Thủ lĩnh Đoàn phải giỏi công nghệ thông tin

Việc nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp công tác Đoàn và phong trào thanh niên toàn quân thêm hiệu quả, thiết thực. Ảnh: Nguyễn Minh.
Việc nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp công tác Đoàn và phong trào thanh niên toàn quân thêm hiệu quả, thiết thực. Ảnh: Nguyễn Minh.
TP - Đó là chủ trương của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, khi chỉ đạo Ban Thanh niên Quân đội tổ chức các lớp học nâng cao kỹ năng quản lý, khai thác và sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên trong toàn quân.

Tiết kiệm thời gian, bảo mật thông tin

Thượng tá Đinh Quốc Hùng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội cho biết, được bắt đầu từ năm 2015, lớp học đặc biệt này đã tạo ra hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên quân đội. 

Năm nay, lớp tập huấn có sự tham dự của 160 học viên là Trưởng ban (hoặc Trợ lý) thanh niên, Bí thư (hoặc Phó bí thư) Đoàn cơ sở Bộ Tổng tham mưu, các tổng cục, binh chủng, nhà trường, viện, bệnh viện và đơn vị kinh tế. Một trong những ưu điểm lớn nhất của việc áp dụng CNTT vào hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên toàn quân nói chung và ở các đơn vị nói riêng chính là tiết kiệm được thời gian, công sức, đồng thời đảm bảo được yếu tố bí mật”, thượng tá Hùng nói.

Lần đầu tiên tham gia lớp tập huấn, thiếu tá Phùng Khắc Khoan, Trợ lý Thanh niên Binh chủng Đặc công cho biết, ở cấp cơ sở hiện nay, việc tổ chức tập huấn và áp dụng CNTT vào công việc của đội ngũ cán bộ Đoàn đã và đang được tiến hành khá rộng rãi. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như cán bộ Đoàn thường xuyên thay đổi, cán bộ mới bổ nhiệm thường chưa có nhiều kỹ năng trong sử dụng CNTT, nhất là kỹ năng trong việc khai thác và bảo mật thông tin quân sự.

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Dương Thị Hải Yến, Trợ lý Thanh niên Binh đoàn 15 (đơn vị quân đội làm kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên) chia sẻ, Binh đoàn có hệ thống trang thiết bị CNTT tương đối hiện đại, đầy đủ và bảo đảm để phục vụ cho các nhiệm vụ của Binh đoàn. 

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Đoàn tại đơn vị 100% là kiêm nhiệm, chủ yếu là lao động trực tiếp sản xuất, sự hiểu biết, khả năng và trình độ trong sử dụng các trang thiết bị CNTT còn nhiều hạn chế. “Những kỹ năng cơ bản trong thiết kế bài giảng lý luận chính trị cho ĐVTN bằng phương pháp sư đồ tư duy và phương pháp trình chiếu PowerPoint cũng như cách sử dụng mạng xã hội thanh niên quân đội trên mạng truyền số liệu quân sự sẽ giúp tôi thực hiện tốt hơn vai trò thủ lĩnh Đoàn của mình ở đơn vị”, đại úy Yến nói.

Tỉnh táo trên mạng xã hội

Là người sẽ trực tiếp truyền đạt những thông tin, biện pháp tham gia đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên mạng internet tại lớp học, thượng tá Nguyễn Hồng Hải (Trưởng phòng biên tập báo Quân đội nhân dân cuối tuần, Phó Chủ tịch Liên chi hội nhà báo báo Quân đội nhân dân) khẳng định không thể từ chối hay đóng cửa mạng xã hội. Vấn đề là chủ động sử dụng nó một cách hợp lý, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản quản lý cũng như phối hợp trên phạm vi toàn cầu để hướng mạng xã hội vào mục tiêu phục vụ lợi ích chính đáng của cộng đồng, của xã hội.

Theo thượng tá Hải, bên cạnh nguy cơ xâm phạm tự do cá nhân, có những vụ việc và nguy cơ khác cũng hiện hữu trên các mạng xã hội. Đó là nguy cơ lừa đảo về kinh tế, nguy cơ mất an ninh với cá nhân và gia đình các thành viên tham gia mạng xã hội. Nguy hiểm hơn, có những tổ chức, doanh nghiệp tạo ra mạng xã hội riêng nhằm kết nối các thành viên trong tổ chức với nhau và kết nối có điều kiện với các thành viên bên ngoài nhằm mục đích trục lợi. 

Chưa kể nguy cơ an ninh ở cấp độ quốc gia cũng đã được cảnh báo khi tình báo kinh tế, các hacker thường lợi dụng tối đa các tiện ích của mạng xã hội, vừa khai thác thông tin của đối thủ, vừa tiến công trên cả phương diện tài chính lẫn kỹ thuật. Nhiều hacker phát tán virus và mã độc trên mạng xã hội, tiến công các trang web, blog, thậm chí tiến công cả hệ thống bảo mật thông tin của các quốc gia.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại úy Bùi Việt Hoàng Sơn (Trợ lý Phòng phần mềm và cơ sở dữ liệu, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tổng tham mưu) cho biết, mạng xã hội thanh niên quân đội được xây dựng xuất phát từ mục tiêu tạo ra một môi trường học tập trao đổi thông tin lành mạnh trên mạng truyền số liệu quân sự cho cán bộ chiến sĩ trong toàn quân, hạn chế những mặt tiêu cực, tránh lộ lọt thông tin khi tham gia mạng xã hội trên internet.

Mạng xã hội thanh niên quân đội trải qua một thời gian nghiên cứu phát triển đã ngày càng hoàn thiện hơn. Đến nay, mạng đã hoạt động ổn định và cung cấp các dịch vụ để cán bộ chiến sĩ sử dụng như những mạng xã hội thông dụng. 

“Thông qua mạng xã hội, ĐVTN có thể học tập được những kiến thức trên nhiều lĩnh vực chính trị - văn hóa - khoa học kỹ thuật và tham gia các hoạt động khác. Hiện, mạng truyền số liệu quân sự đã có mặt khắp toàn quân, đến cả những nơi không có internet nên rất phù hợp cho cán bộ, chiến sĩ cùng tham gia, khai thác chia sẻ thông tin…”, đại úy Sơn nói.

Có 5 nội dung chính được tập huấn là: Một số kỹ năng cơ bản trong thiết kế bài giảng lý luận chính trị cho đoàn viên thanh niên bằng phương pháp sơ đồ tư duy và phương pháp trình chiếu PowerPoint; Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội thanh niên quân đội và trang Web của Ban Thanh niên Quân đội trên mạng truyền số liệu quân sự; Hướng dẫn sử dụng, tổng hợp báo cáo kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên bằng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu của Ban Thanh niên Quân đội trong dự án tin học hoá các cơ quan của Đảng trong Quân đội; Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng tin học văn phòng; Phương pháp tham gia đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình” trên không gian mạng.

MỚI - NÓNG