Thanh niên thác loạn: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thanh niên thác loạn: Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước hiện tượng một bộ phận giới trẻ lao vào con đường ăn chơi thác loạn, PV đã có cuộc trao đổi với Bí thư TW Đoàn Nguyễn Thành Phong.

Một loạt ‘’động lắc’’ bị phá gần đây, trong đó có vụ bắt quả tang 200 thanh niên đang ‘’lắc’’ (tại quán bar 189V Bùi Thị Xuân, Hà Nội sáng 1/6). Là người làm công tác thanh niên, anh nghĩ sao?

Tôi cho rằng đó là nỗi nhức nhối của những người quan tâm đến thanh niên. Hiện nay có một bộ phận thanh niên bị tác động bởi một lối sống rất thực dụng, bị tha hóa từ những tác động xấu bên ngoài. Tất nhiên, đây chỉ là một bộ phận nhưng cần chấn chỉnh.

Họ bị kích động, lôi kéo, chưa làm chủ được bản thân...?

Không làm chủ được bản thân và có lối sống ích kỷ, chỉ biết đến bản thân! Ở đây cũng phải nghĩ tới bộ phận thanh niên bị lôi kéo vào ma túy, thuốc lắc vì có những phần tử hiện nay sống nhờ vào đó.

Do tâm lý giới trẻ thích cảm giác mạnh, mới lạ?

Tất nhiên! Nhưng tôi cho rằng họ thiếu sự giáo dục. Tiếp đến, do tiếp cận văn hóa nước ngoài nhưng không có chọn lọc.

Do tiêu cực của xã hội, do bế tắc trong cuộc sống nên họ chán chường lao vào ăn chơi để quên mình?

Tôi đồng ý có bộ phận như thế! Những tiêu cực xã hội hiện nay cũng tác động nhất định đến suy nghĩ của họ. Nhưng có một bộ phận không có sự suy nghĩ nào cả mà ăn chơi sao cho thích thú là được!

Lỗi chính, trách nhiệm chính  trong việc để cho con cái ăn chơi thác loạn  là do gia đình?

Phần lớn do gia đình. Nhân tố gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục, định hướng lối sống lành mạnh cho bộ phận thanh niên vừa nói trên. Những thanh niên thác loạn đó có thể có thu nhập gia đình khá, chính đáng, nhưng cha mẹ tập trung công chuyện làm ăn, quên đi, thậm chí không chăm lo con cái.

Nhưng cũng có một bộ phận gia đình thu nhập cao qua con đường làm giàu bất chính! Bản thân nhân cách của họ đã không là tấm gương cho con cái. Thành ra họ cứ vung tiền cho con mình được thỏa mãn.

Nhà trường là nơi ‘’dạy chữ, dạy người’’ nhưng qua những vụ việc như vừa rồi, không hiểu nhà trường đã dạy người như thế nào?

Có lẽ tôi không nói lại những bất cập, hạn chế của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua. Nhưng tôi cho rằng bên cạnh việc dạy chữ, vấn đề đạo đức, lối sống, tức là dạy người là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Đặc biệt đối với học sinh tiểu học và trung học. Và người thầy phải là hình ảnh rất đẹp, luôn luôn gương mẫu đối với học sinh.

Ở đây tôi không nói rằng bấy lâu nay người thầy không gương mẫu mà muốn nói đến việc phải coi trọng dạy người. Ông bà mình nói ‘’tiên học lễ, hậu học văn’’.

Anh có cho rằng môi trường xã hội mà thanh niên chúng ta hiện đang sống có cái gì đó không lành mạnh?

Điều đó làm mình phải suy nghĩ làm sao xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó có việc tổ chức các điều kiện để phục vụ nâng cao đời sống tinh thần của thanh niên. Trong giáo dục thanh niên hiện nay, tổ chức Đoàn nỗ lực rất nhiều nhưng chưa đủ, mà phải có sự phối hợp của nhiều tổ chức khác.

