Thú vị chuyện 'trăng mật'

Thú vị chuyện 'trăng mật'
TP - Xuân, mùa chim làm tổ, các đôi trẻ làm đám cưới. Phần không thể thiếu của nhiều cặp vợ chồng trẻ có điều kiện là một chuyến du lịch tuần trăng mật. Nhiều chuyện thú vị quanh “thủ tục” lãng mạn này.

Vừa cưới nhau hôm mồng Chín tháng Giêng, hai ngày sau đó Tú cùng cô vợ mà anh coi là "nhí nhảnh” lên tàu đi hưởng tuần trăng mật ở Sapa - Lào Cai. Thật ra chuyến đi không làm Tú hào hứng mấy, bởi công việc của anh rất bận. Nhưng chiều theo "lý luận” của cô vợ trẻ "ai đám cưới mà chả có tuần trăng mật”, nên anh xin thêm một tuần nghỉ phép.

Tú làm ở phòng tin học của một ngân hàng thương mại tại Hà Nội, với hình thức đẹp trai, thu nhập khá, anh được bố mẹ vợ "duyệt” ngay lần đầu khi cô con gái dẫn về nhà mình chơi. Yêu nhau hơn một năm thì họ quyết định lấy nhau.

Nhưng phía gia đình Tú, bố mẹ anh lại không mấy hài lòng nghề nghiệp của cô con dâu, họ muốn con trai mình lấy cô vợ làm cùng ngành ngân hàng hơn là lấy một cô giáo mẫu giáo.

Mẹ Tú vẫn thường gièm pha trước mặt con trai: "Con xem thế nào, chứ mẹ thấy người yêu con đến nhà mình, rửa bát cũng hát, rồi đi vào nhà vệ sinh cũng hát… Về lâu dài cô ấy liệu có hợp với con không?”.

Tú cho rằng, người yêu mình bị "ảnh hưởng nghề nghiệp”, như thế là yêu đời, càng trẻ lâu, có sao đâu. Anh quyết cưới và họ đã ăn hỏi hôm mồng Tám tháng Chạp năm trước.

Đám cưới của Tú được coi là lạ, bởi lần đầu nhiều người đi ăn cưới được thấy... cô dâu hát. Nhà Tú ở Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội, vốn sân vườn rộng rãi nên tổ chức đám cưới tại nhà. Hôm ấy, rất đông bạn bè cùng học Cao đẳng Mẫu giáo Mầm non với cô dâu đến dự, nhiều người trổ tài là "cây đơn ca”, khiến đám cưới cực kỳ vui rộn.

Không hiểu sao, một cô gái vừa hát xong, hôn trường đang vỗ tay thì cô tranh phần của người dẫn chương trình, giới thiệu ngay cô dâu lên hát một bài. Cô dâu thoáng một chút tư lự, trong bộ váy cưới đã đứng lên hát bài "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo”.

Cưới xong, vợ Tú rất sốt sắng đi hưởng tuần trăng mật. Tú chỉ hơn cô vợ sinh năm 1985 sáu tuổi. Chưa gọi là già so với vợ, nhưng anh lại không mấy hào hứng chuyện đi du lịch. Tú khuyên vợ, vừa cưới nhau nên giúp bố mẹ giải quyết những việc "hậu” đám cưới. Vả lại công việc của một phó phòng tin học ở cơ quan của Tú rất bận, vừa nghỉ phép, vừa nghỉ Tết đã chiếm quá nhiều thời gian, đợi một thời gian rỗi rãi đi nghỉ vẫn chưa muộn.

Vợ Tú nghe chồng nói thế liền phản ứng, cho rằng đời người chỉ cưới một lần, tuần trăng mật là phút giây hạnh phúc nhất của vợ chồng, nếu không đi là anh không yêu vợ. Vợ Tú còn tuyên bố: "Không đi nghỉ tuần trăng mật, thì từ nay anh đừng có đụng vào người em”.

Tú đành chiều theo ý vợ, thu xếp kiếm cặp vé giừng nằm lên Sapa. Trước hôm đi Sapa, nhân lúc chỉ có hai mẹ con với nhau, mẹ Tú bóng gió dặn con trai: "Con nhớ bảo vợ, cố nhịn một hôm, lên tàu đừng có hát hò, mà làm mọi người trên toa lại mất ngủ”.

