Thương lắm vùng cói nghèo

Thương lắm vùng cói nghèo
TP - Nhìn mãi tôi mới nhận ra thứ đen đen, tròn tròn trong túi bóng nhàu nhĩ, lấm đất của lũ trẻ vùng quê ấy là hạt đỗ đen  nấu chín. Mỗi đứa một túi nhỏ trong tay, cứ thế từng ít một chúng ăn ngon lành.
Thương lắm vùng cói nghèo ảnh 1
Sinh viên tình nguyện phát quà và sách báo vận động trẻ em ở Ngọc Lẫm đến trường. Ảnh: Lê Chương

Ở vùng cói nghèo này, trẻ em rất lam lũ. Ở tuổi lên 10, ít  nhất cũng phải biết nhặt cói, phơi cói, lớn hơn chút nữa thì  nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ trồng cói, dệt chiếu.

“Ngọc Lẫm nghèo lắm, mấy đời chỉ biết trồng cói, dệt chiếu kiếm miếng cơm; lúa không có đất trồng, bởi nước nhiễm mặn” - Chủ nhiệm Hợp tác xã Ngọc Lẫm Hoàng Văn Lạng thở dài.

Gần 10 năm làm chủ nhiệm, ông rõ như lòng bàn tay cái nghèo, cái khổ của vùng đất  này, lặn lội khắp nơi, cùng với lãnh đạo xã tìm mối xuất chiếu cho dân mà kết quả vẫn không đáng kể. Cái khó ở đây là bà con hầu hết đều dệt chiếu thủ công, chất lượng rất thấp.

Ngọc Lẫm nằm trong địa phận xã Trường Giang (xã nghèo thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa), có hơn 2.000 hộ dân. Vùng đất được thiên nhiên ban cho phù sa mặn để trồng cói nhưng chính nó lại cướp đi nguồn nước ngọt của thôn.

Ông Lạng cho biết thêm: “Vùng đất này khó trồng lúa, chỉ có cây cói là phát triển được. Mà giá cói 2 năm trở lại đây rất thấp, lại không có nơi tiêu thụ, hầu như bà con chỉ bán lẻ, giá rẻ lắm”.

Ông Lạng cho biết, năm học 2007 - 2008 thôn có tới 35 em bỏ học. Vào mùa cói bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các em nhỏ lấm đen mồ hôi, nhổ cói, ôm cói trong vụ thu hoạch. Những phụ huynh nơi đây  hướng dẫn cho con họ làm quen với cói ngay từ khi còn rất nhỏ.

Trong chương trình tình nguyện của đội Sông Mã, gồm những thanh niên, sinh viên đồng hương Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục vận động trẻ em bỏ học quay trở lại lớp học. Gia đình chị Sen có 5 đời gắn bó với cây cói nhưng vẫn nghèo.

Vợ chồng họ đang dệt chiếu với khung dệt rất thô sơ. Chị Sen vừa dệt chiếu vừa chia sẻ với tôi: “Hai đứa lớn học hết lớp 7 là  phải nghỉ ở nhà làm cói phụ giúp gia đình. Còn 3 đứa nhỏ thì đang đi học cho biết mặt chữ rồi cũng phải nghỉ để đi làm thôi”.

Suy nghĩ của chị Sen khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chia tay chị Sen chúng tôi cũng đã tìm đến nhiều gia đình có con nhỏ ở Ngọc Lẫm và được biết nhiều em nhỏ ở Ngọc Lẫm đã phải bỏ học.

Có điều gì đó như là mắc nợ, như là ám ảnh khi chúng tôi - những sinh viên tình nguyện đã thấu hiểu vất vả của mảnh đất này nhưng chưa giúp được nhiều để những con người ở đây đỡ khổ.

Chia tay Ngọc Lẫm nhưng lòng vẫn đau đáu ngày trở lại.

MỚI - NÓNG