'Thay máu' nguồn nhân lực

Những chàng trai, cô gái Mông hồ hởi góp công xây trường mới Séo Dì Hồ. Ảnh: Tùng Duy.
Những chàng trai, cô gái Mông hồ hởi góp công xây trường mới Séo Dì Hồ. Ảnh: Tùng Duy.
TP - Được coi là “cuộc cách mạng xã hội lần thứ hai” nhằm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội và dân trí sơn cước vùng cao, Yên Bái đã huy động sức dân để nâng tầm con chữ và đổi mới giáo dục toàn diện ngay từ cấp mầm non và tiểu học. Tuổi trẻ ở đây là lực lượng nòng cốt, điều kiện thành công cho đề án lớn này.

Tối tăm con chữ, đói nghèo quanh năm

Lão nông Lờ A Páo buông xô cám đang chăm hai con trâu to trong chuồng thân quen nhìn tôi, người khách lạ, buông: Vào đến đây, mệt không?

Rồi lão Páo buồn vui xen lẫn kể rằng con trai, con gái bản nghèo Cáng Dông mười mấy năm gắn bó với cái lớp học gần đấy. Cảm động vì có bao thầy cô giáo cắm bản đã gieo con chữ từ đây, nhưng lớp học xập xệ, nhếch nhác lắm rồi.  “Cái chữ để biết đọc quý thế nhưng phải thay cái lớp này thôi” - Lão vui ra mặt mấy tuần nay khi ba đứa cháu nội sắp được chuyển ra học nội trú ở ngôi trường Séo Dì Hồ, dù cách nhà đến 7 cây số đường núi. Con trẻ từ giờ được Nhà nước nuôi, được vui chơi ở cái sân trường to sạch sẽ. Lão biết thế và hồ hởi cùng cả bản góp công đi san đồi xây trường mới.

Điểm trường lẻ Cáng Dông chỉ là ngôi nhà gỗ dựng lên tựa bên vách núi với một lớp học duy nhất chứa gộp cả học sinh lớp 1 và lớp 2. Không nhà vệ sinh, không sân chơi, không có điện, và không luôn cánh cửa lớp. Mười mấy năm gắn bó với bản nhỏ, thầy giáo Phạm Trung Thành từ ngày về cắm bản khi khoản lương nhận được mỗi tuần là những bát gạo mà trẻ nhỏ góp cho thầy. Thương cho núi nghèo sơn cước, thầy Thành và nhiều cô giáo cắm bản không tiếc tuổi xuân để gắng gieo con chữ, nhưng khai sáng dân trí vùng cao cứ mãi chỉ thế này thì bản nghèo vẫn chưa thoát nghèo. Tất cả vẫn hồn nhiên với núi rừng Lao Chải, chỗ ăn chỗ ở và cách trồng cây quả, nuôi con lợn ngàn đời vẫn thế, chưa thay đổi được diện mạo cuộc sống vùng cao khi mà cả bản có gần 50 hộ thì tới 83% là hộ nghèo. Cái lớp học nhỏ không đủ sức vực dậy bản cao khi đám trẻ lớn lên là thanh niên vẫn quanh quẩn với cái chuồng trâu, con lợn và đồi cây theo lối sản xuất cũ. Thầy biết rất rõ, đất núi rừng Tây Bắc tốt tươi khi củ sắn hay quả bí to đùng cứ mọc ra dễ dãi và không phụ công người, nhưng con người nơi đây lại chưa đủ sức tài thoát nghèo từ nó.

'Thay máu' nguồn nhân lực ảnh 1

Trẻ em bản Cáng Dông sẽ không phải học ở cái lớp xập xệ này nữa.

