Thế hệ 30/4, trách nhiệm và tự hào

Các thành viên CLB những người sinh ngày 30/4 trên đường phố TPHCM trong những ngày tháng Tư lịch sử 2017. Ảnh: Cổ Liêm.
Các thành viên CLB những người sinh ngày 30/4 trên đường phố TPHCM trong những ngày tháng Tư lịch sử 2017. Ảnh: Cổ Liêm.
TP - 11h30’ ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Ðộc Lập, đất nước hoàn toàn thống nhất. Niềm vui chiến thắng trào dâng khắp mọi miền đất nước. 30/4 còn trở thành ngày rất thiêng liêng, đầy tự hào và trách nhiệm của những người may mắn sinh ra đúng ngày kỷ niệm non sông thu về một mối, cả dân tộc bước sang một trang sử mới của hòa bình, dân chủ, độc lập và tự do.

42 năm Giải Phóng, Thống Nhất, Vinh Quang, Hòa Bình…

Phòng lưu trữ hồ sơ của Bệnh viện Từ Dũ hiện vẫn còn lưu giữ cuốn nhật trình công việc từ năm 1975, trong đó có cả hồ sơ của những người ra đời vào đúng ngày 30/4 lịch sử. 42 năm sau ngày đất nước thống nhất, những chàng trai cô gái ấy đã trưởng thành cùng đất nước. Và, họ gặp nhau, tìm thấy tiếng nói chung và cùng nắm tay lập nên CLB Những người sinh ngày 30/4 với 20 thành viên.

Ngày sinh của những người sinh cùng ngày, cùng tháng cùng năm ấy đong đầy tình cảm. Cái ôm siết chặt, ánh mắt vui mừng khi từng thành viên có mặt. Trưởng nhóm Lê Thành Nam Giải Phóng bộc bạch: “Mỗi người có một công việc, một  lĩnh vực khác nhau nên chỉ có dịp này là tụ tập đông đủ nhất. Dẫu vậy, trái tim chúng tôi luôn hướng về nhau. Chúc phúc cho bạn mình thành đạt, và có mặt ngay khi biết bạn gặp khó khăn. Ðất nước bao nhiêu mùa xuân hòa bình, chúng tôi bấy nhiêu tuổi”.

Lần giở cuốn sổ lưu bút, anh Giải Phóng khoe, CLB chúng tôi có những cái tên rất ấn tượng như Lê Vinh Quang, Trần Các Hùng Dũng, Nguyễn Xuân Ðại Thắng, Nguyễn Hòa Bình... Như anh Lê Ðại Thắng ra đời đúng ngày Sài Gòn giải phóng, cha mẹ đặt ngay tên cho con trai là Lê Ðại Thắng như một kỷ niệm, một “bằng chứng” của lịch sử. Hay chị Huỳnh Thống Nhất cho biết, cha mẹ đặt tên này sau ngày miền Nam giải phóng với mong muốn đất nước sum vầy hai miền Nam - Bắc…

Kể về lý do ra đời tên khó quên của mình, anh Giải Phóng vui vẻ: “Hồi tôi còn nhỏ đã nghe mẹ kể, mẹ sinh tôi lúc 11h20 ngày 30/4/1975, khi cả miền Bắc đang hướng về phía những chiếc loa truyền thanh để nghe tin thắng trận. Cái tên ban đầu được ông nội dự định đặt cho cháu trai là Lê Thành Nam, nhưng vì tôi được chào đời đúng lúc quân giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh Ðộc Lập, nên cha đã quyết định thêm chữ “Giải Phóng” vào sau tên Lê Thành Nam để ghi nhớ ngày sinh của mình cũng là ngày đất nước thống nhất”. Anh Giải Phóng từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ, Ủy viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Ðội nhóm Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM… Việc là thủ lĩnh của nhiều phong trào Ðoàn, Hội đã giúp anh có những tháng ngày khó quên, là hành trang quý giá để anh rèn bản lĩnh trên bước đường đời.

