Thủ lĩnh trẻ, tài năng là nhân tố quyết định phong trào

Thủ lĩnh trẻ, tài năng là nhân tố quyết định phong trào
TP- Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, khẳng định như vậy khi trò chuyện với phóng viên báo Tiền phong trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX.

Thưa đồng chí, trước nhu cầu trẻ hóa mạnh mẽ đội ngũ cán bộ, Ban Bí thư T.Ư Đoàn và Tiểu ban nhân sự ĐH đã tiến hành lựa chọn và đặc biệt là giới thiệu nhân sự cho Ban chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Bí thư như thế nào?

Chuẩn bị nhân sự cho ĐH Đoàn toàn quốc lần này, được sự đồng ý của Ban Bí thư T.Ư Đảng, các đồng chí Bí thư T.Ư Đoàn tuổi nên dưới 40.

Nếu quyết tâm làm được điều này thì đây là sự tiến bộ về độ tuổi so với nhiệm kỳ trước (năm 2002, ĐH đã bầu các đồng chí trong Ban Bí thư tuổi trung bình là 41).

Để đảm bảo yêu cầu đó, đề án xây dựng Ban Chấp hành khóa IX, phấn đấu độ bình quân không quá 35 tuổi, và hầu hết các đồng chí trong Ban Thường vụ độ tuổi sẽ dưới 40 trừ một vài trường hợp đặc biệt.

Nếu chỉ xét về độ tuổi của nhân sự chuẩn bị giới thiệu cho ĐH thì chưa đạt được như mong muốn nhưng phù hợp với thực tế. Vì để thực hiện được việc trẻ hóa đòi hỏi có cả quá trình lâu dài và phụ thuộc rất lớn vào độ tuổi các Bí thư tỉnh, thành Đoàn.

Có vấn đề đặt ra là độ tuổi các Bí thư Tỉnh, Thành Đoàn gần đây ngày càng cao. Qua tổng kết ĐH Đoàn các tỉnh, thành, độ tuổi các bí thư khá cao, bình quân 36,6!

Mặt khác, đòi hỏi đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đoàn không chỉ là trẻ mà còn đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, có năng lực, trưởng thành từ cơ sở, trải qua nhiều công việc khác nhau trong Đoàn.

Để đạt được điều đó cần có quá trình chuẩn bị tương đối dài hơi, thường xuyên bắt nguồn từ việc phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bố trí cán bộ.

Quan trọng nhất là có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các cấp ủy Đảng địa phương trong công tác quy hoạch cán bộ Đoàn, nếu không trẻ hóa được Bí thư các Tỉnh, Thành Đoàn thì khó có nguồn cán bộ trẻ giới thiệu lên cấp Trung ương.

Trong lịch sử tổ chức Đoàn đã có những người trở thành thủ lĩnh không theo quy chế thông thường. Vậy nhân sự giới thiệu cho ĐH lần này có các nhân tố mới ở các lĩnh vực kinh tế, khoa học... những hình mẫu lý tưởng của giới trẻ hay không, thưa đồng chí?

Ban Bí thư T.Ư Đoàn rất mong trong đội ngũ BCH, Ban Thường vụ, Ban Bí thư T.Ư Đoàn sắp tới phải có những gương tiêu biểu trong các lĩnh vực khác nhau, đó là những doanh nhân trẻ giỏi, những nhà khoa học tiêu biểu...

Sẽ thật là tốt nếu trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng mà trong cơ quan lãnh đạo của Đoàn có các doanh nhân, các nhà khoa học trẻ giỏi, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trẻ... Vì như vậy, những biện pháp để động viên TN làm kinh tế, tiến quân vào khoa học kỹ thuật...của Đoàn sẽ sát hơn.

Mặt khác, họ không chỉ là những người giữ chức vụ lãnh đạo của Đoàn mà còn là biểu tượng của quá trình học tập, rèn luyện, lao động, chiến đấu của TN trên các lĩnh vực hoạt động để khích lệ, tạo động lực cho TN.

Mong muốn và kỳ vọng là như vậy nhưng ở ĐH này, sự chuẩn bị cũng chưa đầy đủ và kịp thời. Nhưng đó sẽ là hướng đi tích cực mà tổ chức Đoàn hướng tới và sẽ thực hiện.

