Thanh niên Ả Rập yêu là cưới

Anh Tahir và cô dâu Việt trong ngày cưới
Anh Tahir và cô dâu Việt trong ngày cưới
TP - Anh Noor M.Tahir (tên Việt là Quang), theo đạo Hồi, cán bộ Đại sứ quán Qatar tại Việt Nam, cho biết thanh niên Qatar nói riêng và Ả Rập nói chung không có chuyện sống thử và hầu hết yêu là cưới.
Anh Tahir và cô dâu Việt trong ngày cưới
Anh Tahir và cô dâu Việt trong ngày cưới.

Anh cho biết chuyện tình yêu của giới trẻ Việt khác gì với các nước Ả Rập?

Ở nước tôi hay nhiều nước Ả Rập khác, 10 đôi yêu nhau, ít cũng phải 8 đôi cưới; không có yêu thử, yêu rồi bỏ vì điều đó ảnh hưởng đến gia đình. Còn tại Việt Nam, có nhiều bạn trẻ yêu sớm, sống thử. Thời gian yêu nhau chính thức của giới trẻ Ả Rập thường rất ngắn. Họ thường thích nhau ngấm ngầm từ trước và khi thổ lộ tình yêu cũng thường kín đáo.

Giới trẻ Ả Rập thường làm gì sau mỗi giờ học?

Ở các nước Ả Rập, bóng đá cũng là môn thể thao vua, mỗi phường đều có sân bóng, CLB bóng đá mỗi quận đều có sân tiêu chuẩn cấp quốc gia. Nhiều nam thanh niên gắn bó với sân bóng.

Vậy còn con gái?

Con gái Ả Rập như tôi biết thường thích buôn dưa lê với bạn bè, xem tivi, đi chợ mua sắm. Nhiều người không hiểu, cứ nghĩ con gái Ả Rập thiệt thòi, nhưng thực ra nhiều bạn chỉ thích học xong lớp 12 để lấy chồng và được chồng nuôi. Ngược lại, con trai phải mua vàng, tiền, quần áo mới tùy theo điều kiện của mình để tặng con gái trước khi làm đám cưới. Thế nên, hầu như những việc lớn trong gia đình hay của đất nước đều do đàn ông gánh vác.

Anh nghĩ gì về con gái Việt Nam?

Tôi rất khâm phục con gái Việt Nam từ xưa đến nay. Trong chiến tranh, con gái ra trận đánh giặc, ở nhà cũng hy sinh rất nhiều cho chồng con. Còn hiện nay trong các công sở, con gái đông không kém con trai và cũng không ít người giữ vị trí quan trọng.

Anh Tahir (thứ 3 từ trái sang) và các bạn
Anh Tahir (thứ 3 từ trái sang) và các bạn.
 

Sống như trai Việt Nam

Lấy vợ Việt, anh có thấy sự khác biệt khi sống chung?

Khi bố mẹ vợ có thành kiến vì con gái yêu một ông Tây, tôi chủ động gặp ông cậu có uy tín của nhà vợ để thuyết phục. Cách thuyết phục rất hiệu quả của tôi là tôi sống như trai Việt Nam: Biết ăn mắm tôm, đi xe máy, hiểu nhiều thứ về Việt Nam. Tôi sinh hoạt bình thường như một người Việt nên bây giờ bố mẹ vợ quý con rể lắm.

Là người Hồi giáo, vậy điều gì gắn bó anh với vùng đất mới này?

Tôi theo đạo Hồi nên thường sống với những nguyên tắc khắt khe, có thể gọi là cầu kỳ. Thế nhưng sống ở Việt Nam 13 năm, lấy vợ Việt, sinh con, tôi yêu Việt Nam từ những điều bình dị, nhỏ nhặt nhất. Mọi thứ ở đây đi vào tôi một cách từ từ. Trước đây tôi sợ mùi mắm tôm, nhưng nay tôi nghiện món này và còn dẫn rất nhiều bạn bè nước ngoài đi nếm thử...

Lạ nhất là giao thông

Gắn bó với Việt Nam đến vậy, anh thấy điều gì lạ nhất?

Giao thông Việt Nam là điều lạ nhất tôi thấy. Người đi sau có thể chen đường người đi trước, hay một thanh niên bật xi nhan bên phải lại rẽ trái là chuyện thường ngày. Ra đường, tôi bị ức chế bởi xe buýt, xe tải và taxi. Ở đây cứ hễ một người bị tai nạn ngã ra đường lại có rất nhiều người xúm lại xem mà quên đưa nạn nhân đi viện.

Anh đã vượt qua ma trận giao thông ở Việt Nam như thế nào?

Những ngày đầu tôi thấy lạ và sợ nên không dám sang đường một mình. Ở Qatar, tôi chỉ biết lái ô tô, nên đi xe máy ở Việt Nam là một vấn đề. Những ngày đầu, tôi rất run khi dắt xe ra đường và chỉ đi sát bên lề phải. Khi run quá, tôi tấp vào bên phải đứng trấn tĩnh một lúc rồi lại đi từ từ, thế mà cũng thành quen.

Giáo dục người trẻ qua truyền hình

Anh thấy ý thức khi tham gia giao thông của bạn trẻ Việt Nam thế nào?

Nhiều thanh niên cứ va chạm giao thông là lao vào choảng nhau. Khi dừng đèn đỏ, tôi từng chứng kiến nhiều người trẻ, ăn mặc thời trang bấm còi inh ỏi từ đằng sau thúc tôi phải vượt. Nhiều thanh niên Việt Nam điều khiển xe bấm còi theo nhạc điệu chỉ để cho vui và thể hiện đẳng cấp. Khi tôi mới sang Việt Nam điều này rất hiếm khi xảy ra. Tôi nghĩ các bạn đang bị văn hoá, lối sống ngoại xâm nhập nhanh.

Ở Qatar, việc giáo dục thanh niên thực hiện thế nào?

Ở nước tôi và nhiều nước Ả Rập mà tôi biết, truyền hình được sử dụng để giáo dục bạn trẻ một cách hiệu quả. Rất ít khi họ đưa chuyên gia hay người già thắt cà vạt lên ngồi nói thanh niên hãy sống thế này, đừng làm thế kia mà để chính người trẻ tự nói, tự đóng vai qua những câu chuyện, chương trình nhỏ, chiếu vào giờ vàng. Tôi thấy lạ là hiện ở Việt Nam cứ bật tivi lên lại thấy phim Trung Quốc, Hàn Quốc là chủ yếu.

Năm 1998, anh Noor Tahir sang Việt Nam theo học ngành Tiếng Việt tại trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Tahir hiện là cán bộ phụ trách quan hệ công chúng của Đại sứ quán Qatar ở Hà Nội, Trưởng nhóm người Ả Rập tại Việt Nam.

Năm 2010, anh Tahir cùng một số người thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam - Ả Rập ở Hà Nội với mong muốn tăng cường giao lưu văn hóa của hai bên, đặc biệt là bạn trẻ. Tahir từng dịch sách từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập để quảng bá văn hóa, con người Việt Nam; tham gia nhiều chương trình trên truyền hình và đóng phim tại Việt Nam. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.