“Thủ lĩnh” làm giàu của bản Nà Cà - Bắc Kạn

“Thủ lĩnh” làm giàu của bản Nà Cà - Bắc Kạn
Không chỉ giỏi làm giàu bằng chính đôi bàn tay cần cù, anh thương binh Hoàng Nguyên Đức còn làm cầu cho bản, cho bà con vay vốn để làm ăn thoát nghèo.

Nà Cà, một bản nhỏ thuộc xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông - Bắc Kạn) nằm giữa hai con suối dữ Trâng và Phiêng Kham, nhiều năm bị cô lập trong lũ.

Bản dựa lưng vào núi cao, thế đất chật hẹp, toàn đồi gianh, lau lách. Người lành lặn làm đủ ăn đã khó, vậy mà Hoàng Nguyên Đức, một thương binh nặng đã vượt lên giúp dân bản thoát nghèo đói, trở thành triệu phú từ hai bàn tay trắng.

Giàu có vì không cam chịu đói nghèo

Đồng bào dân tộc Dao hạ sơn về bản Nà Cà cách đây hơn 40 năm nhưng vẫn nghèo đói. Thôn có 55 hộ, một nửa không có đủ ruộng canh tác. Vốn là bãi cỏ gianh, ba bề bốn bên núi bao bọc, Nà Cà chỉ có vài khoảnh ruộng do bà con khai hoang, hoặc đổi trâu bò cho người dân quanh vùng.

Ruộng ít, người đông, không có đất canh tác, mùa giáp hạt thiếu đói triền miên. Nhiều người rủ nhau vào rừng bắt chim, bắt cá, đốt nương làm rẫy, nhưng chim, cá bắt mãi cũng hết, rừng không phải là vô tận.

Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, hạ sỹ Hoàng Nguyên Đức xuất ngũ với một chiếc chân giả. Về bản nghèo, một vợ, 3 con nhỏ, không có lấy một mét ruộng thì sao tránh được đói khổ.

Thiếu ăn, tăm tối và nghèo nàn là hình ảnh của Cà Nà bao năm nay...Phải thoát khỏi đói nghèo, nhưng bằng cách nào, chính Đức cũng chưa nghĩ ra. Cùng dân bản, vợ chồng Đức phải xâm canh nương rẫy, trồng thêm ngô lúa nhưng cuộc sống vẫn chật vật, con cái nheo nhóc. “Cả nhà tôi phải ăn cơm trên một miếng ván đặt dưới đất. Trong nhà, chẳng có thứ gì có thể bán để lấy tiền” - Đức nhớ lại.

Người thương binh biết không thể bám vào cách làm ăn cũ, anh bán lợn, bán thóc gom góp chút vốn mua được 1600m2 ruộng. Đủ thóc ăn, anh lại vay vốn mua dê về nuôi.

Sau mấy năm, đàn dê của anh đã tăng lên 120 con. Năm 1998, khi mới 38 tuổi Hoàng Nguyên Đức trở thành người Dao đầu tiên ở bản Nà Cà dám viết đơn vay tiền ngân hàng mua liền một lúc 33 con bò giống. Cả bản ngạc nhiên, không tin anh có thể làm giàu.

Được chăm sóc, bò mẹ sinh bò con, cứ tăng lên mãi. Giờ đây tổng đàn bò của gia đình anh đã lên tới 152 con. Không chăn xuể, anh chia đàn dê  hơn 120 con cho 6 gia đình trong thôn nuôi, đàn bò cũng được chia cho 8 nhà chăm sóc theo thoả thuận cứ sinh được một dê hoặc bê  thì mỗi bên được một nửa.

Nhiều nhà không có ruộng, được anh giao chăm sóc đàn gia súc nên đã có công ăn việc làm, chẳng những không còn thiếu đói mà còn có hẳn một đàn gia súc riêng. Ban đầu cũng chật vật, lúc thiếu đói, khó khăn, anh Đức vẫn phải ứng tiền ra mua gạo cho các gia đình nhận nuôi gia súc cho anh.

Từ cuối năm ngoái, đàn dê bỗng dưng phát bệnh lở mồm, kéo màng mắt, không tìm được thức ăn chết hàng loạt, Đức lại phải mời cán bộ thú y về chữa trị.

Anh Đức tính, giá dê đã tụt từ 25000đ xuống còn 19000đ/kg, nếu dê mắc bệnh như đợt này, số dê sinh và chết bệnh ngang nhau, coi như phải “bù lỗ” công chăm.

Dù khá giả, nhưng hàng ngày vợ chồng anh Hoàng Nguyên Đức vẫn chăn một đàn lợn 11 con, làm hơn một mẫu ruộng và mở một cửa hàng tạp hoá -xay xát phục vụ bà con trong bản. Mỗi năm gia đình anh thu lời 110 triệu đồng.

Được anh giúp đỡ, nhiều nhà cũng đã bắt đầu phát triển đàn gia súc, từng bước xoá đói, giảm nghèo. Cùng với sự quan tâm của nhà nước, bản Nà Cà đã xoá được đói, chỉ còn 13 hộ nghèo, nhiều nhà đã có điện nước, đài, tivi, và nước sạch.

Làm cầu qua suối dữ

Khi bị thương cụt mất một chân, Hoàng Nguyên Đức được đồng đội kịp thời băng bó rồi đưa về Quân y viện. Anh chỉ nhớ một quả mìn đã nổ ngay dưới chân, rồi không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy, anh mới biết mình còn sống.