Ban hành quy chế học tập định kỳ

Cán bộ Đoàn trong tình hình mới phải vừa trẻ, có năng lực, nhạy bén, sáng tạo... nhưng với ngạch lương công chức khá thấp mà lại hoạt động vất vả theo phong trào, vậy tổ chức Đoàn có biện pháp nào để thu hút, giữ chân họ gắn bó với phong trào?

Đây là vấn đề mâu thuẫn giữa sự cống hiến và chính sách đãi ngộ! Về chế độ lương bổng, đãi ngộ dành cho người tài chưa thỏa đáng không chỉ là vấn đề diễn ra ở tổ chức Đoàn mà ở tất cả các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội nói chung.

Tuy nhiên, tôi lại thấy ở Đoàn có thuận lợi hơn, đó là: Cán bộ Đoàn là những người trẻ, nói nôm na là những người “có máu”, có lửa nhiệt tình và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Và như vậy, để khắc phục khó khăn nói trên, tổ chức Đoàn kêu gọi sự cống hiến của các bạn trẻ có năng lực. Bởi tuổi trẻ mà không cống hiến thì đòi hỏi độ tuổi nào có thể cống hiến?

Cán bộ Đoàn luôn coi quá trình làm công tác của mình là quãng đời đẹp nhất. Được sống, được làm cán bộ Đoàn để gắn bó với phong trào, được đến với thanh niên cùng chia sẻ với họ là mong ước lớn lao của nhiều bạn trẻ. Điều đó sẽ là nguồn động viên khích lệ có ý nghĩa nhất lấn át đi những bức bách, khó khăn trong cuộc sống.

Thực tế, đội ngũ cán bộ Đoàn hiện nay đã đáp ứng được nhiệm vụ và đòi hỏi của công tác đặt ra hay chưa?

Trong dự thảo Báo cáo của BCH khóa VIII tại ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ IX có nhận định rất nghiêm khắc và cũng rất mạnh mẽ là: Đội ngũ cán bộ Đoàn có nơi, có lúc tụt hậu so với thanh niên và có khả năng có xu hướng tụt hậu nhiều hơn nữa so với thanh niên nếu như cán bộ Đoàn không nỗ lực học tập, phấn đấu nâng tầm hiểu biết.

Người cán bộ Đoàn ngoài sở trường, phẩm chất có tính chất thiên phú về hoạt động xã hội để có thể chủ động trong giao tiếp, trình bày, diễn đạt, tổ chức hoạt động...cũng đòi hỏi cán bộ Đoàn có vốn hiểu biết nhất định trong các lĩnh vực công tác, am hiểu về kiến thức kinh tế, xã hội chứ không thể diễn thuyết suông. Muốn vậy phải thông qua đào tạo, học tập.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua công tác này chúng ta làm chưa tốt nên cán bộ trẻ có rất nhiều nhưng cán bộ Đoàn trẻ có năng lực, có đủ tầm và được kinh qua những công việc cụ thể lại rất thiếu!

Trong thời gian sắp tới phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ. Từ năm 2008, Ban Bí thư T.Ư Đoàn ban hành quy chế học tập định kỳ đối với cán bộ Đoàn các cấp.

Dự kiến, hàng năm bí thư các quận, huyện Đoàn; bí thư, thường vụ các tỉnh, thành Đoàn dành thời gian nửa tháng học nhiều nội dung khác nhau về kiến thức kinh tế, chính trị, xã hội và những vấn đề mới...          

Cán bộ phải sâu sát với thực tiễn

Thủ lĩnh trẻ, tài năng là nhân tố quyết định phong trào ảnh 1
Thanh niên tình nguyện Thừa Thiên Huế cùng báo Tiền phong cứu trợ đồng bào tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Ảnh: Thanh Tùng.

Tại Hội nghị lần thứ 22 của Ban Thường vụ T.Ư Đoàn tổ chức cuối tháng 11, Ban Thường vụ đã đề nghị việc tăng cường cán bộ Đoàn từ T.Ư về công tác tại các Tỉnh, Thành Đoàn (giữ các chức vụ chủ chốt như Phó bí thư hay Trưởng ban các Tỉnh, Thành Đoàn này). Thưa đồng chí, đây có phải là một hình thức luân chuyển cán bộ? Và hiệu quả mong muốn của việc luân chuyển này là gì?

