Thơ của lính trẻ Trường Sa

Những vườn rau xanh, đàn gà đàn vịt tạo nên khung cảnh gần gũi của làng quê nơi đất liền (Trong ảnh, chiến sỹ Nguyễn Tấn Đạt, SN 1995 ở đảo Nam Yết chăm sóc đàn gia cầm của đội). Ảnh: Xuân Tùng
Những vườn rau xanh, đàn gà đàn vịt tạo nên khung cảnh gần gũi của làng quê nơi đất liền (Trong ảnh, chiến sỹ Nguyễn Tấn Đạt, SN 1995 ở đảo Nam Yết chăm sóc đàn gia cầm của đội). Ảnh: Xuân Tùng
TP - Ở Trường Sa, với tinh thần lạc quan, yêu đời, những người lính trẻ đã viết nên những vần thơ, trang báo tường đầy cảm xúc.

Chúng tôi có dịp đến với Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây... của Trường Sa. Sự khắc nghiệt nơi đảo xa được làm dịu bởi màu xanh rau muống, rau cải, đu đủ..., bóng mát rặng dừa, tre cùng những bàng vuông, mù u, phong ba. Hình ảnh đàn gà con theo gà mẹ kiếm ăn dưới những tán cây xanh, tiếng gà con rúc ríc, tiếng gà trống gáy vang... khiến chúng tôi liên tưởng tới những dòng thơ: “Ai mang quê ra đảo/Ló một tiếng gà trưa/Bao nhiêu là súng pháo/Ngây thơ như cày bừa…” của nhà thơ Hữu Thỉnh viết từ những năm 80 thế kỷ trước và “Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa/ Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo/ Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão…” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

“Ngày được ra đảo em thấy thật vui. Trước em chỉ biết mỗi Trường Sa qua ti vi, giờ vừa được đi lính bảo vệ Tổ quốc vừa được ra đảo”.

                Chiến sĩ Đinh Văn Hiếu ở Trường Sa Đông

Bên cạnh những khung cảnh đời thường, trên nhiều đảo của Trường Sa (Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết...) còn đậm dấu ấn của làng quê yên bình với những ngôi chùa khiêm nhường bên những bóng xanh của bàng vuông, dừa, phi lao, cây đa. Những ngôi chùa ở đây đều hướng về Thủ đô Hà Nội; có thiết kế theo phong cách truyền thống, một gian hai chái, hay ba gian hai chái, đường nét mềm mại với mái cong có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ chịu được độ mặn của nước biển.

Giữa những gian lao, mênh mông biển khơi, và những “chất liệu” phong cảnh ngồn ngộn trữ tình nói trên lính đảo vẫn lạc quan, tràn đầy sức sống và lãng mạn. Dù đến đảo chìm, đảo nổi, đảo to hay bé chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những trang báo tường do lính trẻ tự viết, tự làm với đủ các chủ đề, trình bày bắt mắt. Bên cạnh những mục như xã luận, châm ngôn, truyện cười, ca khúc là rất nhiều bài thơ được cán bộ, chiến sỹ sưu tầm và sáng tác. Đến Nam Yết có thể ôn lại lịch sử giải phóng Trường Sa qua những dòng thơ của Trương Hữu Vũ: “Bắt đầu rạng sáng hai lăm/Sơn Ca giải phóng góp nhiều chiến công/Nam Yết chỉ huy trung tâm/Hai bảy giải phóng hôm sau Sinh Tồn/Hai chín hạnh phúc nào hơn/Trường Sa khúc ruột giang sơn thu về…”.

Thơ của lính trẻ Trường Sa ảnh 1

Một trang báo tường chủ đề Xuân trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Xuân Tùng

Những vần thơ của Thanh Hiệu trên báo tường xuân Trường Sa Đông lại cho chúng ta thấy cuộc sống nơi đảo xa nhộn nhịp.  “…Nhất là những buổi trời trăng/Đồi mồi, rùa biển lên thăm bạn đời/Sớm chiều ngàn vạn chim trời/Tung bay trong gió từng đôi rập rờn…”. Đến cụm đảo Đá Lớn chúng tôi còn thấy lính trẻ còn truyền nhau câu chuyện các chiến sỹ mỗi người góp một thơ mà thành bài “Ao ước”: Lúc vui buồn thường kể chuyện nhau nghe/Rồi xem ảnh cô nào xinh nhất/Có cậu bảo trông cô này xinh thật/Lúm đồng tiền môi chúm chím thêm duyên/Người ước ao có một mảnh tình riêng/Người thì nghĩ đến bao giờ mới tới?

Chẳng thể thiếu ở các trang báo tường với những vần thơ nồng nàn, bay bổng lột tả tình yêu đôi lứa ẩn trong tình yêu Tổ quốc như bài “Tình người lính đảo” của Văn Nam (đảo Trường Sa Đông): “Em có biết loài cây phong ba không?/Quả bàng vuông chia đều che chắn gió/Anh sẽ gói cả hơi của biển thở/Làm quà cho em khi tàu cập bến/Quà cho em lung linh những chùm thơ… Anh! Người lính áo xanh ru biển ngủ/Đôi mắt sáng giữa trùng dương bão tố/Nguyện giữ đều nhịp thở đảo yêu thương”.

MỚI - NÓNG