Thêm một điều chưa biết về Đặng Thuỳ Trâm

Thêm một điều chưa biết về Đặng Thuỳ Trâm
Tôi may mắn được đọc bản gốc lá thư của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm viết cho một người bạn chiến đấu của chị là hoạ sĩ Phạm Mùi (hiện đang sống tại Đà Lạt, Lâm Đồng). Thêm một điều chưa biết về Đặng Thuỳ Trâm được gợi mở.
Thêm một điều chưa biết về Đặng Thuỳ Trâm ảnh 1

HS Phạm Mùi với kỷ vật về bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.

Bức thư chưa từng công bố này có đoạn: "... Ngày mai nếu được trở về, được gặp lại nhau, Thuỳ sẽ mời người bạn thân thương (họa sĩ Phạm Mùi - PV) đến căn phòng nhỏ của Thuỳ trên đất thủ đô (...). Còn nếu như không còn ngày đó nữa thì ai còn sống, người đó sẽ không được quên người đã mất...".

Từ việc tiếp cận với chủ nhân lá thư - hoạ sĩ Phạm Mùi -  chúng ta thêm ít nhất một điều chưa biết về liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm.

Bức thư của chị Trâm gửi họa sĩ (HS) Phạm Mùi còn có đoạn: "Thuỳ sẽ lại mở cho Mùi nghe bản nhạc ngày xưa: "Lòng mừng mùa xuân đến nơi rồi. Ngàn cây thêm tươi thắm sáng ngời...". Và Mùi cho Thuỳ xem những tác phẩm đẻ ra từ trong cuộc chiến đấu sinh tử hôm nay...".

Cùng với lá thư, kỷ vật về người nữ liệt sĩ đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây mà anh Mùi còn giữ được đến tận giờ này là bức ký họa của anh về bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đang bón cháo cho một thương binh ở trạm xá Đức Phổ (Quảng Ngãi) - nơi chị đã sống, chiến đấu và hy sinh.

Rồi nữa, mới đây, anh vừa viết xong vở kịch Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Như vậy, bức thư cùng với bức ký hoạ và cả vở kịch ấy cũng đủ để nói lên mối quan hệ quen biết khá thân thiết giữa hai người.

Họ là bạn của nhau

Căn phòng nhỏ của HS Phạm Mùi nằm ở lưng chừng dốc trên một con phố trung tâm Đà Lạt ngổn ngang những tranh vẽ. Anh đang chuẩn bị tác phẩm để mở một triển lãm cá nhân vào tháng 12 tới nhân Festival hoa Đà Lạt.

Bỏ dở việc đang làm, HS Phạm Mùi bước vào phòng trong, thoắt cái anh trở ra và kỷ vật đầu tiên mà anh cho tôi xem là bức thư của chị Trâm. "Bức thư này đã theo tôi suốt 35 năm nay".

Với giọng ngùi ngùi, người HS này kể: "Đây là bức thư cuối cùng Thuỳ viết cho tôi, như là lá thư định mệnh. Thuỳ viết vào ngày 6/5/1970, đúng ngày tôi được chuyển sinh hoạt Đảng chính thức và đúng 46 ngày trước khi Thuỳ hy sinh. Và tôi giữ nó đến tận giờ này".

Tôi nhìn kỷ vật: Lá thư được viết trên 3 mặt giấy khổ nhỏ; nét chữ đều, khá đẹp; màu mực xanh, có đôi chỗ hơi nhoè nhưng vẫn còn khá rõ nét. Bức thư được chủ nhân bọc nylon khá kỹ.

Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, người ta đã viết khá nhiều về bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, đặc biệt là cuốn nhật ký của chị đã được rất nhiều người Việt Nam và cả thế giới đều đọc.

Vậy nên tôi nghĩ, mặc dầu đây là bức thư mang tính cá nhân chưa được công bố, nhưng những gì mà chị Trâm đã suy nghĩ và viết cho người bạn của mình vẫn giúp chúng ta thêm hiểu chị, đặc biệt là tấm lòng của chị đối với quê hương và người thân, bè bạn.

