Thủ khoa hiến kế

Thủ khoa hiến kế
TP - Trong khuôn khổ chương trình tuyên dương 136 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện năm 2009 của Thành phố Hà Nội, sáng qua Thành Đoàn Hà Nội tổ chức lễ ghi danh sổ vàng, đồng thời tọa đàm để thủ khoa hiến kế xây dựng, phát triển thủ đô.
Thủ khoa hiến kế ảnh 1
Thủ khoa Tống Đức Việt trình bày ý tưởng tại tọa đàm

Đây là lần đầu tiên với sáng kiến của Thành Đoàn, thủ khoa được thỏa sức hiến kế.

Buổi tọa đàm mang lại kết quả khá bất ngờ, có gần 50 ý tưởng của các thủ khoa được đưa ra bàn thảo. Nhiều ý tưởng bám khá sát đời sống chính trị, xã hội của thủ đô và đất nước. 

Hà Nội lâu nay tự hào có 36 phố phường nhưng những phố cổ hiện đang mất dần các phố nghề do lạm dụng buôn bán.

Vũ Thị Phương, thủ khoa trường ĐH Đông Đô cho rằng, cần xây dựng bia Cổ vọng Đài với hai phần đế và đài ở đầu mỗi tuyến phố bằng hai thứ tiếng Việt và Anh để khách du lịch dễ tìm hiểu khi đặt chân đến phố cổ, vừa lưu giữ giá trị văn hóa.

Theo Phương, năm 2010 là năm du lịch quốc gia, Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn tuổi, đây là cơ hội để Việt Nam hút khách du lịch, quảng bá tinh hoa văn hóa Việt.

Trần Thị Thùy Linh, thủ khoa ĐH Kinh tế Quốc dân đưa ra ý tưởng xây dựng văn hóa người Hà Nội. Theo Linh, người sống ở Hà Nội phải đạt bốn tiêu chí: thân thiện, trách nhiệm, biết chia sẻ và chân tình.

Để thực hiện, cần tổ chức theo từng đơn vị phường, xã vận động toàn dân tham gia lấy lực lượng thanh niên làm nòng cốt. Một tuần vài giờ tổng vệ sinh khu phố, vài giờ sinh hoạt quyên góp vì người có hoàn cảnh khó khăn. Với phương châm, nhiều giọt nước cùng nhỏ xuống sẽ thành sông.

Ý tưởng thu hút sự chú ý của nhiều người là làm trong dòng Tô Lịch bằng cơ chế bãi lọc của thủ khoa ĐH Lâm nghiệp Lê Thị Hà Thu. Hiện nước thải đổ trực tiếp qua các cống hai bên bờ sông, nên dòng Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo Hà Thu, để thực hiện được ý tưởng này, hai bên bờ sông cần bố trí bãi lọc ngập nước (bãi này phải tương đối bằng phẳng) và trạm tập trung nước thải (bơm từ trạm tập trung nước thải ra bãi lọc).

Khi nước thải đi qua bãi lọc, hàm lượng các chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng được giữ lại do tác động hấp thụ và cản trở của thực vật. Nước sau khi qua bãi lọc chảy xuống sông sẽ sạch hơn.

Theo cách tính của Hà Thu, mất hai đến ba năm để làm trong 14,6 km dòng Tô Lịch. “Cách đây ba năm, Trung Quốc cũng đã làm sạch dòng sông Sha hơn 22km bằng phương pháp này”, Hà Thu nói.

Ngoài ra, nhiều thủ khoa đưa ra ý tưởng, Hà Nội cần trồng thêm cây xanh đặc trưng như sưa, lộc vừng, phượng… trên từng con phố, để tăng thêm sự quyến rũ của phố phường.

Các ý tưởng được hội đồng phản biện bao gồm các giảng viên chuyên ngành đến từ các trường ĐH lắng nghe và góp ý...

Tổng kết buổi tọa đàm, anh Ngọ Duy Hiểu - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết, những ý tưởng hay sẽ được tập hợp trình lên lãnh đạo Thành phố xem xét.  

MỚI - NÓNG