Thành công vì không giống ai

Lê Thị Hiền (bìa trái) đang phát biểu.
Lê Thị Hiền (bìa trái) đang phát biểu.
TP - Từ những thứ sẵn có, giá trị không cao của địa phương, hai cô gái 8X đã tận dụng để nâng cao giá trị bản địa. Và, những thứ tưởng như “vứt đi” ấy được hai cô gái trẻ... phục sinh.

“Phù phép”cho vỏ dừa

Mỗi tháng ngành chế biến dừa ở Bến Tre cho ra khoảng 9.000 tấn gáo dừa. Tuy nhiên phần lớn là dùng để đốt làm than bán đi Trung Quốc với giá rẻ và gây ô nhiễm môi trường. Từ thực tế đó, cô gái đến từ Quảng Trị - Lê Thị Hiền “phù phép” chúng thành than không khói mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, sản phẩm than không khói của Hiền có mặt khắp các nhà hàng, quán nướng ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Lê Thị Hiền là giám đốc công ty cổ phần khoa học công nghệ thực phẩm R2D ở TPHCM. Cô vào TPHCM học ngành hóa thực phẩm, tốt nghiệp trở thành kỹ sư công nghệ thực phẩm. Hiền khởi nghiệp 5 năm trước nhưng cô trải qua không ít lần thất bại và bài học xương máu từ dự án trồng sắn. Hiền lăn lộn nhiều nơi ở miền Tây và nhận thấy rằng có nhiều nguyên liệu nông sản dồi dào nhưng giá trị thấp, đặc biệt là sản phẩm từ dừa ở Bến Tre. Từ đó, Hiền quyết tâm khởi nghiệp bằng cách tận dụng gáo dừa thành than không khói.

Qua khảo sát các nhà hàng ở TPHCM, Hiền tìm được 229 điểm có nhu cầu với khoảng  trên 1.000 tấn/tháng; các gia đình khoảng 100 tấn và 80 tấn cho sản phụ cùng 16 chuỗi nhà hàng lớn tại TPHCM. Bên cạnh kênh phân phối online, chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng…. Hiền còn mở rộng thị trường ra các tỉnh miền Trung.

Thành công vì không giống ai ảnh 1 Lê Thị Hiền nhận giải thưởng.

Hiền tổ chức trên 20 điểm thu gom gáo dừa khắp các chợ ở Bến Tre. Lúc đầu, các tiểu thương không hiểu cô gái mảnh mai, dáng vẻ tiểu thư này sao lại muốn thu gom gáo dừa? Mỗi chợ có 3 - 4 điểm thu gom. Từ đây, hình thành một nghề mới: Nghề thu gom gáo dừa. Bình quân mỗi người thu gom gáo dừa thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Cũng từ đây, những chiếc gáo dừa tưởng như đồ bỏ, nằm lăn lóc ngoài đường ngoài chợ, gây ô nhiễm đã được Hiền “biến hóa” đi vào những nhà hàng, biệt thự sang trọng.

Hiền cho biết: “Than không khói là sản phẩm tốt, không chỉ thị trường trong nước mà cả ngoài nước đều cần. Hơn nữa, nó còn là năng lượng tái tạo bền vững vì mình sử dụng từ phế thải nông nghiệp là gáo dừa”. Trong thời gian tới, Hiền sẽ nghiên cứu vỏ của các loại hạt để ứng dụng sản xuất than này.

Theo Hiền, món nướng vốn được người Việt ưa chuộng và họ thường dùng than củi. Nhưng than củi gây ô nhiễm môi trường lại hay bắn tro vào thức ăn, bắn tia lửa vào người. Tuy nhiên, với than không khói thì khắc phục được những hạn chế trên và thịt nướng vẫn giữ được mùi vị đặc trưng. Bên cạnh đó, than không khói sử dụng tiết kiệm hơn than củi lại thân thiện môi trường.

Hiện tại, Hiền có 1 nhà máy  ở Tây Ninh và có 3 đơn vị nhận gia công sản xuất, mỗi tháng cung cấp trên 70 tấn sản phẩm than không khói ra thị trường.