Mình đang giáo dục cách ăn mặc làm sao hiện đại, phù hợp với điều kiện của thanh niên, phù hợp với truyền thống. Nhưng có tác động của phương tiện thông tin đôi lúc lại không thống nhất.

Hãy nhìn các mẩu quảng cáo trên truyền hình thì biết (tôi thấy rất bực). Một người nữ đến với một người nam chỉ vì chai dầu gội X-Men hay sao? Một cô gái thấp người quá không lấy nổi chai Heineken, nhờ một anh con trai lấy thì anh này lấy mất chai Heineken ấy đi!

Theo anh, tâm lý, cách suy nghĩ, lối sống lệch lạc của một bộ phận thanh niên đó mình phải nắn như thế nào?

Vấn đề phải phối hợp các biện pháp, các tác động xã hội, của Nhà nước. Làm sao nâng cao vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội nói chung. Một điều rất quan trọng nữa là sự gương mẫu của người lớn. Trách nhiệm thuộc về người lớn!

Chúng ta phải không ngừng thiết kế những loại hình sinh hoạt văn hóa mới đáp ứng sự phát triển nhu cầu của thanh niên, bên cạnh ‘’chống, hạn chế’’ như hiện nay thì phải chú ý vấn đề ‘’xây’’.

Vụ bắt quả tang một ‘’động lắc’’ ở Hà Nội có cô bé lớp 11, 12 rất ngây thơ, thậm chí vẫn cười tươi cho phóng viên chụp ảnh. Nữ sinh này không ý thức được việc làm của mình là sai trái?

Thứ nhất, tôi vẫn quan niệm gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng để định hướng lối sống con em. Thứ hai là vấn đề giáo dục của các tổ chức. Đặc biệt là tổ chức Đoàn đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng lối sống cho thanh niên.

Tôi thấy rằng có những cái nỗ lực của Đoàn thanh niên là rất lớn, nhưng không có sự phối hợp đồng bộ, không thống nhất cho nên sự cố gắng đã bị giảm hiệu quả.

Anh có thể nói rõ hơn cần phối hợp với ai?

Phối hợp với gia đình, nhà trường, các phương tiện thông tin.

Tổ chức Đoàn đã làm gì để hạn chế giới trẻ lao vào con đường ăn chơi thác loạn?

Tất nhiên sự nỗ lực của Đoàn thanh niên phải nhiều hơn nữa trong thời gian sắp tới. Đoàn phải đầu tư hơn nữa để tạo ra sân chơi lành mạnh cho thanh niên và tăng cường giáo dục cho thanh niên lối sống lành mạnh, khát khao vươn tới, vươn lên trong học tập, trong rèn luyện để đóng góp sức trẻ của mình.

Tất nhiên những chương trình đó phải cụ thể hóa sát hợp với nhu cầu thanh niên chứ không phải bằng những bài học giáo dục khô khan. Nó phải sinh động, phải bám sát nhu cầu của thanh niên, đặc biệt của thanh niên đô thị.

Là Bí thư Trung ương Đoàn, qua những vụ việc vừa rồi anh có thấy trách nhiệm của mình không?

Lúc tôi làm Bí thư Thành Đoàn TPHCM thì đã nỗ lực rất lớn trong việc thiết kế các chương trình giáo dục cho thanh niên. Chúng tôi ý thức rằng những nỗ lực của Đoàn vừa qua chỉ tác động đến một bộ phận thanh niên tiên tiến, chứ nó chưa lan tỏa đến rộng rãi đối tượng thanh niên, đặc biệt là thanh niên chậm tiến.

Lúc bấy giờ tôi mới đề nghị anh em trong Thường vụ Thành Đoàn là mình phải có chương trình không chỉ chú ý đến đối tượng thanh niên mà mình tập hợp được, mà phải chú ý đến nhiều đối tượng thanh niên khác.

Mình phải tìm hiểu coi tại sao họ đến vũ trường đông, đua xe nhiều!

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).