Thủ khoa của mẹ "khờ"

Thủ khoa của mẹ "khờ"
TP - Những ngày này, làng Chanh, xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) ai nấy đều nức lòng vì chuyện Lê Trung Kiên, con của người mẹ khờ đỗ thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành điện tử viễn thông, 29,5 điểm.
Thủ khoa của mẹ "khờ" ảnh 1
Lê Trung Kiên và mẹ

Tìm đến nhà Kiên giữa trưa nắng gắt, căn nhà ba gian xây từ những năm 1970 trống hoác. Ngoài một dãy bằng khen thì vật có giá trị nhất trong nhà là chiếc xe đạp mini của Kiên. Dăm ba nồi niêu, xoong chảo vứt chỏng chơ một góc nhà.

Kiên không có góc học tập. Bàn học của Kiên  thấp tè. Gọi là bàn, chứ thực ra là tấm gỗ kê tạm sát cửa sổ. Biết tin có khách, hai mẹ con sửa soạn từ sáng. “Mẹ em chọn bộ quần áo đẹp nhất để đón chị đấy” - Kiên nói với phóng viên. Nhà không có bàn uống nước, khách và chủ ngồi mép giường. Chị Lương kéo vạt áo che vội miếng vá ở quần.

38 tuổi, không ai hỏi cưới. Chị Lương quá lứa lỡ thì đành kiếm đứa con về nuôi. Ông bà ngoại, họ hàng góp tiền mua cho ngôi nhà cũ 10 triệu đồng cho hai mẹ con ra ở riêng. Gia tài của hai mẹ con lúc đó là ba sào ruộng, ba cái xoong và một cái giường.

Chị Lương kể: “Cháu ngoan lắm, biết thân biết phận nên cơm ăn với dưa cà, muối mắm cả tháng cũng không một lời kêu ca”.

Mẹ làm ruộng nhưng những việc nặng như cày, bừa nhà không có người đàn ông lại phải đi thuê. Cuối vụ, thu được hạt thóc về lại phải bán phân nửa để trả nợ tiền phân bón. Tiền học của Kiên trông vào ông bà ngoại, họ hàng giúp đỡ.

Ông ngoại Kiên là bộ đội về hưu, năm nay 70 tuổi. Đồng lương còm cõi nuôi cháu học hành bao năm, còn phải chăm lo cho bốn đứa con ra ở riêng. Hàng ngày ông bà cặm cụi chẻ tre đan lát rổ rá, bán kiếm thêm.

Mẹ khờ, con học giỏi

Thủ khoa của mẹ "khờ" ảnh 2Khai giảng năm học mới năm nay, các thủ khoa sẽ được trường trao học bổng hai triệu đồng/người. Trường cũng hỗ trợ các em chút đỉnh. Tôi mong các nhà hảo tâm hỗ trợ để ước mơ của các em học sinh nghèo này thành hiện thựcThủ khoa của mẹ "khờ" ảnh 3 - Thầy Nguyễn Hữu Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bảo

Tuổi thơ của Kiên trôi qua trong nghèo khó, buồn tủi. Phần vì bọn trẻ cùng trang lứa thường gọi Kiên là con hoang, phần vì lớn lên Kiên dần nhận ra mẹ là người không bình thường như lời ông ngoại nói.

Ông Lê Quý Thảo - ông ngoại Kiên - tâm sự: “Tội cho cháu vì mẹ cháu là người phụ nữ không bình thường. Có thể do khi mang thai, bà nhà tôi uống nhầm thuốc nên sinh ra Lương đau ốm luôn, lớn lên nhớ nhớ quên quên. Tôi cho nó đi học nhưng 11 năm chỉ được năm lớp. Mang tiếng học đến lớp 5 rồi nhưng không biết đọc, biết viết. Quá lứa lỡ thì không ai hỏi cưới nên đành kiếm đứa con về nuôi, nương tựa tuổi già”.

Khi sinh Lê Trung Kiên, chị Lương không biết cách sắp xếp đồ đạc trong nhà, không nấu được bữa cơm tử tế. Ông Thảo kể: “Nấu xong cơm nó chỉ lấy muối hoặc mắm tôm cho con ăn. Lâu dần thành quen, ông bà thương mua thêm thịt, cá nó cũng không hào hứng”.

Thế nhưng, xóm làng biết chị thương con, cứ mỗi tối con học bài chị đều ngồi cạnh đợi khi con đi ngủ mới thôi. Còn Kiên sáng dạ, ham học. Từ bé, Kiên ngủ rất ít, đêm học khuya. Bốn giờ sáng lại dậy ngồi vào bàn học bài tiếp. Ông bà và mẹ cháu không phải nhắc nhở.

Kiên kể: “Hồi học cấp một, trường học cách nhà chừng hai cây số. Cứ chiều chiều, mẹ em lại đến trường đón em. Nhiều người bảo “đi đón con làm gì”. Mẹ đón nhưng rồi hai mẹ con lại dắt nhau đi bộ về nhà, vì mẹ em không biết đi xe đạp”. Suốt năm năm Kiên học cấp một, mẹ ròng rã cuốc bộ đến trường đón con.

Lên cấp hai, rồi cấp ba, Kiên đạp xe lên trường huyện học. 12 năm liền Kiên là học sinh giỏi toàn diện, tham dự đại hội cháu ngoan Bác Hồ và giành nhiều giải thưởng toán, lý cấp thành phố. Cắm cúi học nên Kiên không nghĩ ngợi nhiều. Nhưng đến mỗi lần họp phụ huynh, Kiên thấy tủi thân vì mẹ không biết chữ, thầy giáo nói gì mẹ cũng không nhớ.

“Mỗi lần họp, em đạp xe chở mẹ đến trường. Mẹ cũng ngồi dự như mọi người nhưng thầy cô thông báo các khoản đóng góp mẹ lại phải nhờ các phụ huynh khác ghi vào giấy về đưa cho ông bà ngoại”, Kiên kể.

Kiên và Nguyễn Đức Sang (thủ khoa ĐH Bách khoa) là đôi bạn thân. Sang học giỏi môn toán và hóa, Kiên học tốt môn lý nên hai người thường trao đổi bài học, làm đề thi và tự chấm điểm cho nhau.

Ngoài sách giáo khoa, Kiên đến mượn thầy tài liệu, bạn bè có quyển sách mới hoặc tải được trên mạng về là Kiên mượn photo về giải cho bằng hết. Vì thế, năm học lớp 12 trường THPT Vĩnh Bảo tổ chức thi thử đại học bốn lần thì cả Sang và Kiên đều dẫn đầu lớp với điểm tuyệt đối.

Thầy Nguyễn Hữu Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bảo, nói: “Thầy cô trong trường kỳ vọng Kiên và Sang đạt điểm 30 chứ không phải 29,5”.

Những ngày này, Kiên vẫn lặng lẽ ngồi ôn thi vào lớp Kỹ sư tài năng.

Kiên đỗ thủ khoa Đại học Bách khoa, họ hàng, làng xóm đến chúc mừng. Mẹ Kiên chỉ đứng một góc ngoài sân và khóc, phó mặc cho ông ngoại. Ông bà ngoại ngỏ ý muốn mẹ Kiên lên thành phố rửa chén bát thuê kiếm thêm tiền nuôi con học đại học nhưng lại lo chị Lương khờ khạo, nên thôi.

MỚI - NÓNG