Thời tiết 'online' ở Trường Sa

Thời tiết 'online' ở Trường Sa
TP - Có những người đang hàng ngày hàng giờ trên quần đảo Trường Sa lặng lẽ làm việc và “online” với toàn cầu một ngày 7 lần để cho thế giới biết rằng ở vĩ độ đó trên biển Đông quần đảo của Việt Nam thời tiết thế nào...
Thời tiết 'online' ở Trường Sa ảnh 1
Cột đo gió trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Phạm Yên

Báo động sóng thần vẫn ra biển đo sóng

Hôm nay, biển động, anh Nguyễn Văn Long, Trạm trưởng Trạm khí tượng kiêm hải văn Trường Sa dậy lúc 1 giờ đêm để đo gió, đo nhiệt độ, đo mực nước biển, khuynh hướng triều lên xuống, đo độ cao của sóng...

Cái rét ở Trường Sa sau nửa đêm càng thêm buốt giá, gió biển mang theo hơi mặn chát của muối quật vào gương mặt đã sạm đen của anh Long. Sóng bạc đầu quật vào vách đá làm nước tung trắng xóa. Long đã quen với những cơn “dằn dỗi” của biển, anh tỉ mẩn ghi chép số liệu.

Ít ai biết rằng, những số liệu ấy  lại vô cùng quan trọng bởi vì nó sẽ được phát lên mạng khí tượng của quốc tế.

Vào các giờ  7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ, 22 giờ, 1 giờ trong ngày, các thông tin về khí tượng và hải văn ở Trường  Sa sẽ được Long và các đồng nghiệp “online” để lên mạng toàn cầu.

Mã số của Trường Sa và của cả Việt Nam là 48. Mã số ấy được cả thế giới thừa nhận và hàng ngày những thông tin của Trường Sa - Việt Nam được bạn bè quốc tế sử dụng để góp phần làm nên bản tin dự báo thời tiết toàn cầu.

7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ, 22 giờ, 1 giờ...cái lịch “online” với thế giới ấy “xoay” Long như chong chóng. Không thể sớm hơn, không thể muộn hơn, dù chỉ một phút. Càng không thể được vắng mặt.

Không có “quyền” được ốm. Dù vậy, nhưng Long yêu vô cùng cái công việc bận rộn, vất vả hơn nuôi con mọn ấy, bởi nhờ nó người dân trong nước và các nước trên thế giới cập nhật được diễn biến thời tiết, hải văn ở quần đảo Trường Sa.

Long nói với tôi trong tiếng gió biển ầm ào: “Dịp này biển tương đối “hiền” còn những ngày bão như cơn bão số 7 vừa rồi thì anh em tôi gặp vất vả lắm, thậm chí tính mạng bị đe dọa. Nhưng chẳng ai bỏ cuộc cả, vẫn “online” đúng giờ dù gió bão thổi với tốc độ 29m/s”.

Hôm đó, gió thổi mạnh làm đổ cả hàng rào. Gió tát nước muối xuống đảo làm cây cỏ cùng với rau xanh chết khô. Những ngọn sóng khổng lồ ập xuống cảm tưởng như có thể nuốt chửng đảo nhỏ.

Đúng lúc ấy, Nguyễn Văn Long – Nông Văn Đình, Võ Thống, Nguyễn Văn Huỳnh, Trần Văn Khanh, Phạm Việt Hùng – 6 chàng trai của Trạm khí tượng kiêm hải văn Trường Sa-  lại đi đo gió đo sóng, cứ như thể “điếc không sợ súng”.

Năm ngoái  sau trận động đất lớn ở Đài Loan, Nguyễn Văn Long nhận được tin báo động sóng thần sẽ quét qua Trường Sa và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển Việt Nam từ Vũng Tàu đến Đà Nẵng.

Chính Long thông báo cho toàn đảo tìm nơi an toàn để tránh sóng thần. Nhưng đúng cái giờ mà sóng thần dự kiến sẽ quét qua, anh và các đồng nghiệp lại đi đo mực nước biển và sóng! Cũng may, sóng thần đã không tràn qua như dự báo.

Ngay cả những lúc trời yên biển lặng nhất thì thời tiết ở Trường Sa cũng rất khắc nghiệt. Lượng mưa ở đây so với cả nước chỉ đứng sau Sapa, gió thổi mạnh, trung bình khoảng 13-14m/s. Độ ẩm có lúc xuống tới 65 –70 %, khiến nhiều người bị dịch cúm.

