Thanh niên làng làm công nhân ở làng

Thanh niên làng làm công nhân ở làng
TP - Hàng vạn thanh niên đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã từ bỏ tập quán sản xuất lạc hậu để vào các nông lâm  trường Cty, xí nghiệp làm công nhân.
Thanh niên làng làm công nhân ở làng ảnh 1
Ngôi nhà khang trang của Nglak được xây dựng từ phần lớn thu nhập khi anh làm công nhân

Sau vài ba năm cuộc sống của họ đã ổn định, nhiều người vươn lên làm giàu  tại buôn làng của mình.

Những gia đình công nhân

Ksor Nglak sinh năm 1969 ở làng Blang1, xã Ia Der, Ia Grai-Gia Lai thuộc lớp công nhân đầu tiên của làng làm việc tại Nông trường Ia Phú- Cty Cao su Chư Pah.

Gia đình Nglak có nhiều đất đai ở Ia Der, 13 năm trước khi làn sóng trồng cà phê tràn ngập khắp Tây Nguyên thì vợ chồng Nglak cũng trồng 1 ha.

Vốn liếng ít, kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê không nắm vững nên vườn cà phê của anh năng suất không cao. Anh bàn với vợ là Pui H’Lôt (sinh 1974) gắng chăm sóc vườn cà, ruộng rẫy để anh xin vào làm công nhân cao su.

Làm việc tại nông trường thu nhập ổn định, học được quy trình trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su thuần thục. Thế nên, năm 2003 anh xin cho vợ vào công nhân nông trường. Vợ chồng anh nhận chăm sóc 4 ha cao su, đến nay diện tích này đã đưa vào kinh doanh, thu nhập bình quân của vợ chồng anh khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Năm 2004 Nglak có tiền xây nhà mới, khang trang, sắm các  phương tiện sản xuất, sinh hoạt như xe công nông, xe máy, ti vi... Bốn người con của anh đều ngoan học hành chăm chỉ.

Ksor Chu 27 tuổi, Phó bí thư Đoàn nông trường Ia Phú kiêm Tổ trưởng tổ 3, tác phong nhanh nhẹn, chỉ đạo công việc “đâu ra đấy”. Anh học hết lớp 12, đi bộ đội rồi về làm công nhân, đến nay đã có 7 năm trong nghề.

Từ việc xới đất lật cỏ chăm sóc vườn cây ban đầu, anh đã vươn lên trở thành cán bộ cốt cán của nông trường, chuyên theo dõi kỹ thuật cạo mủ, thu hoạch cao su.

Chu cho biết: Lương cơ bản của anh hiện nay 3 triệu đồng/tháng, cuối năm 2006 chắc chắn sẽ có thưởng to vì tổ 3 vượt khoán lớn. Vợ Chu là Ksor H’Bung 20 tuổi cũng là công nhân, hợp đồng thử việc, mỗi tháng thu nhập gần 1 triệu đồng.

Kiên trì học việc sẽ thành thợ giỏi

Chính sách giải quyết việc làm, đưa đồng bào từ tập quán nông nghiệp đi vào “tác phong công nghiệp” giờ giấc nghiêm ngặt được thực thi từ khi các nông lâm trường mở ra trên địa bàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc thực hiện trước đây nhiều nơi làm không hiệu quả.

Thói quen đi trưa về sớm của người dân vùng cao không dễ bỏ. Nhiều nông lâm trường nhận hàng trăm công nhân là người dân địa phương, song qua thời gian rơi rớt dần, một bộ phận bỏ nông trường trở lại với tập quán cũ cuộc sống hết sức bấp bênh.

Ông Hoàng Đình Quý-nguyên Giám đốc Nông trường Ia Phú, hiện Phó Chủ tịch Công đoàn Cty Cao su Chư Pah, nơi có tỷ lệ công nhân là người dân tộc cao nhất trong số các doanh nghiệp  trồng cao su ở Tây Nguyên cho biết: Nông trường cao su Ia Phú có hơn 80% công nhân là người dân địa phương. Đa số công nhân là người địa phương nếu được đào tạo họ sẽ đảm đương công việc.

Nông trường Ia Phú mặc dù vườn cây mới đưa vào khai thác 4 năm, song đã có nhiều công nhân tay nghề cao. Ksor Ơn và Siu H’Lế vừa được Cty cao su Chư Pah cử đi dự thi tay nghề cấp toàn ngành điều đó khẳng định nếu chịu khó học hỏi, nhiều bạn trẻ người thiểu số Tây Nguyên sẽ có tay nghề giỏi, tạo ra cơ hội làm giàu ngay trên quê hương mình. 

MỚI - NÓNG