Tự hào và trách nhiệm 

Ths. Nguyễn Văn Long Giang là con trai lớn trong gia đình thuần nông ở tỉnh Ðồng Tháp, từ năm 6 tuổi, anh đã xa gia đình nuôi ước mơ làm thầy giáo. Nhờ chăm chỉ, học giỏi, sau khi tốt nghiệp trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (năm 1998), anh được giữ lại trường làm giảng viên tại khoa Cơ khí Ðộng lực. Năm 2005, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Ðảng, sau đó giữ chức Phó Bí thư Chi bộ. Hiện anh Long Giang là Phó trưởng khoa đào tạo chất lượng cao của trường. Nhắc đến ngày sinh, xúc động vì đến năm 20 tuổi (năm 1995), khi Thành Ðoàn TPHCM mời tham dự sinh nhật tập thể cho những người cùng sinh ngày 30/4, anh mới cảm nhận hết niềm tự hào và thầm cảm ơn ba mẹ vì đã sinh ra mình trong một ngày lịch sử vẻ vang của dân tộc. “Cứ sắp đến dịp lễ 30/4, mọi ngả đường ở TPHCM lại rực rỡ cờ hoa. Mình hãnh diện vì đã cùng đất nước đi qua những ngày gian khó, chứng kiến từng bước chuyển mình, đổi mới của thành phố nên càng thêm quyết tâm góp sức xây dựng quê hương” - anh bộc bạch.

“Nhiều người nhìn thấy ngày sinh của mình trên chứng minh thư, tất cả đều bất ngờ: Có thật bạn sinh ngày 30/4/1975 không?”, chị Võ Thị Kiều Diễm kể. Chị tâm sự, từ những năm cấp 1, cấp 2… cứ đến ngày này là mình đều được nhà trường, khu phố dẫn lên sân khấu nhận quà. “Thời đó nghèo lắm, có đứa trẻ nào được tổ chức sinh nhật đâu. Vậy mà năm nào sinh nhật mình đều được tặng quà. Dù thích lắm nhưng vẫn tò mò, về nhà níu áo cha mẹ hỏi rõ mới thôi. Mình tâm nguyện phải cố gắng sống xứng đáng là người có ích cho xã hội” - chị trải lòng. Chị Kiều Diễm từng có nhiều năm trong nghề làm báo rồi rẽ sang công việc truyền thông cho những công ty, tập đoàn xây dựng lớn.

Ít ai ngờ chị Huỳnh Hồng Diệu có làn da trắng trẻo, nụ cười tươi rói, giọng nói nhẹ nhàng lại là một nữ sĩ quan công an, hiện công tác tại Ðội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Q.11. Người dân đến làm hồ sơ, giấy tờ đều được chị Diệu hướng dẫn tận tình, chu đáo. Ðiều đặc biệt, chị đã chào đời cùng người em gái song sinh trong ngày vui trọng đại của đất nước. Chị kể, mình có tới 12 anh chị em. Gia đình vốn có truyền thống cách mạng, nên từ nhỏ đã nuôi ước mơ theo bước chân cha anh, đóng góp công sức mình thành người có ích cho xã hội. Người nữ chiến sỹ cảnh sát nhân dân chân tình: “Không phải ai cũng may mắn được chào đời đúng ngày trọng đại ấy - thời khắc thiêng liêng của cả dân tộc, mong đợi sau những tháng năm phải sống trong “mưa bom,  bão đạn”. Thực sự, tôi rất tự hào về điều đó. Ðây cũng chính là động lực to lớn để tôi vượt lên mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ”.

Thế hệ 30/4, trách nhiệm và tự hào ảnh 1 Những món quà của báo Tiền Phong được CLB những người sinh ngày 30/4 gửi đến gia đình khó khăn. Ảnh: Ngô Tùng.