“Thay máu nguồn nhân lực ”

Vượt đường rừng chênh vênh cùng về xã Lao Chải với PV Tiền Phong còn có Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, ông Vũ Tiến Đức. Ngôi trường tập trung Séo Dì Hồ đang gấp rút thi công cho kịp ngày khai giảng năm học mới. Hàng trăm bà con người Mông đang san dốc, vác gỗ nhộn nhịp vui như hội. Có cả những phụ nữ địu con đang mải mê cuốc đất cùng những chàng trai, cô gái trẻ. Chủ tịch huyện chắc nịch nói rằng chỉ hơn một tháng, dân mấy bản từ vùng núi xung quanh tính ra đã góp hàng trăm triệu đồng (dân toàn huyện góp công đến 5,5 tỷ đồng) tiền công mà không lấy của Nhà nước đồng nào. Sức dân lớn thế, quả đồi cao bị san phẳng chỉ bằng cuốc xẻng. Máy móc nào bò lên tận đây? Tất cả vì tương lai con cháu của chính họ. 66 lớp học là điểm trường lẻ, nay tập trung vào 34 trường lớn, và Séo Dì Hồ đã là nơi học tập trung cuối cùng còn đang xây dựng. Mù Cang Chải cam kết với tỉnh Yên Bái đi đầu và hoàn thành toàn diện việc xóa bỏ các điểm lẻ, sáp nhập trường mới, góp sức bởi một mục tiêu lớn - đổi mới giáo dục toàn diện và nâng cao dân trí, và lớn hơn đó là “thay máu nguồn nhân lực tương lai” cho cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng cao - cuộc cách mạng xã hội lần thứ hai ở đất này, Chủ tịch Đức nói với niềm tin chắc chắn hoàn thành nhiệm vụ. Giải pháp không có gì đặc biệt, từ Bí thư, Chủ tịch huyện xuống các bí thư cơ sở, già làng, trưởng bản có uy tín, cùng toàn dân Mù Cang Chải đồng thuận vào cuộc khi thấm rõ cái giá trị đột phá cho con chữ vùng cao.

Trường Séo Dì Hồ ba dãy nhà có 15 phòng học khang trang xếp chữ U quanh sân trường đã mọc lên cột cờ cao vút. Bên dãy triền đồi thấp hơn còn có thư viện, phòng y tế, nhà ăn và khu nhà ở nội trú cho 60 thầy cô giáo và hơn 500 học sinh. Hệ thống nước sạch cũng vừa mới lắp. Những giỏ hoa treo trước hiên nhà ăn cho trẻ nhỏ còn có những cuốn truyện thiếu nhi trông đẹp mắt không kém gì ngôi trường dưới xuôi. Cạnh đó là vườn trường trồng những luống hoa tươi khoe sắc. Học sinh và thầy cô còn có những khoảnh đất tăng gia trồng rau, nuôi gà… Những bữa ăn được điều tiết chuẩn về dinh dưỡng, ngủ đêm có màn, thức dậy có tiếng kẻng chung, cuối tuần trò lại được nghe thầy cô cho tham dự ngoại khóa về văn hóa người Mông, về truyền thống anh hùng của Đội du kích Lao Chải xưa đánh  Pháp. Cái nếp ăn ở, sinh hoạt sạch sẽ, học tập và lớn lên có kỷ luật và thực sự hiểu biết mà vẫn giữ được bản sắc người Mông. Cuộc thay máu cho nguồn nhân lực tương lai sơn cước này, chỉ mười đến mười lăm năm nữa thôi - Chủ tịch huyện Đức Dường như muốn xác lập với tỉnh Yên Bái điều đó bằng một thế trận có kế hoạch rất bài bản và tầm nhìn xa qua việc mang đến cái “chất” đầy sức sống từ giáo dục mầm non và tiểu học.

“Nguồn lực cho toàn tỉnh Yên Bái thực hiện xong Đề án đổi mới giáo dục toàn diện qua việc xóa bỏ các điểm trường lẻ, sáp nhập trường lớn tập trung, lên đến gần 500 tỷ đồng. Mỗi tháng tỉnh này chi đến hơn 10 tỷ đồng cho các cháu nhỏ ăn, ở tập trung”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, bà Phạm Thị Thanh Trà, khẳng định quyết tâm.

Giờ đây ngôi trường tập trung gần nhất sẽ là 4km, xa nhất là 27km, hàng ngàn bạn trẻ sẽ được huy động dùng xe máy cá nhân để đưa đón trẻ em đi về thăm gia đình cuối tuần, giúp người dân an tâm khi con phải đi học quá xa -  Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái, anh Nông Việt Yên, cho biết. Tỉnh Đoàn sẽ hỗ trợ một phần xăng xe, và nhiệt tình sức trẻ vùng cao vào cuộc để cùng tiếp sức cho Đề án.

MỚI - NÓNG