Thiếu kinh phí hoạt động Đoàn - Tháo gỡ theo hướng nào? (tiếp theo)

Thiếu kinh phí hoạt động Đoàn - Tháo gỡ theo hướng nào? (tiếp theo)
TP - Quá trình khảo sát tại 5 tỉnh TP (gồm: Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội) cho thấy, kinh phí cho hoạt động Đoàn đang gặp nhiều khó khăn.

>> Kỳ trước

Thiếu kinh phí hoạt động Đoàn - Tháo gỡ theo hướng nào? (tiếp theo) ảnh 1
Chiến sỹ tình nguyện trong “Tiếp sức mùa thi”  Ảnh: Hồng Vĩnh

Trong 2 tuần đầu của tháng 8/2007, Đoàn khảo sát của T.Ư Đảng do ông Vũ Trọng Kim-  Ủy viên T.Ư Đảng - Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận T.Ư dẫn đầu đã làm việc tại 5 tỉnh, thành phố nhằm chuẩn bị một bước cho Nghị quyết T.Ư 6 (khóa X) vào cuối năm nay về đổi mới phương thức hoạt động của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó cũng tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về kinh phí hoạt động của Đoàn.

Anh Bùi Văn Cường - Bí thư T.Ư Đoàn - Phó Trưởng Đoàn khảo sát của Trung ương chuẩn bị cho Nghị quyết T.Ư 6 cho biết: Kinh phí cho hoạt động Đoàn đang gặp nhiều khó khăn, không chỉ ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa mà ngay tại các tỉnh đồng bằng có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi hơn.

Ví như tại Lạng Sơn, nhiều nơi kinh phí cho hoạt động của Đoàn xã chỉ khoảng 800 ngàn đồng/năm. Tại tỉnh Thái Bình, kinh phí hoạt động Đoàn ở một số xã khó khăn chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/năm; ở những xã khó khăn của thành phố Hải Phòng: 2,2 triệu đồng/xã/năm; tỉnh Phú Thọ mức kinh phí là 1,5 triệu đồng/xã/năm....

Trong khi đó, nhiệm vụ của Đoàn xã hàng năm là khá nặng nề. Bên cạnh việc phải thực hiện đầy đủ các chủ trương, yêu cầu của Đoàn cấp trên như “Tháng Thanh niên”, “Hè Tình nguyện”, kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3, thực hiện cả chục chương trình vận động, giáo dục và rèn luyện ĐVTN, chăm lo cho thiếu niên, nhi đồng... Đoàn xã còn phải gánh trên vai nhiều công việc mà cấp ủy, chính quyền địa phương giao.

“Chưa nói đến các khoản chi cho hoạt động lớn, ngay như việc tổ chức họp, triển khai các chủ trương của Đoàn cấp trên, của cấp ủy, chính quyền cũng cần phải có khoản tối thiểu để phô tô tài liệu, mua nước uống, làm khẩu hiệu...” - Anh Bùi Văn Cường cho biết thêm.

Ông Đinh Quang Ty-Vụ trưởng, Thư ký khoa học Hội đồng lý luận T.Ư  -khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội với việc phát triển kinh tế xã hội. Mức kinh phí khoảng 1 triệu đồng cho hoạt động của Đoàn xã trong 1 năm là hết sức khó khăn.

Ông Ty cho rằng, đang rất cần có cái nhìn tổng thể trong toàn quốc đối với các tổ chức đoàn thể nói chung và Đoàn Thanh niên nói riêng để đánh giá đúng thực trạng. Phải sớm tìm ra những vướng mắc căn bản nhất đang cản trở sức phát triển của các hoạt động đoàn thể.

“Nếu tiếp tục hô hào chung chung, nói là Đoàn quan trọng nhưng lại không đầu tư cho Đoàn đúng mức về con người, về điều kiện làm việc, kinh phí thì rất khó phát triển hoạt động. Trong thực tế còn nhiều nguồn lực của đất nước có thể tiết kiệm hoặc phân bổ lại cho hợp lý hơn, dứt khoát không thể tiếp tục tình trạng lơ lửng như hiện nay” - Ông Đinh Quang Ty phân tích.

Ông Ty đề nghị Nhà nước và nhất là các địa phương cần tạo cơ chế cho Đoàn hoạt động như giao một số chương trình, dự án để Đoàn tham gia nhằm tạo ra nguồn  kinh phí và dần thoát khỏi cơ chế “xin - cho”.

Ngân sách phân bổ cho Đoàn là cần thiết, tuy nhiên, nếu cứ kéo dài tình trạng lệ thuộc vào số tiền ngân sách ít ỏi đó thì Đoàn không thể hoạt động hiệu quả. Đối với kinh phí cho Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ông Đinh Quang Ty cho rằng, đây là vấn đề rất khó, không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Về lâu dài cần có những giải pháp căn bản hơn, điều chỉnh bằng các quan hệ pháp luật nhằm vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, vừa phải nâng cao trách nhiệm với xã hội của chủ doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội mới đây, ông Vũ Trọng Kim  khẳng định vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội là hết sức to lớn, do vậy kinh phí dành cho các hoạt động này phải tương xứng với nhiệm vụ và hoạt động của họ.

MỚI - NÓNG