Thanh niên nông thôn đang cần gì ở Đoàn?

Thanh niên nông thôn đang cần gì ở Đoàn?
TP - Nhiều đại biểu trẻ đã không ngần ngại cho rằng, nếu không sớm có giải pháp, sự quan tâm đúng mức tới thanh niên và tổ chức Đoàn tại nông thôn thì tình trạng “trắng Đoàn, trắng Hội” sẽ xảy ra...

Anh Phan Văn Sệnh, 27 tuổi người dân tộc Dao - Phó Bí thư Đoàn trường THCS Pù Nhi (Mường Lát-Thanh Hóa) cho biết, tại xã Pù Nhi nơi anh sống, tình trạng thanh niên thiếu việc làm diễn ra phổ biến.

Hơn 2.000 thanh niên thuộc 6 dân tộc thiểu số của xã đến tuổi lao động ngoài mấy tháng mùa vụ phát nương làm rẫy cùng gia đình, thời gian còn lại để trôi đi rất lãng phí hết ngày này qua ngày khác. Kinh tế trang trại làm theo quy mô lớn chưa phát triển tại xã giáp biên này.

Do vậy khả năng giải quyết việc làm cho lao động trẻ rất hạn chế, kinh tế chủ yếu của các hộ gia đình là tự cung tự cấp chỉ đủ ngày 2 bữa. Tệ nạn nghiện hút vì thế cũng có cơ hội phát triển.

“Hiện nay thanh niên rất mong chờ vào sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn. Tuy nhiên kinh phí hoạt động của Đoàn thì hết sức khó khăn, Đoàn phí thu được gần như không đáng kể vì thu nhập của đoàn viên tại các thôn bản rất thấp”- Anh Sệnh chia sẻ.

Về đời sống của nữ thanh niên thiểu số vùng giáp biên, chị Sung Thị Xia, người dân tộc Mông hiện là Hội Phó phụ nữ xã Pù Nhi cho biết cũng đang gặp không ít khó khăn.

Tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba, mù chữ cũng làm tăng thêm nhiều gánh nặng lên vai các cặp vợ chồng trẻ. Đến với ĐH Đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI, chị Xia đề nghị: Bên cạnh hoạt động tư vấn sức khỏe, hướng dẫn cách làm ăn, Đoàn cần tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ giúp chị em có đời sống tích cực hơn, có điều kiện học tập.

Hỗ trợ nhiều hơn cho cán bộ Đoàn nông thôn 

Thanh niên nông thôn đang cần gì ở Đoàn? ảnh 1

Chị Sung Thị Xia - người dân tộc Mông - đại biểu thanh niên xã Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa)

Nhiều đại biểu dự ĐH Đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI diễn ra trong các ngày 25, 26, 27/10 cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn tại nông thôn thì biện pháp đầu tiên là quan tâm chăm lo đến người cán bộ Đoàn tại cơ sở, nhất là cấp xã.

Do ít được học tập, đào tạo nên năng lực của đa số cán bộ Đoàn xã còn rất hạn chế, không đủ sức tổ chức các hoạt động hấp dẫn thanh niên, cũng như tư vấn, hỗ trợ cho thanh niên.

Anh Phạm Đình Lực - Bí thư Đoàn xã Thọ Xương (Thọ Xuân - Thanh Hóa) đề nghị Đoàn cấp trên cần đặc biệt quan tâm đến chính sách vay vốn, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Làm sao để đồng vốn vay ưu đãi sớm đến được tay người lao động trẻ.

Hiện nay chính sách vay vốn cho thanh niên nông thôn còn bị bó hẹp và chưa thật sự mở rộng cả về nguồn vốn và hình thức cho vay. Nếu có vốn vay ưu đãi, thanh niên nông thôn sẽ tìm cách làm giàu, nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi ngành nghề ngay tại quê hương mình thay vì phải đổ xô đi làm ăn xa như hiện nay.

Vai trò của Đoàn là bám sát đời sống, kịp thời phát hiện, khuyến khích, tôn vinh những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên cần tổ chức nhiều hơn các hoạt động chuyển giao, phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật đến đông đảo thanh niên, khuyến khích họ mạnh dạn áp dụng và sáng tạo những phương pháp làm ăn mới.

Anh Hà Văn Thiếu-Bí thư Huyện Đoàn Mường Lát (Thanh Hóa) cho rằng, việc có thể làm được ngay đó là tổ chức Đoàn tại cơ sở tổ chức nhiều hơn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các loại hình vui chơi giải trí lành mạnh, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống.

Các lễ hội vào dịp Tết đến, Xuân về cần được duy trì. Thông qua các hoạt động này Đoàn thanh niên có thể tập hợp, thu hút và giáo dục truyền thống, lối sống cho thanh niên.

Đoàn tại địa phương cũng cần tổ chức được nhiều hơn các công trường thanh niên tình nguyện để tập hợp thanh niên; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu kết nghĩa trong các đối tượng thanh niên...

MỚI - NÓNG