Tháng 11 năm ngoái, chó gà nuôi trên đảo lăn ra chết. Mưa gió là thế, còn nắng thì đã có câu “nắng như nắng Trường Sa”. Nắng gắt “hợp lực” với hơi muối của biển nhuộm tóc và da của người ở quần đảo này  thành màu rất đặc trưng: “da đen tóc đỏ chứng tỏ Trường Sa”.

“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”

Thời tiết 'online' ở Trường Sa ảnh 2

Nguyễn Văn Huỳnh - cán bộ trên trạm khí tượng thiên hải văn Trường Sa đang ghi chép số liệu gửi về đất liền  Ảnh: Phan Mỹ

Nhưng Trường Sa “đẹp và giàu” đến nỗi có thể khiến người ta quên đi  thời tiết khắc nghiệt ở nơi này. Những ngày biển lặng, 6 chàng trai của Trạm khí tượng kiêm hải văn đi câu cá. Họ câu được những con cá to lạ thường. Họ câu được cả cá mập. Họ bắt được những con ốc  bằng cái bát.

Họ thấy những dải san hô đỏ hồng, trắng muốt và dưới làn nước trong xanh, vô vàn cá tôm bơi lội. Và có thể phía tận dưới dải cát vàng kia là những mỏ dầu khí có thể làm giàu cho đất nước.

Thỉnh thoảng từng đàn cá heo nổi lên bơi quanh đảo. Đàn cá heo cả ngàn con đùa giỡn với sóng biển và như muốn “giao lưu” với người Trường Sa.

Dù khác thời tiết khắc nghiệt nhưng rau xanh vẫn phủ kín đảo nhỏ. Và lợn gà, chó, bò, nhưng con vật đã trở nên quen thuộc với làng quê nước Việt cũng được nuôi ở đây. Khi Long đang kể về đảo, tôi nghe vọng lên một tiếng gà. Tiếng gà gáy ở đảo Trường Sa ấy sao bỗng dưng lại khơi gợi nhiều cảm xúc đến thế?

Có những chàng trai trên đảo khi nghe tiếng gà gáy lại nhớ nhà da diết. 6 chàng trai của trạm khí tượng hải văn thì có 2 người đã có vợ con. Nhưng họ phải ở liên tục 3 năm trên đảo mới được trở về đất liền. Ngày trước có  khi cả năm mới nghe được giọng vợ con một vài lần, bây giờ Viettel đã phủ sóng ở đảo Trường Sa, nên ngày nào cũng có thể “giao ban” với vợ.

Đinh Quốc Khánh sinh năm 1981. Anh ở trạm khí tượng - hải văn trên đảo Song Tử Tây. Trạm chỉ có Khánh và anh Trương Thanh Tài, chia nhau đi quan trắc 1 ngày 7 lần. Mỗi lần đi, có mấy con chó trên đảo đi theo cho đỡ cô quạnh. Nhưng Khánh yêu công việc của mình đang làm ngay từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tốt nghiệp cấp III, và hoàn thành xong khóa học về khí tượng thủy văn, Khánh ra đảo Song Tử Tây  mà chưa kịp có người yêu. Sau những trận gió bão dữ dội làm cho Cột Gió cao 12 m ở đảo Song Tử Tây cũng nghiêng ngả, Khánh lại thích ngồi lặng lẽ ngắm bình mình và hoàng hôn ở biển. Khung cảnh tráng lệ ấy làm cho Khánh thêm yêu hòn đảo nhỏ.

Và “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Khánh nói, có khi chỉ chạm tay vào sóng nước biển Đông, mình có cảm giác gai người như chạm vào đất mẹ.

7 giờ tối. Giờ này 6 chàng trai trên đảo Trường Sa đang “online” cùng bạn bè quốc tế. Và cả thế giới biết, ở vĩ độ đó, Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – mã số 48- hôm nay nắng, mưa, nhiệt độ nước biển, độ cao của sóng... như thế nào.

Và mỗi lần xem bản tin dự báo thời tiết, nhìn những chấm nhỏ giữa biển Đông, tôi cảm nhận rõ ràng hơn rằng dù xa hàng ngàn hải lý,  Trường Sa vẫn “online” cùng  với đất mẹ Tổ quốc.  

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.