Thầy giáo dân quân phường

Thầy giáo dân quân phường
TP - Cứ tối đến, ở CLB “Ông bà cháu” (Khu phố Thái Bình 1, phường Long Bình, quận 9, TPHCM) lại rộn ràng tiếng tập đọc. Lớp học đặc biệt này có cả những học sinh xấp xỉ tuổi 30, là công nhân lao động, có cả những em bé 5, 6 tuổi nhưng gia đình không có điều kiện cho con đến trường. Đó là lớp học tình thương của anh dân quân tự vệ Đặng Đức Tính.

> Bảy năm bò đến trường tìm con chữ

Làm thầy bất đắc dĩ

Năm 2011, Đặng Đức Tính tốt nghiệp trường Cao đẳng Viễn Đông, ngành Quản trị kinh doanh, sau đó về địa phương được chọn làm bí thư chi đoàn Khu phố Thái Bình 1. Với đặc thù của địa phương là dân lao động nhập cư, nay đây mai đó, kinh tế lại không ổn định nên đa số con cái của họ đều không được đi học. Việc mở một lớp học tình thương xóa mù chữ cho con em của công nhân lao động đã được anh Tính cũng như lãnh đạo địa phương ấp ủ từ lâu nhưng vẫn chưa có điều kiện thực hiện.

“Tháng 10/2011, một công nhân làm nghề chài cát tên là Hồ Văn Mười Hai (SN 1988) đến tìm mình để xin học chữ. Mười Hai nói: “Nghe nói Tính mở lớp dạy chữ, mình muốn học, Tính dạy mình đi”- Tính kể. Câu nói của anh công nhân đã làm cho Tính vui mừng. Đó cũng là động lực để anh liên tục đi vận động con em trong Khu phố đến lớp học. “Trong tháng 10, lớp học tình thương được hình thành với 6 em học sinh” - anh Tính nhớ lại.

Việc mở lớp học cũng gặp nhiều khó khăn. Khi vận động người dân cho con đi học, nhiều phụ huynh không hiểu nên họ từ chối, có người sợ tốn tiền, có người thì con không có giấy khai sinh… Rồi về phần kinh tế để chăm lo cho lớp học, điện nước, phấn bảng cũng phải kêu gọi ủng hộ… Anh Tính kể, kinh nghiệm dạy kèm nhiều học sinh từ lúc còn sinh viên đến khi ra trường giúp anh tự tin hơn trong việc mở lớp tình thương.

Qua gần 3 năm, chàng dân quân Đặng Đức Tính đã dạy cho hơn 30 em biết đọc, biết viết, trong đó có 2 em học sinh đặc biệt là Lê Văn Ngọc (SN 1986, bị bệnh tâm thần phân liệt) và Hồ Văn Mười Hai (SN 1988, làm công nhân). Hiện sỹ số lớp học tình thương của anh Tính đã nâng lên con số 22 học sinh, trong đó lớp 1 có 11 em, lớp 2 có 10 em và lớp 5 có 1 em. Cùng đứng lớp với anh Tính còn có 3 - 4 tình nguyện viên luân phiên.

Vừa dạy vừa trực dân quân

Bên cạnh việc dạy học, anh Tính còn tham gia trực dân quân tự vệ ở phường. Anh Tính chia sẻ, nhiều ngày đi làm về mệt, chỉ kịp ăn hộp cơm rồi 6 giờ chạy đến CLB “Ông bà cháu” để dạy học các em. Dạy học xong thì chạy về nhà tắm rửa rồi lại đến phường cùng với anh em dân quân trực đêm. “Nhiều đêm có việc gì quan trọng thì gần thức trắng” - anh Tính kể.

Hiện anh Đặng Đức Tính là Bí thư chi đoàn Dân quân phường Long Bình. Anh được biết đến là cán bộ Đoàn năng nổ với các hoạt động của phường, quận...

Anh Tính tham gia nhiều hoạt động của Đoàn- Hội và nhận được nhiều bằng khen của Thành Đoàn, Quận Đoàn như Giấy khen của Thành Đoàn trong hoạt động tình nguyện hè năm 2011, Danh hiệu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2012, Danh hiệu giáo viên vượt khó dạy giỏi. Mới đây, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh đã tặng giấy khen cho anh Tính vì có thành tích trong phong trào “Tuổi trẻ với biển, đảo” năm 2013.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.