Chị viết cho Phạm Mùi như thế này: "Ơi người bạn thân thương, chiều nay rừng cây im lặng, một mình Thuỳ lặng ngắm cảnh núi rừng chìm dần trong sương chiều. Đài Phát thanh Hà Nội đang trình bày một bài vọng cổ. Tất cả gợi cho Thuỳ một nỗi nhớ nhà, nhớ bè bạn, nhớ những người thân yêu trên cả hai miền...". Chao ơi, thật là...

Và đây là đoạn cuối của bức thư: "Và Mùi, Mùi đang làm gì? Gửi qua không gian đến người bạn thân thương của Thuỳ tất cả tâm tình của người bạn gái ngày xưa. Chúc Mùi bình an, vui mạnh. Chăm viết thư Mùi nhé. Nhớ thương".

Bất ngờ tôi hỏi anh Mùi: "Hoá ra hai người quen nhau từ hồi còn ở Hà Nội à?". Người HS này trả lời: "Không phải. Tôi, Thuỳ và hơn bảy mươi con người nữa cùng đi B một chuyến. Từ Hà Nội, chúng tôi xuất phát đúng vào dịp Noel năm 1966, bốn tháng sau thì vào đến Quảng Ngãi.

Người yêu của Thuỳ, anh M (bút danh, đúng như trong nhật ký Đặng Thuỳ Trâm), lúc ấy đã vào chiến trường này từ trước, là sĩ quan quân đội và có sáng tác văn nghệ. Nhờ đó, qua Thuỳ, tôi làm quen và khá thân với anh M".

...Phạm Mùi quê ở Quảng Ngãi, theo bố mẹ tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, HS Phạm Mùi được đưa về Nam (chiến trường Quảng Ngãi), làm công tác tuyên huấn.

Như thế có nghĩa là trong 4 tháng trên đường từ Bắc vào Nam, chị Trâm và anh Mùi quen biết nhau. Sau đó, họ cùng công tác trên một mặt trận tỉnh Quảng Ngãi, vậy nên "bộ ba" Thuỳ - M và Phạm Mùi nhanh chóng trở thành bạn thân của nhau.

"Thuỳ là bác sĩ nhưng rất yêu văn nghệ, là một giọng ca "có hạng" đấy! Do vậy, chúng mình dễ làm thân với nhau. Còn M, người yêu của Thuỳ, là một người làm thơ và viết nhạc thì ... khỏi nói rồi" - HS Phạm Mùi hồn nhiên bảo thế.

Một nỗi niềm

Thêm một điều chưa biết về Đặng Thuỳ Trâm ảnh 2

Bút tích của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm (lá thư cuối cùng gửi HS Phạm Mùi).

Cùng với bức thư kỷ vật của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, HS Phạm Mùi còn cho tôi xem một bức ký hoạ - bức ký hoạ duy nhất của anh vẽ Đặng Thuỳ Trâm còn giữ được đến tận giờ.

Tác phẩm ắp đầy kỷ niệm ấy được vẽ vào năm 1969, Phạm Mùi ký tên là Đức Nhuận (bút danh của anh ngày trước và là tên của một trong những nhân vật của vở kịch nói Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm anh vừa viết xong).

Tác phẩm được HS Phạm Mùi vẽ bằng màu nước, trên giấy nhám vàng. Cả màu giấy và màu mực đều đã phai nhạt đi  nhiều, nhưng bức ký hoạ vẫn được người hoạ sĩ này cất giữ cẩn thận trong một album bọc nylon cùng với vài chục bức ký hoạ khác của anh ở chiến truờng

Giọng người HS trở nên xa vắng và anh chuyển cách xưng hô với tôi: "Mình vẽ Thuỳ khá nhiều. Đây chỉ là một thôi, ông ạ! Bức vẽ này mình thực hiện trong một chuyến công tác từ tỉnh về Đức Phổ.

