Thanh niên thất nghiệp vẫn là bài toán khó

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đoàn Thanh Niên.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đoàn Thanh Niên.
TP - Sáng 23/9 tại Hội thảo “Đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện các nhóm chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm”, nhiều ý kiến cho rằng dù đã ban hành nhiều chủ trương, đề án với nhiều cải tiến nhưng việc thực hiện trên thực tế còn chung chung, chồng chéo, thậm chí có những quy định khó có thể áp dụng được.

Hội thảo do Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, T.Ư Đoàn và Đoàn Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Hà Nội.

Ông Lê Quang Trung, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật hỗ trợ tạo việc làm nói chung và thanh niên nói riêng. Hệ thống chính sách việc làm tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi đối với TN có trình độ cao đẳng, đại học làm việc tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn, do đó phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không trở về địa phương, gây sức ép lớn về việc làm ở thành thị; Các nguồn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp còn hạn chế…”.

Đại diện Cục Việc làm cho hay, hiện cả nước có hơn 13,5 triệu lao động thanh niên có việc làm (chiếm hơn 25% lao động có việc làm cả nước). Chất lượng việc làm thanh niên còn hạn chế, phần đông thanh niên còn là lao động tự làm và lao động trong hộ gia đình không hưởng lương; hơn 50% lao động thanh niên làm việc không có hợp đồng lao động.

Xuất khẩu lao động ở huyện nghèo chỉ đạt 30% chỉ tiêu

Một trong những chính sách được dư luận quan tâm là hỗ trợ đưa thanh niên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ông Tổng Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, những chính sách về xuất khẩu lao động đã tạo cơ hội cho hàng chục vạn lao động, phần lớn là thanh niên được đi làm việc ở nước ngoài và thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, không phải chương trình, đề án nào cũng được triển khai hiệu quả. Như Đề án hỗ trợ người lao động tại 62 huyện nghèo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009 với nhiều ưu đãi về học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ vay vốn… nhưng sau hơn 5 năm thực hiện, số lao động thuộc huyện nghèo được xuất khẩu chỉ đạt 30% chỉ tiêu đề án. “Các mục tiêu của đề án đạt ở mức thấp bởi chính quyền nhiều địa phương chưa mặn mà, không rốt ráo thực hiện khiến nhiều doanh nghiệp tuyển chọn lao động rất vất vả. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện đề án đã không lường hết được tâm lý, phong tục tập quán của thanh niên ở những vùng sâu, vùng xa không muốn đi làm ăn xa, thiếu kỷ luật lao động…”, ông Nam nói.

Bên cạnh việc đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhắm tới nhiều nhóm đối tượng thanh niên, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đề xuất cần sớm hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, chú trọng đẩy mạnh dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khóa đào tạo giúp thanh niên, sinh viên chọn và quyết định học nghề, lập nghiệp, tham gia thị trường lao động.

Tình trạng thất nghiệp của TN tiếp tục là bài toán khó trong giải quyết việc làm với hơn 62% người thất nghiệp là thanh niên, tỷ lệ thất nghiệp của TN trong nhóm 15 – 24 tuổi cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung.

(Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH)

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.