Thiếu tá làu 6 nội ngữ

Anh Vương (ngoài cùng bên trái) chuẩn bị bữa cơm khi đồn có khách. ảnh: Xuân Tùng
Anh Vương (ngoài cùng bên trái) chuẩn bị bữa cơm khi đồn có khách. ảnh: Xuân Tùng
TP - Sau hơn hai mươi năm gắn bó với đồng bào vùng cao biên giới Việt - Trung, Thiếu tá Lã Hồng Vương, (SN 1970) - Đồn biên phòng Pa Tần (Lai Châu) sử dụng thành thạo 6 thứ tiếng dân tộc có những câu chuyện dân vận đặc biệt.

“Vũ khí hạng nặng”

Gặp Thiếu tá Lã Hồng Vương vào một ngày Pa Tần giá lạnh tháng Chạp năm Quý Tỵ. Làn da đen bóng sạm dày nắng gió vùng biên ải, cách nói chuyện chân chất. Anh Vương quê ở vùng Kim Sơn (Ninh Bình). Nhập ngũ và lên công tác ở vùng biên Lai Châu từ năm 1988, khi Lai Châu cũ chưa tách, tới nay đã là hai tỉnh miền núi Điện Biên và Lai Châu.

Thiếu tá làu 6 nội ngữ ảnh 1

Anh Vương (ngoài cùng bên trái) chuẩn bị bữa cơm khi đồn có khách. ảnh: Xuân Tùng

Với khoảng thời gian hơn 20 năm gắn bó với đồng bào các dân tộc vùng biên, anh Vương dùng thông thạo 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số gồm: Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, Quan Hỏa và Mảng. Điều đáng nói, đây đều là ngôn ngữ thuộc nhóm ngữ hệ khác nhau. Khi hỏi về khả năng nói tiếng dân tộc, anh bộ đội họ Lã chỉ cười hiền, khiêm tốn: “Có gì ghê gớm đâu: Ở lâu tiếp xúc với đồng bào và qua cuộc sống sinh hoạt, ai thích học cũng nói được thôi”.

Làm công tác dân vận hiệu quả và để đồng bào tin tưởng, yêu quý thì người chiến sĩ không chỉ cùng ăn, cùng ở, cùng lao động mà còn phải cùng nói tiếng địa phương. Anh Vương còn hóm hỉnh, học tiếng để không biết giận đồng bào, như khi nghe “cán bộ chó đi” thì hiểu là người ta mời “cán bộ ngồi đi”, chứ không phải mắng mình.

Biết cái tiếng, hiểu tập tục của đồng bào được xem là "vũ khí hạng nặng" trong công tác dân vận. Ở bản làng, anh Vương là con của đồng bào các dân tộc. Bây giờ lên Pa Tần vẫn được nghe chuyện cán bộ Lã Hồng Vương đi vận động đồng bào Mông ở bản Nậm Vạc (xã Nậm Ban) bị kẻ xấu kích động bỏ lại nhà cửa định vượt biên, hồi năm 2005.

Một mình xuống bản thuyết phục đồng bào, cán bộ Vương không nói về nhưng Quy chế Biên giới, Luật Cư trú… mà bàn về Lễ hội Gầu tào Mông, nhắc lại chuyện cổ tích “Giàng Dua - Giàng Dự”, “Khúa Kề” gắn với ước mơ no đủ, sống hướng thiện và ngay thẳng; nhắc tới tục ngữ người Mông “Giàu, đi nhiều sẽ nghèo. Nghèo, đi nhiều sẽ chết”...

“Lúc đầu, mình học tiếng và cách sử dụng gắn với việc ăn, ở, làm việc. Mình học nhiều từ trẻ con và người già”.

Thiếu tá Lã Hồng Vương

Cứ chân chất, chậm rãi nói đúng “cái lý người Mông”, người Mông Nậm Vạc không chỉ nghe theo định cư làm ăn mà còn nhận anh làm người của bản. Thiếu tá Lã Hồng Vương cho hay: “Xem việc xuống bản và thuyết phục đồng bào như về nhà và nói chuyện phải gần gũi, dễ hiểu. Tuyên truyền, giải thích những chính sách của Đảng và Nhà nước gắn với những nét đẹp trong phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào”.

