Thủ khoa trên đôi nạng gỗ

Dù khuyết tật nhưng thành tích học tập của chàng trai xứ Thanh luôn khiến mọi người ngưỡng mộ
Dù khuyết tật nhưng thành tích học tập của chàng trai xứ Thanh luôn khiến mọi người ngưỡng mộ
Đỗ Duy Hiếu - thủ khoa đầu ra ĐH Khoa học Tự nhiên và cũng là gương mặt nổi bật trong buổi trao giải Tài năng khoa học trẻ 2013.

Đỗ Duy Hiếu sinh ra ở miền quê hiếu học Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Tốt nghiệp cấp 3, Hiếu thi vào khoa Tàu thủy trường ĐH Bách khoa Hà Nội và bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ của mình như bao bạn bè đồng trang lứa.

Nhưng tai nạn giao thông bất ngờ ập đến năm thứ 2 đại học, khiến cho cuộc đời Duy Hiếu bước sang những tháng ngày tăm tối. Đôi chân bị liệt hoàn toàn khiến cậu buộc phải nghỉ học nằm viện để điều trị trong thời gian dài.

Duy Hiếu nhớ lại: “Sau một thời gian nghỉ học, mình quay lại trường, ngày ngày phải bắt xe ôm đi học. Có lúc thấy nản vô cùng vì kinh tế khi ấy rất khó khăn”.

Giảng đường đại học bỗng trở thành một nơi rất xa với chàng sinh viên đến từ xứ Thanh. Mỗi ngày phải leo 5 tầng để vào lớp học cộng thêm những cơn đau đã trở thành rào ngăn Hiếu đến trường. Và đến khi không thể tiếp tục, Duy Hiếu đành ngậm ngùi bỏ dở ước mơ đại học của mình để về quê.

 Hoàn cảnh gia đình Hiếu cũng rất khó khăn, bố mẹ là nông dân. Nhà có 4 anh em nhưng do không đủ điều kiện kinh tế nên hai anh chị đầu không được ăn học đầy đủ. Chỉ có cậu và em trai là được gia đình chăm lo việc học tới nơi tới chốn.

 “Thầy giáo làng” khuyết tật

 Trở về quê dưỡng bệnh, Hiếu bất ngờ nhận được đề nghị dạy học cho các em học sinh trong xã. Cậu tâm sự: “Ban đầu mình cũng không muốn nhưng vì mọi người đến nhà nhiều lần nên Hiếu đã nhận dạy cho một em học sinh”.

 Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy giáo Đỗ Duy Hiếu mỗi ngày một đông. Từ chàng sinh viên Bách khoa, Hiếu trở thành “thầy giáo làng” được rất nhiều học sinh yêu mến.

 
Thủ khoa trên đôi nạng gỗ ảnh 1

Miệt mài truyền niềm đam mê Toán học cho các cô cậu học trò nhỏ tuổi.

 Vượt lên những khó khăn của bản thân, Duy Hiếu trở thành tấm gương sáng cho các học trò. Cách dạy của thầy giáo chống nạng gỗ này cũng khá đặc biệt và thú vị. Hiếu chia sẻ: “Một số em thường quen đọc chép, hoặc thầy cô dạy công thức rồi các em học thuộc mà không hiểu. Mình thì chỉ dẫn học sinh cách tư duy và tăng sự tương tác giữa thầy và trò”.

Dạy học trò cách tư duy cũng giống như trao cho các em chiếc chìa khóa vạn năng để trước cánh cửa nào các em cũng có thể tìm cách để mở. Đó là tâm sự của thầy giáo làng khuyết tật này.

 Dạy học trở thành nguồn vui cho Hiếu trong những ngày khó khăn và chính các em học sinh cũng là những người giúp anh chàng định hướng được con đường đi cho mình. Hiếu quyết định thi lại Đại học và gắn bó lâu dài hơn với nghề dạy học. Hiếu nhớ lại: “Khi mình quyết định đi thi Đại học, không dạy ở quê nữa rất nhiều em học sinh đã khóc và muốn mình ở lại dạy tiếp. Khi ấy mình rất cảm động và muốn theo đuổi nghề dạy học”.

 Chàng thủ khoa trên đôi nạng gỗ

 Sau thời gian dạy học ở quê, Hiếu quyết tâm thi đại học và trở thành sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Với điểm thi 27/30, Hiếu được xếp vào lớp tài năng nhưng do lớp ở trên tầng 4 nên Hiếu quyết định chuyển xuống học tại lớp Toán học.

 ĐH Khoa học Tự nhiên chính là mái nhà để Hiếu phát triển tài năng toán học của mình. Hiếu tâm sự: “Có được ngày hôm nay mình thực sự rất cảm ơn thầy cô và các bạn tại trường. Suốt 4 năm đi học, cô Trịnh Dục Tú luôn xin để lớp được học tại tầng 1, giúp mình đỡ vất vả trong việc đi lại. Bạn bè cùng lớp có khi xách cặp, đỡ mình vào lớp…”.

 Duy Hiếu cũng rất may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của PGS.TS Lê Anh Vinh - một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô 2013. Hiếu chia sẻ về người thầy đặc biệt của mình: “Thầy Vinh là người đầu tiên dạy cách nghiên cứu Toán học cho mình và đến bây giờ, các công trình nghiên cứu khoa học đều do thầy hướng dẫn. Mình học được từ thầy rất nhiều về phương pháp nghiên cứu, tư duy và cả cách làm việc khoa học”.

 Vượt qua khó khăn, Đỗ Duy Hiếu đã tự viết lên câu chuyện cổ tích của chính mình khi xuất sắc trở thành thủ khoa tốt nghiệp của trường ĐH Khoa học Tự nhiên với điểm tổng kết toàn khóa đạt 3,59/4.

 Chàng sinh viên đến trường với đôi nạng gỗ còn giành được rất nhiều giải thưởng: Giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường, Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐH Quốc gia và gần đây nhất là Giải nhất tài năng khoa học trẻ 2013.

 Duy Hiếu cũng đã có hai bài đăng trên tạp chí Toán học quốc tế. Hiện tại, anh chàng vẫn đang tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học tại Viện Toán học Việt Nam.

 Sau tất cả những khó khăn, mong muốn giờ đây của Hiếu là được trở thành giáo viên của một trường cấp 3 để tiếp tục đứng lớp với học trò.

 Một câu chuyện, một cuộc đời với nhiều khúc quanh của chàng trai quê Thanh Hóa - Đỗ Duy Hiếu. Từ chỗ tưởng như mọi cánh cửa đã đóng lại, Hiếu tự tìm con đường mới cho mình. Nghị lực và tinh thần vượt khó của Duy Hiếu đã góp thêm một câu chuyện đẹp về người trẻ Việt Nam.

 “Bây giờ không còn khó khăn nào có thể ngăn được mình đi về phía trước”, đó là tâm sự của Hiếu và cũng là điều ai từng gặp chàng trai này đều có thể cảm nhận được.

Theo Đất Việt
MỚI - NÓNG