Chọn nơi kiếm "tí nhau"

Một trường hợp khác, Phong tổ chức hôm 11 tháng Chạp Mậu Tý ở quê, tận Quỳnh Lưu, Nghệ An. Đám cưới với đầy đủ thủ tục. Sau ngày cưới một hôm, cô dâu, chú rể lại phải về quê vợ ở Thọ Xuân, Thanh Hóa theo phong tục, khiến cả hai đều mệt nhoài. Họ chưa nghĩ đến nghỉ tuần trăng mật, bởi ra Giêng lại mời cỗ tại Hà Nội.

Phong tốt nghiệp đại học Y, ra trường được nhận về làm tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Anh được xếp vào dạng lấy vợ muộn. Sinh năm 1971, nhưng lại cưới được cô vợ trẻ kém mình hơn một giáp. Lê - vợ của Phong, sinh năm 1986, vừa cao ráo, vừa xinh đẹp tốt nghiệp, Trung cấp Y, hiện làm ở một trung tâm y tế tư nhân.

Nhiều người bảo Phong "trâu chậm uống nước trong”, nhưng bố mẹ anh thì không mấy ưng thuận cuộc hôn nhân này. Họ nghĩ rằng, Phong tuổi Hợi lấy Lê tuổi Hổ, sẽ luôn bị vợ bắt nạt khiến không mở mặt mày lên được. Nhưng Phong lại không quan niệm chuyện tuổi tác, thấy hợp và yêu nhau thì cưới.

Ra Giêng, ngày 12 họ lại dọn cỗ mời khách tại Hà Nội. Sau đám cưới họ đã chọn đi nghỉ tuần trăng mật bốn ngày ở hồ Ba Bể - Bắc Kạn. Trước đó, cô dâu luôn muốn được một chuyến đi nghỉ ở Sapa, hay Mẫu Sơn - Lạng Sơn, với hy vọng được ngắm tuyết rơi như những năm trước.

Nhưng chú rể nhất quyết không đồng ý lên Sapa, hay Mẫu Sơn. Anh nói với vợ: "Anh già rồi, sớm sinh con cho anh nhờ”. Cô vợ tỏ vẻ chưa hiểu, vị bác sỹ giải thích rằng đi nghỉ tuần trăng mật ngoài hưởng những giây phút ngọt ngào của vợ chồng mới cưới, anh còn mong muốn thời gian này sẽ mang lại cho vợ chồng mình đứa con đầu lòng.

Khí trời ở Sapa, hay Mẫu Sơn trong mùa xuân đều rất lạnh, mà trong điều kiện thời tiết quá nóng, hoặc quá lạnh quan hệ vợ chồng đều khó mang thai. Cô vợ cũng am hiểu điều đó, nên nghe theo lời chồng chọn hồ Ba Bể để du xuân hưởng tuần trăng mật.

Nhỡ…

Truyền cũng vừa cưới vợ dịp ra Giêng. Khác với nhiều cặp vợ chồng khác thường dành thời gian sau cưới để du lịch, họ chỉ biết về nhà sau giờ làm việc, hạn chế việc đi lại. Yêu nhau từ năm thứ ba sinh viên, ra trường giữa năm ngoái, cả vợ chồng vừa đi làm được khoảng ba tháng là tổ chức đám cưới.

Họ yêu nhau, đã giữ gìn, đợi đến ngày cưới mới trao cho nhau tất cả. Nhưng có lẽ, do yêu nhau đã lâu, không kìm nén được cảm xúc lâu hơn nữa, hôm đi chụp ảnh cưới trong năm, họ lần đầu tiên cùng dắt tay nhau vào một nhà nghỉ. Lần đầu, có ngay em bé, cưới nhau họ gác luôn chuyện đi nghỉ tuần trăng mật mà những ngày đang yêu, bên nhau họ từng lên kế hoạch.

MỚI - NÓNG
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
TPO - Trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra nhiều đợt mưa giông, lốc, mưa đá kèm gió giật mạnh gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, đặc biệt những nơi xảy ra thiên tai là địa phương nghèo. Do đó, tỉnh Hòa Bình đã đề xuất Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và các Bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ hơn 42 tỷ đồng.