Thiết thực ‘Nhà sách 0 đồng’

Đến Nhà sách 0 đồng, các em học sinh có thể lựa chọn các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, tập vở, dụng cụ học tập... với giá 0 đồng Ảnh: Giang Thanh
Đến Nhà sách 0 đồng, các em học sinh có thể lựa chọn các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, tập vở, dụng cụ học tập... với giá 0 đồng Ảnh: Giang Thanh
TP - Để hỗ trợ học sinh vùng tâm dịch Đà Nẵng bước vào năm học mới, mô hình Nhà sách 0 đồng (đổi sách giáo khoa cũ) được tổ chức để giúp các em có sách vở, dụng cụ học tập miễn phí, chia sẻ một phần gánh nặng về kinh tế đầu năm học cho phụ huynh.

Sách vở, dụng cụ học tập miễn phí

Sáng sớm chủ nhật, chị Đào Thị Chi gọi con trai dậy sớm để chuẩn bị đến trường, vì Nhà sách 0 đồng được tổ chức tại trường Tiểu học Lâm Quang Thự (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) - nơi con chị Chi đang theo học. Hai vợ chồng chị Chi đều làm thuê, từ đầu năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, công việc cả hai không được ổn định. Đến khi dịch bệnh bùng phát trở lại tại Đà Nẵng, vợ chồng chị thất nghiệp gần 2 tháng trời. “Giờ cả 3 đứa con cùng vào năm học mới, vợ chồng tôi thực sự xoay xở rất chật vật. Mọi thứ chuẩn bị cho con đều thiếu trước hụt sau nên khi cô giáo chủ nhiệm gửi thông báo về Nhà sách 0 đồng, tôi được san sẻ bớt gánh nặng đầu năm học mới”, chị Chi cho hay.

Chương trình Nhà sách 0 đồng được Thành Đoàn - Hội đồng Đội TP Đà Nẵng tổ chức nhằm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Nhà sách có các quầy sách giáo khoa, sách tham khảo theo từng cấp học, tập vở, bút thước, màu vẽ... Đến đây, các em được tự lựa chọn sách vở và dụng cụ học tập theo nhu cầu cho năm học mới. Hiện nay, Thành Đoàn - Hội đồng Đội tổ chức 2 nhà sách tại xã Hòa Vang và quận Liên Chiểu với tổng trị giá 200 triệu đồng, hỗ trợ 200 học sinh tiểu học và THCS có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Nguyễn Bá Duân, Phó Bí thư Thành Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Đội TP Đà Nẵng, nói: “Đà Nẵng là vùng tâm dịch COVID - 19, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch. Chúng tôi mong muốn Nhà sách 0 đồng sẽ giúp phụ huynh giảm bớt phần nào nỗi lo về kinh tế khi chuẩn bị cho con vào năm học mới”.

Ngoài sách vở, dụng cụ học tập, chương trình còn hỗ trợ thêm phụ huynh một số nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm… để vượt qua khó khăn trước mắt.

“Cũ người mới ta”

Những ngày đầu tháng 9, cổng UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) luôn tấp nập các em nhỏ đến lựa chọn những quyển sách giáo khoa được bày gọn gàng trên hai chiếc bàn lớn. Đây là điểm cho, nhận sách giáo khoa cũ dành cho học sinh trên địa bàn phường do chị Nguyễn Thị Anh Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, thành lập.

“Trong một lần lướt Facebook, tôi thấy thông tin một cháu học sinh cấp 2 trong phường cần xin sách giáo khoa cũ để chuẩn bị cho năm học mới. Lúc đó, tôi đã trả lời và hứa sẽ hỗ trợ cho cháu. Sau đó, tôi liên hệ bạn bè để xin một bộ sách cũ tặng cháu”, chị Hà nói. Từ đó, chị ấp ủ ý tưởng kết nối các phụ huynh, học sinh có nhu cầu trao đổi sách giáo khoa để các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tiết kiệm khoản tiền mua sách giáo khoa cho năm học mới.

Nghĩ là làm, chị Hà quyết định lập một điểm cho, nhận sách giáo khoa cũ với phương châm “cũ người, mới ta”. Những ai có sách giáo khoa cũ sẽ mang đến đây để tặng lại, các tình nguyện viên sẽ phân loại, xếp sách thành từng bộ, từng môn học, từng lớp. Bất cứ ai có nhu cầu đều có thể đến đây để chọn một bộ sách hoặc những quyển sách còn thiếu cho năm học mới.

Cẩn thận chọn thêm 5 quyển sách còn thiếu trong bộ sách giáo khoa lớp 11, em Đặng Hoàng Long (phường Hoà An, quận Cẩm Lệ), tâm sự: “Năm nào, em cũng tìm đến các anh chị lớp trên để xin lại sách cũ. Năm nay, biết đến điểm tặng sách cũ này, em liền tìm đến ngay. Bố mẹ em đều làm lao động phổ thông, cứ đến năm học mới phải lo bao nhiêu khoản nên nếu đỡ cho bố mẹ được khoản nào hay khoản đó”.

Ngoài sách giáo khoa cũ, nhiều người còn mang sách giáo khoa mới, cặp sách, quần áo đồng phục mới... để ủng hộ. Đến nay, gần 1.000 bộ sách giáo khoa cùng truyện tranh, đồ dùng, quần áo, cặp sách đã đến với nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Lúc đầu, tôi chỉ định xin vài bộ cho các cháu. Nhưng có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đến để nhận sách nên chúng tôi quyết định duy trì mô hình cả tháng. Dù là sách cũ, nhưng tôi mong muốn có thể giúp cho các cháu và gia đình giảm bớt một phần chi phí để sắm sửa những đồ dùng khác cho năm học mới”, chị Hà nói.

“Sắp tới, Thành Đoàn, Hội đồng Đội TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục kêu gọi thêm sự tài trợ của các mạnh thường quân, các nhà xuất bản với mong muốn đưa Nhà sách 0 đồng đến với tất cả học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các quận khác trên địa bàn”. 
Anh Nguyễn Bá Duân, Phó Bí thư Thành Đoàn TP Đà Nẵng

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.