Thành công vì không giống ai ảnh 2 Nguyễn Anh Thi bên sản phẩm.

“Thương nhau củ ấu cũng tròn

Ở xứ sen hồng Đồng Tháp, cô gái 30 tuổi Nguyễn Anh Thy - Chủ cơ sở sản xuất Sen Ta ở xã Mỹ Trà (Cao Lãnh) chọn cách khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa là củ ấu. “Củ ấu là đặc sản của quê hương Đồng Tháp được trồng tại các huyện Lấp Vò, Lai Vung từ rất lâu. Đây còn là món “ăn vặt” của nhiều người dân miền Tây. Lâu nay thường chỉ luộc và bán ven đường, nên giá trị thấp” - Anh Thy mở đầu câu chuyện khởi nghiệp của mình. 

Cô gái xứ sen hồng cho biết, trong củ ấu chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên hạn chế của củ ấu là có lớp vỏ dày, cứng gây trở ngại cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hiện nay giá trị củ ấu trên thị trường còn rất thấp, thị trường đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, thu nhập người nông dân không ổn định. Ngoài ra, tại nông thôn vẫn còn nhiều lao động nhàn rỗi, không có việc làm. Lấy củ ấu khởi nghiệp, cô gái 8X gặp không ít “sóng gió” từ tính ổn định, chất lượng nguồn nguyên liệu đến lao động lành nghề biết biến ấu thành sản phẩm hàng hóa...

“Thương nhau củ ấu cũng tròn”, qua thăng trầm rồi sản phẩm củ ấu tươi tách vỏ của Anh Thy, được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đồng Tháp chứng nhận phù hợp quy định.

Thành công vì không giống ai ảnh 3 Nguyễn Anh Thy bên sản phẩm của mình.

Hiện tại mỗi tháng trung bình cơ sở của Anh Thy sản xuất khoảng 1-1,5 tấn ấu. Sản phẩm đã có mặt ở các siêu thị (Coop, Aeon, Auchan), các đại lý ở Đồng Tháp, TPHCM và các tỉnh ĐBSCL. Củ ấu giờ đây thành những món ăn ngon như: Chè ấu, củ ấu hầm giò heo, ấu chiên, ấu nấu sáp khoai... Trong thời gian tới Anh Thy sẽ cho ra mắt sản phẩm sấy và các mặt hàng khác từ củ ấu. Đồng thời, xây dựng chuỗi sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến chế biến và phục vụ khách hàng ở các siêu thị, cửa hàng. Ngoài củ ấu, Anh Thy còn sản xuất các sản phẩm từ hạt sen tươi, củ sen tươi, trà lá sen, trà tim sen.

Anh Huỳnh Minh Thức, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp đánh giá cao ý tưởng tận dụng tài nguyên bản địa tại địa phương để sản xuất, nâng cao giá trị cho sản phẩm. “Điều này không chỉ giúp người dân tăng thêm thu nhập từ sản phẩm dân dã, mà còn thể hiện tính sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ tỉnh nhà”, anh Thức nói. Bà Vũ Kim Anh, Chủ nhiệm Mạng lưới Sáng tạo khởi nghiệp (BSA) cho rằng, các bạn trẻ đã mạnh dạn chọn cách khởi nghiệp bằng sản phẩm sẵn có của quê mình, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị và đưa sản phẩm vươn xa. 

“Các bạn trẻ đã mạnh dạn chọn cách khởi nghiệp bằng sản phẩm sẵn có của quê mình, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị và đưa sản phẩm vươn xa”.

  Vũ Kim Anh

Dự án sản xuất “Than không khói” của Lê Thị Hiền đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp lần thứ 3 do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ kinh doanh (BSA) tổ chức năm 2017. Còn dự án “Củ ấu tươi tách vỏ” của Nguyễn Anh Thy lọt vào vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp. Đồng thời, đoạt giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2017. 

MỚI - NÓNG