Xung kích khắc phục hậu quả lũ lụt:

Thanh niên tình nguyện vào vùng lũ dữ

Thanh niên tình nguyện vào vùng lũ dữ
TP - Trời đã bắt đầu he hé nắng, chúng tôi lại tiếp tục ngược dòng Gianh theo bước chân của những Thanh niên tình nguyện.
Thanh niên tình nguyện vào vùng lũ dữ ảnh 1
Dọn dẹp giúp đỡ người dân vùng lũ

Hôm trước khi nước thượng nguồn còn khá cao, anh Nguyễn Công Huấn, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình đã hối hả gọi điện thông báo: Chúng tôi đã thành lập được 30 đội TNTN với khoảng 400 ĐVTN, tất cả đã sẵn sàng có mặt ở vùng rốn lũ.

Gần 50 trên tổng số 60 xã vùng bị lũ có mặt áo xanh tình nguyện. Hàng chục cuộc điện thoại đổ dồn báo cáo tiến độ và tình hình triển khai công việc.

Đoàn của cơ quan Dân Chính, khối Doanh nghiệp, đoàn Sư phạm, Y tế, thành phố Đồng Hới đã có mặt tại những vùng đặc biệt xung yếu và khó khăn.

Điểm mà chúng tôi chọn đến là Châu Hóa, nơi mà 100% nhà cửa của hơn 1.200 hộ dân bị ngập, sập và trôi, bề bộn và ngổn ngang sau lũ. Bao nhiêu công việc phải làm.

Những đội TNTN nơi đây đang đảm trách dọn sạch 17 trường học trong toàn xã để bảo đảm cho các em sớm ổn định bước vào năm học mới. Bùn đất bám dày gần đến mái ngói.

Bàn ghế chìm lặn dưới lớp bùn non. Tất cả đều được vận chuyển xuống dòng Gianh cách xa có nơi vài ba km để lau chùi, kỳ cọ.

Nguyễn Quang Hòa, Bí thư xã Đoàn Châu Hóa, đầm đìa mồ hôi, nói trong tiếng thở dốc: Vừa huy động lực lượng tại chỗ, chúng tôi lại nhận được sự chi viện của Huyện Đoàn nên công việc đang rất chạy.

Chỉ khoảng hai ngày nữa thôi, hệ thống trường học ở đây sẽ tinh tươm trở lại. Khi đó chúng tôi sẽ bắt tay vào giúp dân dựng lại nhà cửa và dọn dẹp hệ thống các trạm y tế.

Anh Phạm Tiến Nam, Bí thư huyện Đoàn Tuyên Hóa, trong màu áo xanh tình nguyện, cắm chốt tại xã xung yếu này cung cấp thêm: Huyện Đoàn Tuyên Hóa thành lập được 17 đội TNTN, mỗi đội khoảng 15 ĐVTN. Họ đến với những phần việc cụ thể. Hoàn tất phần việc nào thì rút về để lực lượng khác lên thay.

Nhìn vào góc “quân nhu, lương thảo” thấy các TNTN chấp nhận tất thảy mọi gian khó, chung lưng đấu cật với người dân nơi đây, cùng với họ vượt qua thời điểm khó khăn này.

Mỳ tôm, lương khô, bột canh và ít gạo là lương thực chủ yếu. Nước ngọt được các thành viên tiết kiệm triệt để, cùng san sẻ với người dân đang khát khô nước sạch.

Chị Lâm Phương Thanh - Bí thư T.Ư Đoàn thực sự xúc động và cảm kích trước tinh thần vượt khó, tình nguyện của tuổi trẻ ở đây.

Chị nhắc đi nhắc lại rằng, ở những nơi gian khó nhất, tuổi trẻ với sự sáng tạo, dũng cảm, dấn thân vì đời sống cộng đồng mới có thể giải quyết mọi vấn đề có hiệu quả nhất.

Rời Châu Hóa, xuống Quảng Trạch, không khí tình nguyện cũng đang hừng hực ở các xã vùng Nam.

Nguyễn Ngọc Sơn, quyền Bí thư Huyện Đoàn báo cáo nhanh: 11 đội tình nguyện với gần 150 TNTN đã đến và cắm chốt ở các xã Quảng Lưu, Quảng Tiên, Quảng Trung...

Công việc mà họ đảm trách là dựng lại nhà cửa cho dân, nạo vét đường kênh mương, giúp các gia đình chính sách sớm ổn định lại cuộc sống.

Lại những cuộc điện thoại thông tin, đoàn của Y tế, Sư phạm, Bệnh viện T.Ư Huế... đang trên đường đến Châu Hóa, Văn Hóa, Tiến Hóa... Giúp dân phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, xử lý ô nhiễm nguồn nước...

Những phần việc đó đang chờ họ và đang rất cần họ. Hàng ngàn gói mì ăn liền, hàng trăm thùng nước sạch, hàng chục kiện sách vở, giấy bút theo bước chân họ cứ ngược dòng Gianh xoa dịu nỗi đau, sẻ chia mất mát.

Áo xanh tình nguyện nơi lũ dữ đi qua sẽ sớm làm xanh lại chồi non lộc biếc giữa hoang tàn đổ nát.  

MỚI - NÓNG