“Thầy thổ cẩm” ở buôn K’Tung

“Thầy thổ cẩm” ở buôn K’Tung
Đó là cô bé Nguyễn Thị Kim Oanh, 18 tuổi ở xã Hoà Hiệp, huyện Krông Ana - Đăk Lăk. Không chỉ dạy dệt thổ cẩm cho cả buôn làng, Oanh còn đang ấp ủ ước mơ tạo dựng một thương hiệu thổ cẩm.
“Thầy thổ cẩm” ở buôn K’Tung ảnh 1
Kim Oanh dùng tiếng Ê Đê hướng dẫn Amí Nghênh dệt theo mẫu thiết kế của mình

Nằm bên một nhánh của dòng Krông Ana, nhiều buôn của xã Hoà Hiệp (huyện Krông Ana - Đăk Lăk) thường bị ngập lụt mỗi khi có mưa dài ngày. Nhớ lại những trận chạy lũ suốt hàng chục ngày, cắm trại trên đồi cao nhìn xung quanh mênh mông nước, già trẻ trong buôn ai cũng ngao ngán.

Nhưng năm nay thì khác, Amí Nghênh ở buôn K’Tung lạc quan: “Nếu nước lên, mình sẽ ngồi trong lều dệt thổ cẩm, mỗi ngày cũng kiếm được gần năm mươi ngàn đồng".

Già làng Ama Lệ cho biết thêm: Hầu như nhà nào ở buôn K’Tung cũng có một vài khung dệt, nhờ đó mà chị em phụ nữ có thu nhập đều đều, không còn bữa đói bữa no như trước. Cái nghề này đã có từ lâu, nhưng nếu không có con bé Oanh thì bây giờ trong buôn chỉ còn một hai bà già biết dệt thôi”.

Con bé Oanh mà già làng Ama Lệ nhắc đến một cách trìu mến đó là Nguyễn Thị Kim Oanh, 18 tuổi, con gái duy nhất trong gia đình nghèo có 8 người con ở thôn Trung Sơn (xã Hoà Hiệp). 4 năm trước mẹ Oanh bị tai nạn chấn thương sọ não, Oanh phải nghỉ học cáng đáng việc nhà, tập tành buôn bán.

Qua những chuyến trao đổi hàng hóa với đồng bào các buôn lân cận, Oanh học lỏm được cách dệt vải. Cô gái tuổi trăng tròn tự thiết kế cho mình chiếc khung cửi rồi mày mò thâu đêm với những cuộn len nhiều màu sắc mua bằng tiền tiết kiệm suốt nửa năm ròng. Chẳng lâu sau, Oanh được nhiều người công nhận là thợ dệt thổ cẩm giỏi nhất vùng.

Trong khi những phụ nữ khác dệt 3 ngày mới xong một tấm thổ cẩm thì Oanh chỉ cần 1 ngày. Thấy con gái có khiếu, ba Oanh vay mượn mua cho cô chiếc máy khâu. Oanh liền biến một góc phòng khách thành cửa hiệu thời trang nho nhỏ. Những chiếc áo gilê, túi xách, dây nịt trẻ trung nhiều màu sắc do Oanh thiết kế từ vải thổ cẩm được học sinh sinh viên rất ưa chuộng.

Nhận ra thị trường thời trang dùng chất liệu thổ cẩm rất có tiềm năng, Oanh vào các buôn lân cận để vận động thanh niên Ê Đê học lại nghề dệt truyền thống đang bị mai một dần. Ban đầu, phần khó và tốn nhiều thời gian nhất để làm nên một tấm vải là lên khuôn chỉ đã được Oanh làm sẵn, các chị trong buôn chỉ cần kéo chỉ cho đều sẽ được Oanh trả công từ hai mươi ngàn đến bốn mươi ngàn đồng mỗi ngày.

Để công việc thuận lợi hơn, Oanh nhờ già làng Ama Lệ và chị Amí Nương ở buôn K’Tung dạy nói và viết chữ Ê Đê. Ama Lệ và Amí Nương rất hãnh diện và vui mừng vì cô học trò chăm chỉ sáng dạ không bao lâu đã nói và viết được loại ngôn ngữ ít thông dụng này.

Ama Lệ khen : “Ban đầu nghe bé Oanh nói muốn học tiếng và cả chữ viết của người Ê Đê, già không tin đâu. Bọn thanh niên trong buôn cũng thích học chữ Tây chứ đâu chịu học chữ Ê Đê, cả buôn này chỉ còn mấy người lớn tuổi như già biết viết chữ Ê Đê thôi. Vậy mà bé Oanh học một lèo thuộc hết cái chữ của già”.

Nhờ nói thông viết thạo tiếng của đồng bào, Oanh dễ dàng vận động các bạn trẻ cùng lứa học dệt vải và đặt hàng cho họ dệt những tấm thổ cẩm theo ý tưởng riêng của mình. Cũng nhờ vượt qua được rào cản ngôn ngữ, nghe được những câu chuyện của các cụ già lớn tuổi trong buôn, Oanh khám phá ra nhiều loại hoa văn độc đáo đã bị mai một của thổ cẩm Ê Đê.

Bằng đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, Oanh đã làm lại được những hoa văn này y như lời miêu tả khiến các già cũng phải ngạc nhiên. Kết hợp hài hòa giữa họa tiết cổ xưa và màu sắc trẻ trung mới mẻ, những mẫu thổ cẩm của Oanh rất hút hàng đối với các nhà buôn thổ cẩm, dệt đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Oanh đang ấp ủ ước mơ thành lập một hợp tác xã nghề truyền thống để tạo dựng một thương hiệu thổ cẩm mà danh tiếng và thị trường tiêu thụ không chỉ dừng lại trong địa giới tỉnh nhà. Đây là việc không dễ đối với một thiếu nữ ở vùng nông thôn nghèo năm nào cũng bị ngập lụt như Trung Sơn.

Nhưng rất tin tưởng, anh Bí thư Đoàn xã nhiều năm sinh hoạt cùng Chi hội Thanh niên do Oanh làm chi hội phó nói chắc như đinh đóng cột : “Tôi biết cô ấy nói là làm được, một vài năm nữa mời anh quay lại, Trung Sơn sẽ có bà chủ tịch HTX làm ăn thành đạt ở tuổi hai mươi cho mà xem. 

MỚI - NÓNG