Thi kể chuyện Bác Hồ : Xúc động đến bất ngờ!

Thi kể chuyện Bác Hồ : Xúc động đến bất ngờ!
TP - Tại Hội thi kể chuyện về tấm gương Bác Hồ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, thầy Nguyễn Kim Bảng, người bốn lần được gặp Bác, tâm sự :  “Bác Hồ vĩ đại nhưng gần gũi. Ở Bác có một sức hút kỳ lạ mà bất cứ ai tiếp xúc đều nhận thấy sự chân thật”
Thi kể chuyện Bác Hồ : Xúc động đến bất ngờ! ảnh 1
Giảng viên trường CĐ Sư phạm TW hát mừng Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  Ảnh: Hải Yến

Thầy Nguyễn Kim Bảng là Giảng viên khoa Mác- Lênin, ĐH Xây dựng. Khác với 35 thí sinh, thầy mang đến cuộc thi những câu chuyện, những kỷ niệm của bản thân trong bốn lần được gặp Bác. 20 phút trình bày phần thi, là 20 phút cả hội trường lặng phắc.

Lần đầu tiên thầy Bảng được gặp Bác Hồ khi đang là Liên Đội trưởng Liên Đội trường Lý Thường Kiệt (trường cấp 1-2 Lý Thường Kiệt- Hà Nội). Thầy là 1 trong 25 thiếu nhi Hà Nội được đến quảng trường Ba Đình tặng hoa Đoàn Chủ tịch nhân dịp Chủ tịch nước Cộng hòa Anbani Hatziletxi sang thăm Việt Nam.

Thầy kể: “Tôi ở vị trí số 3, tặng hoa bác Phạm Văn Đồng. Khi đó Bác Hồ đứng cạnh bác Đồng. Ấn tượng đầu tiên trong ánh mắt trẻ thơ của tôi đó là hình ảnh Bác trong bộ quần áo kaki màu trắng. Tôi chăm chú nhìn và thấy gấu áo Bác đã bị sờn.

Thi kể chuyện Bác Hồ : Xúc động đến bất ngờ! ảnh 2
Thầy Nguyễn Kim Bảng

Hình ảnh ấy hiện vẫn còn nguyện vẹn trong tôi. Mặc dù bận tiếp khách nhưng Bác không quên dặn: “Các cháu ở đây chờ Bác”. Tôi và các bạn rất vui khi nghe câu nói đó. Bác đến chia kẹo và trò chuyện với chúng tôi. Lại gần tôi, Bác hỏi: “Cháu học trường gì”- “Dạ, cháu học trường Lý Thường Kiệt” – “Trường Lý Thường Kiệt nhiều bạn học giỏi lắm phải không?”. “Vâng ạ, cháu cũng học giỏi”. “Thế thì Bác thưởng cho cháu”.

Bác đặt kẹo lên tay tôi. Bác ngồi lại và chụp ảnh cùng thiếu nhi Hà Nội. Chúng tôi lao vào, đứa ôm Bác, đứa vuốt râu, đứa nghịch áo Bác. Hình ảnh ấy suốt đời tôi không quên”.

Hình ảnh Bác Hồ trong lần gặp thứ hai được thầy Bảng khắc họa: “Trong lần Thủ tướng Trung Hoa Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam, tôi lần nữa được vinh dự có mặt trong đoàn thiếu nhi Hà Nội đến tặng hoa.

Lần này, tôi được ngồi ngay sau Bác, được tận mắt ngắm bộ râu dài, trắng như cước, lúc đó tôi thấy Bác thật giống ông tiên trong giấc mơ của mình. Hôm đó, Bác mặc bộ quần áo lụa Hà Đông màu sẫm. Bác lấy từ túi áo ra hoa ngọc lan, không biết Bác hái từ bao giờ và chia cho mọi người, trong đoàn khách và các cháu thiếu nhi”.

Lần thứ ba được gặp Bác, khi đó thầy là 1 trong 10 thiếu nhi Hà Nội đến đón đại biểu Indonesia trong dịp Tổng thống Indonesia Sucarno sang thăm nước ta, Bác cùng Tổng thống Sucarno nhảy múa cùng các em thiếu nhi Hà Nội tại công viên Bách Thảo.

Và lần thứ tư, khi đã là bộ đội thuộc K12, Quân chủng Phòng không Không quân đóng ở núi Trầm, đơn vị của thầy đã được Bác đến thăm. “Hình ảnh Bác giản dị in đậm trong tâm trí tôi. Và tôi cũng không nghĩ đây lại là lần cuối cùng tôi được gặp Bác” - Giọng thầy Bảng trầm xuống.

“Đêm giao thừa Bác đến với người nghèo”

Thi kể chuyện Bác Hồ : Xúc động đến bất ngờ! ảnh 3
Thí sinh Nguyễn Thị Ngân

Ban giám khảo đã xúc động lặng đi khi nghe Nguyễn Thị Ngân, Cán bộ khoa Lý luận trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, kể câu chuyện này trước Hội thi. Giọng ấm, truyền cảm, Ngân tái hiện lại hoàn cảnh Bác đến thăm gia đình người lao động đêm giao thừa.

“Giao thừa năm nào Bác cũng đi thăm gia đình người lao động nghèo. Tết năm 1946 Bác đã đi thăm gia đình anh đạp xích lô, hay Tết năm 1960, Bác đến thăm gia đình chị Tín, người lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh - Hà Nội”.

