Thế hệ trẻ tìm cách 'hack cô Vy'

Một số sinh viên du học nghĩ đến việc về nước hoặc làm trái chuyên ngành để vượt qua khủng hoảng kinh tế thời COVID-19
Một số sinh viên du học nghĩ đến việc về nước hoặc làm trái chuyên ngành để vượt qua khủng hoảng kinh tế thời COVID-19
TP - “Thay vì khẩu trang, kiến thức sẽ bảo vệ chúng mình” là slogan được đẩy thành trend thời gian gần đây trong giới trẻ. Họ giúp nhau tìm hiểu về những cách bảo vệ môi trường để “chặn cô Vy từ gốc”. Họ cũng lan tỏa nhiều phong trào giúp “thế hệ Z” đang gặp khó khăn vì chuyện học tập và xin việc tìm được cách “thoát hiểm”.

Thế hệ Z (chỉ những người sinh sau năm 1996, lớn lên trong thời đại “mạng xã hội”) là đối tượng tiêu thụ lớn nhất của đồ dùng một lần. Phần lớn cuộc sống của họ đều diễn ra trên mạng, gắn liền với smartphone. Cho nên, chỉ cần làm tốt việc chia sẻ thông tin, thế hệ này sẽ nắm bắt và tạo trend rất nhanh.

“Hack cô Vy”

Cô Vy đang ở tất cả mọi nơi. Trường học toàn quốc đóng cửa. Hàng quán thi nhau phá sản. Hàng ngàn người mất việc hoặc bị cắt giảm lương. Cuộc sống của hầu hết chúng ta bỗng chốc thu hẹp lại trong bốn bức tường nhà. Không chỉ sức khỏe, mà cả khía cạnh kinh tế và xã hội trên toàn thế giới đều lâm vào tình trạng khủng hoảng”. Lời kêu gọi của những người đề xướng ý tưởng “Hack cô Vy” chỉ sau vài ngày phát ra đã thu hút hàng ngàn comment ủng hộ.

Hiện trên toàn thế giới, phong trào ứng phó COVID-19 trong giới công nghệ đang được triển khai và lan tỏa mạnh mẽ. Cuộc thi Hack The Crisis tại Phần Lan thu hút hơn 2.000 người tham gia, Hack Force tại Latvia nhận được 850 đăng ký và ấn tượng nhất là Đức với cuộc thi WirvsVirus với 42.968 thành viên và hơn 800 bài dự thi. "Hack Cô Vy" là phiên bản Việt Nam, nơi những người yêu công nghệ và khởi nghiệp chung tay tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nhức nhối và cấp bách do bệnh dịch gây ra.

Theo đó, khi chấp nhận thử thách Hack Cô Vy, những người tham gia sẽ phát triển một sản phẩm công nghệ để giải quyết một trong sáu lĩnh vực: Giáo dục, Sức khỏe, Môi trường, Quản lý công, Bất bình đẳng và Kinh tế trong vòng 48 giờ. Đây là các chủ đề dựa trên 15 mục tiêu bền vững của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP.

Khác với những chương trình cộng đồng khác, “Hack cô Vy” có gói giải thưởng khá hấp dẫn như: 2.000USD quỹ phát triển dự án và một chuyến du lịch nghỉ dưỡng tại Furama resort 3 ngày 2 đêm ở Đà Nẵng cho tất cả thành viên; top 3 được tham gia vào chương trình ươm tạo HACKcelerator của AngelHack trị giá 25.000USD...

Tiến sĩ kinh tế học Phạm Hoàng Anh (Viện nghiên cứu kinh tế ứng dụng) đánh giá: “Hack cô Vy” là một “trò hay” đối với giới trẻ. Thứ nhất, nó “tạo công ăn việc làm” cho quãng thời gian cách ly xã hội. Thứ nữa, nó huy động được chất xám của giới công nghệ. Đừng bao giờ nghi ngờ điều này. Hãy nhìn vào sự lan tỏa của máy ATM gạo, đó là sản phẩm của một kỹ sư công nghệ”.

Đội hỗ trợ những người hoang mang

COVID-19 được cho là ảnh hưởng nặng nề nhất đến hai nhóm thanh niên của thế hệ Z: một nhóm sắp sửa bước vào kỳ thi đại học, nhóm thứ hai vừa tốt nghiệp đại học, chuẩn bị đi làm.

