Thắp lên hy vọng cho trẻ không may

Thắp lên hy vọng cho trẻ không may
TP - Hàng trăm em bé tật nguyền, bại liệt giữa vùng nông thôn nghèo khó đang dần hồi phục nhờ sự chăm sóc kiên trì của các bậc cha mẹ và những lương y giàu lòng nhân ái ở Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Ea Kar, Đắk Lắk.

> Khởi tố vụ ăn bớt tiền của trẻ khuyết tật ở Hà Giang

Hình thành từ năm 2002, Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật (gọi tắt TTPHCN) là một trong số rất ít cơ sở “hàng huyện” hỗ trợ người khuyết tật hiệu quả hàng đầu cả nước.

Lương y Nguyễn Quang Vịnh, Phó Giám đốc TTPHCN, người trực tiếp hướng dẫn trẻ khuyết tật tập luyện chia sẻ : Thương các cháu không thể chơi đùa như các bạn đồng trang lứa, chúng tôi không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến phương pháp phục hồi. Nhờ vậy phụ huynh tin tưởng đưa các cháu đến tập đều đặn, kiên trì. Đa số các cháu trước kia chỉ nằm yên một chỗ, nay đã có thể tự cầm nắm, đi lại vững vàng. Có cháu câm điếc bẩm sinh cũng đã nói được những câu đầu tiên, mừng rơi nước mắt !

Cháu Bùi Thị Hạnh Nguyên đã 13 tuổi nhưng nói bập bẹ, đi chưa vững. Đến đón con gái sau buổi tập, chị Trần Thị Ngọc xúc động: Biết bao công phu chữa trị chăm sóc cháu mới được như thế này đấy ! Với tôi, vậy cũng đáng mừng lắm rồi ! Hồi nhỏ, Hạnh Nguyên bị sốt, co giật, biến chứng dẫn đến bại não, xương yếu, đặt đâu chỉ nằm đó.

Vợ chồng chị Ngọc đã đưa con đi khắp nơi chữa trị không kết quả, TTPHCN vừa đi vào hoạt động, chị lập tức đưa con đến tập luyện. Nhờ tình yêu thương vô bờ của người mẹ và phương pháp điều trị đúng hướng của lương y, khả năng vận động nhận biết của Nguyên dần dần phục hồi, cháu tự ngồi dậy, đi lại, cầm bút tập viết.

Bé Y Ya Mil ở thị trấn Ea Kar, gần 6 tuổi bị dị tật bẩm sinh, tay chân co quắp, không biết nói, não phát triển chậm. Mong muốn con được đến trường như bao đứa trẻ khác, suốt 5 năm qua, chị H’Trang Niê đều đặn mỗi tuần 3 buổi đưa con đến TTPHCN điều trị. Nay Mil đã bắt đầu biết nói và chập chững đi trên đôi chân của mình.

Không gian nhỏ nuôi hy vọng lớn

“Khách hàng” của TTPHCN hầu hết là những em bé khuyết tật bẩm sinh về thần kinh, liệt chi, chậm phát triển trí tuệ, bị di chứng chất độc da cam. Trung tâm có 6 kỹ thuật viên làm việc tại cơ sở và 18 cộng tác viên theo dõi nắm bắt, giúp đỡ trẻ khuyết tật tại cộng đồng. Dù phụ cấp chỉ 60.000 đồng/tháng nhưng các cộng tác viên vẫn gắn bó bền bỉ với trung tâm bằng tấm lòng nhân ái, yêu trẻ.

Điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, phòng tập nhỏ mỗi lượt chỉ đủ chỗ cho hơn chục cháu. Nhiều cháu khác phải tập ngoài hiên hay ra sân theo lịch do TTPHCN bố trí, mỗi ca tập từ 3 đến 4 tiếng vào sáng thứ 3, 5, chủ nhật hằng tuần.

Ông Nguyễn Huệ, Giám đốc TTPHCN chia sẻ: Thời còn là cán bộ Ủy ban Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, thấy khu vực này quá nhiều trẻ khuyết tật, ông đã mạnh dạn làm dự án xin thành lập trung tâm, được cấp trên ủng hộ, tạo điều kiện. TTPHCN ra đời, hoạt động gần như độc lập bằng nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam rót cho trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Hiện toàn huyện có 600 trẻ khuyết tật nhưng TTPHCN mới có điều kiện theo dõi 120 cháu, trong đó có 76 cháu luyện tập thường xuyên, 44 cháu còn lại khuyết tật ở thể nặng không thể phục hồi, chỉ được hưởng chế độ. Ông nói: Rất nhiều trẻ khuyết tật vùng nông thôn có cha mẹ quá nghèo không tiền chạy chữa.

Trung tâm này là nơi nuôi dưỡng hy vọng duy nhất ở đây có thể giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, khó khăn mấy chúng tôi cũng phải động viên nhau cố gắng …

Bằng phương pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng không dùng thuốc, sau 11 năm hoạt động kiên trì của đội ngũ lương y ở đây, rất nhiều trẻ khuyết tật đã có thể hòa nhập cộng đồng, không cần nhận sự hỗ trợ của nhà nước nữa.

Năm 2012, đoàn cán bộ của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam vào thăm 4 TTPHCN cấp huyện trên khu vực Tây Nguyên, đã đánh giá rất cao hiệu quả, phương pháp và nhiệt huyết của các lương y ở đây.

Năm 2012, đoàn cán bộ của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam vào thăm 4 TTPHCN cấp huyện trên khu vực Tây Nguyên, đã đánh giá rất cao hiệu quả, phương pháp và nhiệt huyết của các lương y ở đây.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.