Hôm ấy, ghé vào trạm xá nơi Thuỳ công tác, mình rất xúc động khi nhìn thấy cảnh Thuỳ đang bón cháo cho một đồng chí thương binh. Thế là mình lấy ngay đồ nghề ra... Xong, mình đề ngay tên của tác phẩm là Thuỳ và thương binh.

Về sau, năm 1989, trên cơ sở bức ký hoạ này, mình làm bức sơn dầu Chăm sóc thương binh với dòng chữ ghi ngay dưới chữ ký: "Để nhớ mãi Thuỳ". Bức sơn dầu ấy đã được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM năm 1989".

Nhấp ngụm trà, HS Phạm Mùi tiếp tục câu chuyện với tôi: "Với Thuỳ và trạm xá của Thuỳ, mình vẽ khá nhiều. Phần thì tặng Thuỳ để làm kỷ niệm, phần thì mình giữ. Tranh vẽ Thuỳ thường được mình cuộn tròn bỏ vào ba lô. Nhưng rất tiếc là trong một trận đánh nhau với địch, mình không giữ được chiếc ba lô ấy.

Còn với Thuỳ, sau khi hy sinh, những bức tranh của mình tặng không rõ thất lạc nơi đâu. Thời gian gần đây, mình có theo dõi trên các báo đài những thông tin về Thuỳ nhưng chưa thấy những bức tranh mình vẽ Thuỳ được công bố kèm theo".

Thêm một điều chưa biết về Đặng Thuỳ Trâm ảnh 3

"Thuỳ và thương binh"- ký hoạ màu nước của HS Phạm Mùi.

"Và thế là, "nỗi niềm" vẫn đau đáu nỗi niềm, nhỉ?" - Tôi ý nhị. Anh bảo: "Với Thuỳ, một người bạn gái rất thân thiết, mình luôn cảm thấy mắc nợ, cho đến tận giờ này. Thì đấy, trong thư Thuỳ viết cho mình, bạn ấy đã mơ đến một ngày hoà bình, được trở về Hà Nội, được mở nhạc cho mình nghe...".

Nghe anh Mùi nói, tôi chợt hiểu ra rằng, đây cũng chính là chi tiết đắt để anh viết nên vở kịch Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Vở kịch được tác giả gần như rút ruột ra mà viết, các tình tiết trong kịch hầu như là sự thật ngoài đời.

Xin mở ngoặc nói thêm rằng, HS Phạm Mùi là tác giả của khá nhiều kịch bản phim. "Ở kịch bản này, mình không đi theo lối mòn cài đặt tình tiết, đẩy thành mâu thuẫn, nâng lên cao trào rồi mở nút thắt. - HS Phạm Mùi nói - Ở đây, mình đặt nặng tính tự sự, trữ tình nhưng rất chính luận".

Quả thật là tôi rất thích cái kết nói về cái chết của Đặng Thuỳ Trâm: Trên đường đi tìm địa điểm mới để di dời trạm xá, trong một buổi chiều với bầu trời trong xanh thăm thẳm của vùng quê Quảng Ngãi, người nữ bác sĩ ấy đã nhìn thấy và mỉm cười hạnh phúc với một đàn bồ câu trắng bay ngang qua. Nhưng thật bất ngờ: Tiếng súng nổ, người nữ bác sĩ ngã xuống, máu hoà vào đất quê hương.

Rời mắt khỏi bản thảo vở kịch nói (đang được hai tỉnh Quảng Ngãi và Lâm Đồng chuẩn bị dàn dựng), tôi với tay nâng bức thư của chị Trâm gửi anh Mùi và lại đọc: "... chiều nay rừng cây im lặng, một mình Thuỳ lặng ngắm cảnh núi rừng chìm dần trong sương chiều.

Đài Phát thanh Hà Nội đang trình bày một bài vọng cổ. Tất cả gợi cho Thuỳ một nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ những người thân yêu trên cả hai miền...". Tôi hỏi HS Phạm Mùi: "Anh đồng ý cho tôi công bố bức thư này không?". Anh gật đầu.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.