Chị Phạm Hà Linh (hiện làm việc tại công ty tuyển dụng Pôle Emploi, Pháp) cho biết: “Thời gian qua tôi đã phải dành rất nhiều thời gian để “vực tinh thần” cho mấy đàn em sắp tốt nghiệp. Không ai trong số họ là người khá giả, gia đình đều phải rất cố gắng để các em có thể du học trọn vẹn trong 3 năm. Ra trường, chờ đợi họ là một khoản vay ngân hàng không nhỏ và kỳ vọng từ người thân. Mà với tình trạng hiện nay, có tới gần 70% các công ty tuyển dụng ở Pháp hiện tạm dừng tuyển dụng. Nói tương lai đột nhiên sập cửa trước mặt cũng không phải là nói quá”.

Trịnh Văn Lâm Đại học Ohio (Mỹ) kể: “Tôi đã lên sẵn kế hoạch và dự định tài chính cho học kỳ cuối. Phần công việc sau khi tốt nghiệp cũng được thầy hướng dẫn giúp liên hệ trước rồi. Nhưng mà cô Vy xuất hiện đột ngột, mọi dự tính đều bất khả thi. Tôi giờ đi khỏi Mỹ không được, ở cũng không xong, tiền dành học đã chi tiêu mất gần nửa. Rất hoang mang”!

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa (giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội) cũng bày tỏ sự lo lắng khi tình trạng phỏng vấn du học của nhiều trường tại Anh, Mỹ hiện vẫn đóng băng. “Các em rất hoang mang, vì không biết khi nào dịch mới tạm ổn và hành trình du học mới được khơi thông. Nhiều em băn khoăn có nên tạm dừng du học trong một năm. Nhưng bỏ lỡ một năm là bỏ lỡ rất nhiều, ngoài tiền bạc, còn vấn đề thời gian”. Cũng theo cô Hoa, nhiều học sinh bị áp lực đã có dấu hiệu trầm cảm.

Nhận thấy có rất nhiều học sinh, sinh viên cần “trấn an tinh thần”, nhiều du học sinh, youtuber nổi tiếng đã lập nhóm “tư vấn miễn phí” để giúp các đối tượng này trò chuyện và “cùng nghĩ cách”. Du học sinh Nguyễn Quỳnh Trang, youtuber có khoảng 900.000 người theo dõi cho biết: “chỉ loanh quanh việc làm sao tối ưu hóa mọi chi tiêu khi ở nước ngoài và xin hỗ trợ từ chính phủ mà tôi nhận được khoảng 2.000 đề nghị mỗi ngày. Những câu hỏi thường gặp nhất cũng đều liên quan đến việc: tìm việc làm thêm, nên chuyển đến thành phố nào thì dễ kiếm việc, hoặc khác chuyên ngành thì có thể làm việc gì để kiếm tiền”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa cũng chia sẻ, ngoài thời gian dạy học online, thời gian này, việc cô phải nói nhiều nhất qua mạng chính là “động viên những học sinh đang chờ visa và phỏng vấn du học”.

Chị Phạm Hà Linh đánh giá, thị trường việc làm ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung sau đại dịch sẽ còn khó khăn lâu dài. Nếu như trước đây một sinh viên Việt Nam có khoảng 30% khả năng tìm việc tại Pháp, thì sau dịch, con số này chỉ còn khoảng dưới 10%. Nếu muốn tồn tại, hoặc là các bạn phải tìm việc trái ngành nghề, hoặc là phải chọn những thành phố vệ tinh, nhưng ngay cả như thế thì cơ hội cũng tương đối khó khăn.

Để giải quyết khó khăn tài chính trước mắt, các du học sinh mách nhau cách đến những vùng nông thôn giúp dân thu hoạch hoặc xin làm việc ngắn ngày tại các trang trại. “Số lượng công việc này hiện nay khá lớn và không lo không xin được việc. Nếu trụ được qua thời gian này, hai mươi năm sau ta lại là một trang hảo hán”, Phạm Việt Hà (du học sinh tại Lyon, Pháp) lạc quan chia sẻ.

Thế hệ trẻ tìm cách 'hack cô Vy' ảnh 1

Làm thêm ở nông trại là một cách để ứng phó với đại dịch

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.