Thầy thuốc trẻ bàn chuyện của mình

Thầy thuốc trẻ bàn chuyện của mình
TPO - Sôi nổi và đầy tâm huyết, đó là những gì chúng tôi cảm nhận được sau buổi thảo luận tại 3 trung tâm trong khuôn khổ Hội nghị gặp mặt, tuyên dương thầy thuốc trẻ VN tiêu biểu 2008 chiều 25/2.

Tại Trung tâm thảo luận “Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, nhiều vấn đề đã được các đại biểu đặt ra và thảo luận sôi nổi.

Thầy thuốc trẻ bàn chuyện của mình ảnh 1
Bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn

Bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn - Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) - cho rằng: “Nhiều người đang nghĩ hoạt động cộng đồng ở mức xa quá. Tôi thì nghĩ hoạt động cộng đồng không có nghĩa là cứ phải đi đến những nơi xa xôi, đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân ở ngay các thành phố lớn không phải ai cũng có đầy đủ kiến thức và điều kiện về y học, vậy thì tại sao chúng ta không hướng dẫn ngay cho người dân ở khu vực mình làm việc".

Bác sĩ Sơn cũng đề nghị nên có một trang web của những thầy thuốc trẻ. Ở đó những người có điều kiện lên mạng có thể được tư vấn về y học, về cách dùng thuốc, thậm chí, người dân có thể được khám bệnh qua mạng.

Thầy thuốc trẻ bàn chuyện của mình ảnh 2
Trung tâm thảo luận số 2: Thầy thuốc trẻ với nghiên cứu khoa học

Thầy thuốc trẻ nghiên cứu khoa học như thế nào?

Tại trung tâm thảo luận “Thầy thuốc trẻ với nghiên cứu khoa học”, các đại biểu tham gia thảo luận rất sôi nổi.

Thầy thuốc trẻ bàn chuyện của mình ảnh 3
Bác sĩ Lê Hồng Trung

Đại biểu Lê Hồng Trung - Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc đánh giá cao những sáng kiến nhỏ nhưng áp dụng một cách thiết thực trong những hoạt động cụ thể của các thầy thuốc trẻ.

Bác sĩ Trung nói: “Tôi nghĩ hoạt động nghiên cứu khoa học phải bắt đầu từ những sáng tạo nhỏ nhất trong từng hoạt động khám chữa bệnh của chúng ta hằng ngày. Đừng nghĩ làm khoa học là phải nghĩ làm cái gì đó lớn lao, kỳ vĩ.

Có những công trình nghiên cứu rất lớn nhưng mức độ áp dụng lại thấp. Tuy nhiên, có những bài báo khoa học ngắn thôi nhưng mức độ áp dụng của nó trong công việc của chúng ta rất cao”.

Bác sĩ trẻ Quách Trần Anh Tuấn - Bệnh viện đa khoa Cà Mau - thì đề cao tính trung thực trong nghiên cứu khoa học của thầy thuốc trẻ. Anh khẳng định: “Một công trình khoa học của thầy thuốc trẻ thiếu tính trung thực mà được đưa áp dụng vào công việc khám chữa bệnh có thể làm hại hàng nghìn bệnh nhân”.

Thầy thuốc trẻ bàn chuyện của mình ảnh 4
Trung tâm thảo luận số 3: Xây dựng tổ chức Hội, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ các cấp tiến tới thành lập Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam

Như thế nào là thầy thuốc?

Tại Trung tâm thảo luận “Xây dựng tổ chức Hội, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ các cấp tiến tới thành lập Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam”, một vấn đề được các đại biểu quan tâm là thế nào được coi là một thầy thuốc.

Đại biểu Đỗ Ngọc Păng - Văn phòng Sở Y tế Lào Cai - nêu ý kiến: Cần  định nghĩa thầy thuốc là thế nào, vì một nhân viên của trạm y tế cấp xã hàng ngày làm công tác hộ sinh cũng được người dân gọi là thầy thuốc. Cho nên trước khi thành lập Hội Thầy thuốc trẻ cần phải xác định đúng thế nào là thầy thuốc để kết nạp hội viên.

Đại biểu tỉnh Nông Thị Bích Ngọc (tỉnh Hà Giang) cho rằng tuổi của thầy thuốc phải trên 20 vì lúc đó mới có đủ bằng cấp, chứng chỉ để hành nghề. 

Một sinh viên của Đại học Y Hà Nội cho rằng đã là thầy thuốc thì trước hết phải quan tâm đến khả năng y học của người đó. Có thể có người chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng cấp nhưng khả năng y học của họ có thể chữa bệnh được thì cũng nên công nhận là thầy thuốc và để họ tham gia vào hội thầy thuốc.

Anh Lê Minh Hải - Bí Thư đoàn Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trì trung tâm thảo luận số 3 - cho rằng: “Những người không đủ điều kiện mà có khả năng thì không phải là hội viên nhưng vẫn có thể tham gia tích cực vào hoạt động của Hội".

MỚI - NÓNG