Nhân ái và sẻ chia

Ðến Hội LHPN P.10, Q.6, ngồi đợi khá lâu tôi mới được gặp chị Nguyễn Thị Thu Hiền - chủ tịch Hội. Chị cười hiền lành: “Nhóm 30/4 của mình đã tổ chức quyên góp được 20 phần quà tặng các gia đình có hoàn cảnh cảnh khó khăn trên địa phương nhân dịp này. Mình đã chuẩn bị xong, chỉ còn chờ đến ngày là đi thôi”. Những hoạt động xã hội này vẫn thường xuyên được nhóm Những người sinh ngày 30/4 duy trì từ nhiều năm nay. Chỉ cần một thành viên nêu trường hợp cần hỗ trợ, chẳng ai bảo ai, tất cả đều “xắn tay áo” hỗ trợ, giúp đỡ.

Là “đầu tàu” trong công tác hỗ trợ người nghèo, chị Hiền không quản nắng mưa, miễn làm sao đến với những gia đình khó khăn một cách nhanh nhất, kịp thời nhất. Sinh ra trong gia đình nông dân và có bà ngoại hoạt động cách mạng, tốt nghiệp trường ÐH Mở TPHCM chuyên ngành Ðông Nam Á, thế nhưng chị Hiền lại bén duyên với các hoạt động công tác xã hội và gắn bó với công việc này hơn chục năm nay.

Cuộc sống dẫu nhiều thăng trầm, Lê Thành Nam Giải Phóng vẫn chung tay cùng bạn bè thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu, đó là liên kết và đưa môi trường giáo dục hiện đại từ các nước phát triển vào Việt Nam. Anh tâm sự: “Học không bao giờ là quá muộn, miễn là việc học đó thật sự có ích, có giá trị. Không được sinh ra tại thành phố mang tên Bác nhưng lớn lên tại mảnh đất này. Ðã 42 năm qua, tôi tự nhận thấy, thành phố đã cho tôi rất nhiều. Tôi vẫn luôn tự nhủ rằng, mình cần phải sống sao cho đúng, có thể không giàu, nhưng thanh thản”.

Cũng là người có ngày sinh 30/4 và gặt hái được nhiều thành công, nhạc sĩ - ca sĩ trẻ Trịnh Thăng Bình (1988) bộc bạch: “Từ nhỏ, mình đã luôn mong chờ đến ngày sinh của mình vì được "cả nước mừng sinh nhật", được nghỉ dài ngày, cùng người thân, bạn bè ngắm pháo hoa”. Là thế hệ trẻ sinh sau ngày đất nước thống nhất, Trịnh Thăng Bình cho rằng các bạn trẻ ngày càng giỏi, họ tự tin, năng động, đưa thành tựu thế giới về xây dựng quê hương. “Từng ngày, mình luôn tự hoàn thiện bản thân bằng cách không ngừng học hỏi, đúc rút cho mình thêm nhiều kinh nghiệm. Ðồng thời cho ra đời những tác phẩm hay, ý nghĩa”- chàng trai trẻ ấp ủ.

Ngày 15/4, báo Tiền Phong đã hỗ trợ những phần quà góp cùng với CLB những người sinh ngày 30/4/1975, tặng các hộ cựu chiến binh nghèo, gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam… tại P.10, Q.6. Anh Lê Thành Nam Giải Phóng xúc động: “Hằng năm, Hội luôn tổ chức tặng quà cho bệnh nhi nghèo; các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tặng học bổng để các em tiếp tục đến trường… Mỗi phần quà tuy nhỏ thôi nhưng đó là tấm lòng yêu thương đồng bào,

sự sẻ chia “lá lành đùm lá rách”. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người cùng chung tay, để hành động này sẽ ngày càng lan tỏa”. Tham vọng của nhóm là sẽ có thêm nhiều người cùng ngày sinh 30/4 các thế hệ tham gia Hội. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.