Thực tế đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo của Đoàn phải có từ nhiều nguồn như các tỉnh, thành, các ngành, các lực lượng vũ trang... Tuy nhiên, để tìm một cán bộ trẻ có năng lực từ địa phương về T.Ư Đoàn có những khó khăn vì phụ thuộc vào các điều kiện mà tổ chức Đoàn chưa lo được khi họ phải chuyển công tác lâu dài.

Như vậy, cần thiết phải đặt ra việc đưa cán bộ trẻ hiện có từ T.Ư Đoàn đi rèn luyện ở các vùng, miền mà ở những nơi đó là môi trường sẽ cung cấp cho cán bộ trẻ những thực tiễn, kinh nghiệm sinh động.

Nếu Ban Thường vụ, Ban Bí thư T.Ư Đoàn có nhiều đồng chí trưởng thành qua thực tiễn cơ sở sẽ làm cho những chủ trương, Nghị quyết của Đoàn đến được với TN, đi vào cuộc sống nhiều hơn. Điều này khắc phục tình trạng: có chủ trương ban hành ra nhưng chưa sát, chưa đi vào cuộc sống.

Để Đoàn trở thành người bạn gần gũi với TN

Báo cáo của BCH T.Ư Đoàn khóa VIII tại ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ IX đưa ra nhiều nội dung, phương hướng và phong trào mới cho nhiệm kỳ tới. Cơ sở để lựa chọn và quyết định những điểm mới đó là gì, thưa đồng chí?

Để đưa ra những nội dung mới cho cả nhiệm kỳ công tác, BCH T.Ư Đoàn dựa trên việc đánh giá và trả lời 5 thách thức lớn. Đó là: Làm thế nào thực hiện chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của Đoàn TN trong giai đoạn mới?

Trong mỗi thời kỳ khác nhau của cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn coi TN là rường cột của nước nhà và luôn đòi hỏi TN là lực lượng xung kích cách mạng. Như vậy, với vai trò tổ chức, Đoàn làm như thế nào để đóng vai trò đưa TN xung kích trên các lĩnh vực?

Trong các đánh giá của công tác Đoàn luôn đưa ra yếu kém là chưa quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng TN. Vậy làm thế nào để Đoàn trở thành người bạn thân thiết, gần gũi với TN?

Đoàn được xác định là đội hậu bị tin cậy của Đảng, vì thế phải làm sao để xứng đáng với vị trí đó? Đoàn sẽ làm gì để nâng cao hiệu quả của phong trào TN, nối tiếp, kế thừa và phát huy thành công của các phong trào lớn của dân tộc, đất nước nói chung và của tổ chức Đoàn?

Trên cơ sở đó, Đoàn đặt ra những nhiệm vụ rất đầy đủ, toàn diện trong việc đổi mới mạnh mẽ tổ chức Đoàn để Đoàn ngày càng đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Phong trào TN trong thời kỳ mới phải phát huy TN xung kích, đi đầu, vì thế BCH khóa 8 đề xuất phong trào “5 xung kích  phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Phong trào này thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nhất, những “đơn đặt hàng” nóng hổi của thời đại đặt ra: lao động sáng tạo để phát triển kinh tế xã hội; tình nguyện vì cộng đồng; bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự an toàn xã hội; cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời, để Đoàn phải thực sự là người bạn tin cậy của TN thì phong trào “4 đồng hành với TN lập thân, lập nghiệp” sẽ giúp đỡ, hỗ trợ định hướng TN trong các vấn đề bức xúc như: Học tập nâng cao trình độ chuyên môn; nghề nghiệp và việc làm; Nâng cao thể chất, đời sống văn hoá tinh thần; Phát triển các kỹ năng xã hội.

Tên gọi của hai phong trào cũng dễ nhớ và các mục tiêu, chương trình đề ra cụ thể, thiết thực. Hai phong trào này sẽ giúp Đoàn khẳng định được vị trí dẫn dắt TN trong việc phát huy tối đa tinh thần xung kích, tình nguyện đồng thời là người bạn gần gũi, chăm lo, bồi dưỡng những nhu cầu thích đáng của TN.

Xin cám ơn đồng chí và chúc Đại hội thành công!

Phương Hiếu
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.