Giọng nghẹn ngào, Ngân kể về gia cảnh chị Tín: Đêm giao thừa nhà nhà quây quần đón Tết, còn chị Tín phải đi gánh nước thuê đổi lấy gạo, lấy tiền nuôi bốn đứa con mồ côi cha. Bác vào nhà, thấy đêm giao thừa mà gia cảnh thật lạnh lẽo.

Cả nhà chỉ có 1 chiếc bàn gỗ mục, trên bàn là một nải chuối xanh và một nén hương. Bác chia kẹo cho mấy đứa nhỏ, ân cần hỏi thăm động viên chị. Xúc động trước tấm lòng của Bác, chị Tín đánh rơi thùng nước xuống đất, tay run run chị nắm lấy tay Bác: “Cháu không ngờ lại được Bác  tới thăm. Rồi chị khóc nức nở”.

Trịnh Thúy Hương, ĐH Sân khấu điện ảnh, là 1 trong 36 thí sinh dự thi, nhưng không giấu nổi xúc động khi nghe Ngân kể chuyện: “Không chỉ riêng mình mà nhiều người có mặt trong buổi thi hôm nay đều cảm động trước giọng kể rất truyền cảm của Ngân. Qua câu chuyện, mình thấy hiểu hơn, cảm nhận sâu sắc sơn hơn về sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ tới đồng bào”.

“Qua câu chuyện, mong muốn mọi người học tập theo việc làm của Bác, mở rộng tấm lòng nhân ái, chia sẻ giúp đỡ người nghèo khó”- Ngân tâm sự.

“Bác chỉ muốn các cháu được học hành”

Thi kể chuyện Bác Hồ : Xúc động đến bất ngờ! ảnh 4
Thí sinh Mai Văn Đại

Mai Văn Đại, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương, giành giải người kể chuyện có minh họa ấn tượng nhất. Tham gia hội thi với câu chuyện Bác Hồ dặn học sinh: “Bác chỉ muốn các cháu được học hành, lớn lên xây dựng đất nước”, Đại đã gây được ấn tượng mạnh cho ban giám khảo và khán giả với phần minh họa được dàn dựng công phu.

Mở đầu phần thi, đội múa hoa sen gồm 10 người bước ra với bài “Người là niềm tin tất thắng”. Sau tiết mục văn nghệ đôi nam nữ ra dẫn chương trình kể về cuộc đời sự nghiệp của Bác, cùng những lời lẽ là hình ảnh về hoạt động của Bác được trình chiếu.

Từ từ bước ra sân khấu, giọng ấm, chậm, Đại đưa người nghe về với thời điểm những ngày tháng 10 năm 1954, Bác đến thăm và chia quà cho các em thiếu nhi Hà Nội. Một cháu bé được chia kẹo nhưng không ăn, Bác lấy làm ngạc nhiên hỏi: “Vì sao cháu không ăn?”. - “Dạ, cháu để phần cho mẹ”. “Cháu tên là gì?”- “Cháu tên là Chiến”- “Tại sao cháu lại tên là Chiến?” – “Mẹ cháu dạy giặc vẫn còn, muốn đuổi hết giặc thì phải tiếp tục chiến đấu và mẹ đặt tên cháu là Chiến”.

Đại kể lại đoạn đối thoại giữa Bác và cháu bé trong sự xúc động. Em bé hỏi Bác: “Bác ơi, cháu lớn lên còn giặc để đánh nữa không?”. Bác ân cần: “Bác chỉ muốn các cháu được học hành, lớn lên xây dựng đất nước”. Đại cung cấp thêm thông tin cho người nghe về hoàn cảnh của bé Chiến: Bố Chiến bị giặc giết khi em vừa chào đời, ông nội bị giặc bắt...

Đại tâm sự: “Tham dự cuộc thi lần này là dấu ấn lớn trong cuộc đời em. Em thấy hiểu và trân trọng hơn đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh. Tình cảm của Người dành cho các em nhỏ, hay cho người dân lao động nghèo thật lớn lao. Lớp trẻ như em và các bạn hôm nay sẽ phải học và rèn luyện hơn nữa theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

40 giải đã được trao

Tối 28/12, tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã diễn ra lễ tổng kết và trao giải Hội thi. Sau 2 ngày thi, 36 thí sinh xuất sắc đại diện cho 40 trường ĐH, CĐ lọt vào vòng chung khảo. Cuộc thi đã lựa chọn được 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 30 giải khuyến khích. Giải nhất được trao cho thí sinh Trần Thị Hữu Hồng Phương (Giảng viên trường CĐ Sư phạm Trung ương). Giải nhì là hai thí sinh Hà Thị Duyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), Nguyễn Thị Thùy Dương (CĐ Giao thông Vận tải). 3 thí sinh đạt giải ba gồm: Trần Thị Phúc An (ĐH Mỏ địa chất), Phạm Thanh Hòa (Nhạc viện Hà Nội), Nguyễn Phương Linh (CĐ Sư phạm Hà Nội).

BTC đã trao giải ấn tượng cho 3 thí sinh: Người kể chuyện có liên hệ thực tiễn tốt nhất (Nguyễn Kim Bảng - cán bộ ĐH Xây dựng Hà Nội), người kể chuyện có minh họa ấn tượng nhất (Mai Văn Đại- Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương), người kể chuyện cảm động nhất (Nguyễn Thị Ngân- Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội).

MỚI - NÓNG