30 người ở đây đã khám cho hơn 3.000 lượt bệnh nhân AIDS, chăm sóc điều trị cho 1.976 bệnh nhân. Công việc tuy nguy hiểm (đã có một nữ điều dưỡng viên trẻ của khoa đã bị bệnh nhân không hợp tác dùng kim tiêm vừa tiêm đâm vào người) nhưng tất cả đều yên tâm công tác.

Cũng theo Bác sỹ Đào, cho tới nay, riêng tại Hà Nội đã có hơn 40 nhân viên y tế và cán bộ, chiến sỹ công an bị phơi nhiễm khi làm các công việc liên quan đến phòng chống và điều trị HIV/ AIDS. Rất may là nhờ áp dụng các biện pháp kịp thời, đến nay, toàn bộ các trường hợp này đều không bị nhiễm HIV.

MỚI - NÓNG