Gắn với bản làng, người dân, không ít lần anh Vương còn trở thành bố đỡ đầu, đặt tên con cho trẻ sơ sinh của đồng bào. Anh kể nhớ nhất là lần ở Nậm Vạc thuyết phục và tìm người đưa một thai phụ sinh con khó đi bệnh viện.

Anh Vương cho hay: “Đến đoạn xuống dốc, một người khiêng cáng không may bị trượt chân ngã, đúng lúc đó đứa trẻ ra đời. Gia đình người ta cảm ơn, rồi muốn bảo mình đặt tên. Mình đặt tên cho nó là Giàng A Hùng, và trở thành bố nuôi như phong tục người Mông để đứa trẻ có nhiều sức khỏe”.

Chuyện tình trên rẻo cao

Vùng biên ải Pa Tần gió sương bạc trắng, trắc trở lại là nơi gặp gỡ, kết duyên anh bộ đội biên phòng Lã Hồng Vương với vợ anh, chị Khúc Thị Mai (quê gốc ở Thái Bình). Ngày đó, anh là chiến sĩ mới lên đồn Pa Tần được một năm. Chị Mai, người vừa được sắc vừa được nết, là giáo viên công tác ở một trường vùng cao thuộc xã Phìn Hồ (Sìn Hồ, Lai Châu).

Hai người quen nhau, rồi gặp gỡ trong những lần anh Vương đi tải gạo, thực phẩm lên đơn vị. Từ đơn vị anh đến trường chị cách nhau hơn 15 cây số đường dốc núi hiểm trở, lại bận công tác nên có khi cả tháng mới gặp nhau được một lần. Anh kể: “Cô giáo vùng cao nên cũng phải đi cắm bản. Không có điện thoại để hẹn gặp nên nhiều lần vào tìm, nhưng không gặp được lại về không”.

Tình cảm quan tâm dành cho nhau và nỗi niềm trong cuộc sống, công việc được hai người chia sẻ qua những lá thư viết tay. “Thời kỳ khó khăn, giáo viên vùng cao ăn toàn cơm ngô. Thỉnh thoảng, mình được đơn vị cấp mấy cân gạo với ít cá khô liền viện trợ cho người yêu. Quà chỉ có vậy, nhưng cả hai đều luôn xúc động”, anh Vương bộc bạch.

Hơn một năm yêu nhau, hai người nên duyên vợ chồng. Đồn biên phòng Pa Tần trên đỉnh núi lộng gió, khi ấy còn đơn sơ, trở nên tất bật hơn khi tổ chức đám cưới cho anh lính biên phòng với cô giáo được người được nết. “Đơn vị đứng ra tổ chức cưới với mấy mâm cơm đơn giản, chút thuốc lá với ít kẹo bánh mời khách. Cưới xong, hai vợ chồng tự phát cỏ dựng nhà và cắt gianh về lợp”, anh Vương nói. Đến năm 1992, anh chị có đứa con đầu lòng.

Không chỉ chăm chút hạnh phúc gia đình, tình yêu của anh bộ đội biên phòng và cô giáo vùng cao còn có sự cảm thông, san sẻ công việc. Anh Vương bảo: “Vợ mình dạy ở trường có nhiều học sinh người dân tộc khác nhau nên cũng biết tiếng Mông, tiếng Thái. Nhiều lúc, hai vợ chồng lại dạy nhau tiếng dân tộc”.

Tình yêu giữa hai người còn được bồi đắp khi họ sẵn sàng giúp đỡ bà con vùng biên khi họ gặp khó khăn. “Nhà mình gần bệnh viện đa khoa huyện. Nghe tin bà con ở bản ốm đau phải nằm viện thì đi thăm. Xem họ khó khăn thì giúp người ta tí củi, cho mượn cái xoong hay chút tiền”, anh Vương nói.

Không chỉ với đồng bào Mông, cán bộ Lã Hồng Vương còn là người con của bản làng người Mảng, người Thái, người Hà Nhì… Đồng đội và đồng bào ở Nậm Ban gọi thân thiết là Vương “Mảng”. Vương “Mảng” với ý nghĩa là biết nhiều, gắn bó với đồng bào Mảng ở Nậm Ban; được người dân tộc Mảng Nậm Ban xem như là một thành viên của cộng đồng. Mỗi lần vào bản với đồng bào, bao giờ cán bộ Vương cũng có kẹo cho trẻ nhỏ, cân thuốc lào cho người già…

MỚI - NÓNG