Cuộc đời anh cũng đã trải qua nhiều sóng gió, nhiều lần vào sinh ra tử. Trong những hoàn cảnh ấy, người đầu tiên anh nghĩ đến là người vợ hiền bao năm tần tảo ở nhà chờ chồng.

Anh chị yêu nhau trước khi anh nhập ngũ. Đám cưới được tổ chức đúng vào những ngày biên giới căng thẳng. Đón dâu, vì nhiệm vụ anh cũng không về được.

Ra viện, anh tập đi trên chiếc chân giả, lúc đầu chưa quen, rất đau đớn. Hàng ngày, anh vẫn lên rẫy cùng vợ con với chiếc chân giả. Đi rừng, đi nương, lội suối bắt cá, chẳng việc gì Đức không làm được. Từ khi mở cửa hàng tạp hoá, ngày ngày anh đạp xe hơn 30 cây số (trong đó một nửa phải dắt bộ) ra thị xã Bắc Kạn lấy hàng về bán.

Nhiều hôm mưa, đường trơn tuột chỉ muốn gục ngã, nhưng anh không thể không đi vì mọi thứ vật dụng tối thiểu như “dầu đèn mắm muối”, dân bản đều trông cả vào anh.

Năm 1991, anh là người đầu tiên trong bản  mua được chiếc xe Cub 81. Sáng hôm ấy, anh đích thân cùng một người bạn lặn lội về Hà Nội mua xe rồi hai người đánh vật với nó, vượt hơn 200km về đến nhà thì trời đã tối mịt.

Bây giờ, hàng ngày anh vẫn chạy xe ra thị xã lấy hàng, đi thăm đàn gia súc hay đến chơi với những người đồng đội cũ. Đường ra thị xã đã được làm lại, dễ đi hơn trước nhiều, vậy mà anh không quên những năm tháng cùng chiếc chân giả đạp xe ra “phố”, ai cũng phải  cảm phục.

Nhưng Đức không chỉ biết làm giàu mà còn lo cho dân bản. Bao năm nay, hễ cứ mưa lũ Nà Cà lại bị cô lập với bên ngoài bởi muốn vào bản phải vượt qua hai con suối Trâng và Phiêng Kham. Không có cầu, trâu bò lội qua còn bị lũ cuốn, nói gì đến con người.

Nhìn con em mình đứng bên dòng lũ, không đến được lớp học, phải quay về anh nảy ra ý nghĩ phải làm cầu qua suối. Nghĩ là làm. Năm 1997, Đức tự bỏ ra 5 triệu đồng mua trụ và 240 tấm ván gỗ nghiến, thuê nhân công dựng cầu qua suối Trâng, rồi suối Phiêng Kham.

Thời điểm đó, số tiền này đủ mua thóc cho gia đình anh ăn 5 năm không hết. Hôm dựng cầu, cả bản kéo nhau ra góp công sức, ai cũng thầm cảm ơn anh.

Lần đầu tiên, Nà Cà có cầu qua suối, việc đi lại trong mùa mưa không còn khó khăn nữa. Tiếc rằng gần đây, trong một trận lũ lớn, cầu đã bị nước cuốn trôi. Sau nhiều lần sửa chữa, dân bản đã cùng nhau làm được cầu mới trên nền tảng chiếc cầu năm xưa.

Gần 10 năm trôi qua, bây giờ, đến bản Nà Cà, nhiều người vẫn nhắc đến câu chuyện về hai cây cầu của anh thương binh Hoàng Nguyên Đức. Những chiếc cầu ấy được anh làm bằng cả tâm huyết và trách nhiệm của mình…

Giờ đây, dù mới ở tuổi 45,  Hoàng Nguyên Đức đã là một triệu phú ở bản Nà Cà, đi lên từ hai bàn tay trắng bằng chính sức lao động của mình. Ba đứa con anh đã lớn, một cháu đang học Đại học sư phạm Thái Nguyên, cháu nhỏ học lớp 8. Gia đình anh được công nhận là Gia đình văn hoá.

Tháng 12 năm 2004, Hoàng Nguyên Đức được vinh dự thay mặt cho cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn về Hà Nội dự Hội nghị điển hình CCB làm kinh tế giỏi toàn quốc. Anh vinh dự được gặp và chụp ảnh chung với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Tại đại hội, có người đã hỏi anh rằng: “Vì sao anh lại cho nhiều gia đình nghèo vay vốn và giúp họ làm ăn, anh không sợ họ không trả được nợ sao?” Hoàng Nguyên Đức bảo: “Tôi chỉ mong làm sao ai cũng biết làm ăn để giàu có như mình, ngoài ra tôi không nghĩ gì khác”.

Người khác hỏi: “Ở bản, có ai giàu hơn anh không?” Đức trả lời: “Có khi có nhiều người giàu hơn mình, nhưng mình không nhìn thấy”. Cả hội trường vỗ tay cười ầm vì câu trả lời rất thật của anh, nhiều người cảm phục anh đã rơi nước mắt.

Chúng tôi về bản Nà Cà một ngày đầu tháng Bảy. Căn nhà gỗ nhỏ của gia đình anh nằm nép gọn dưới bóng rừng xanh. Đang mùa gặt, anh chị không ở nhà. Cả bản đều ra đồng. Cháu gái, con út anh Đức chạy đi tìm bố. Hoá ra anh lên đầu nguồn Khuổi Phi từ sáng để sửa chữa đường ống dẫn nước về bản.

Gặp chúng tôi, anh Đức vui hẳn lên: “Mưa quá, đất làm tắc ống, cũng may giờ nước đã chảy được rồi. Việc không phải của mình, nhưng ai cũng bận, mình biết thì mình làm thôi”. 

MỚI - NÓNG