Tiến sĩ 9X bảo vệ luận án online

Tiến sĩ Ðinh Ngọc Khang (ngồi ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên điều hành Quỹ học bổng Ðồng hành Singapore Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Ðinh Ngọc Khang (ngồi ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên điều hành Quỹ học bổng Ðồng hành Singapore Ảnh: NVCC
TP - 27 tuổi, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ online tại ÐH Công nghệ Nanyang, Ðinh Ngọc Khang luôn ấp ủ mục tiêu chinh phục công nghệ tiên tiến thế giới và khát khao cống hiến cho quê hương.

Buổi bảo vệ luận án đặc biệt

Tiến sĩ 9X bảo vệ luận án online ảnh 1 Ðinh Ngọc Khang luôn mong muốn mang công nghệ tiên tiến thế giới về áp dụng tại Việt Nam                      Ảnh: NVCC

Đầu tháng 4/2020, Singapore bùng phát dịch COVID-19 cũng là thời điểm chàng trai xứ Nghệ Đinh Ngọc Khang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Nanyang, ngôi trường hàng đầu của Singapore. Khang bảo vệ luận án “Nghiên cứu và phát triển xúc tác điện hóa cho quá trình chuyển hóa năng lượng tái tạo”, mà anh đã theo đuổi hơn bốn năm nay. Lần bảo vệ này có lẽ là một kỷ niệm đặc biệt đối với Khang khi diễn ra trực tuyến, chỉ có anh với 5 thành viên hội đồng giáo sư hướng dẫn và phản biện.

Khang đứng trước máy tính xách tay của mình và có 30 phút để trình bày trực tuyến luận án “Nghiên cứu và phát triển xúc tác điện hóa cho quá trình chuyển hóa năng lượng tái tạo”. Hội đồng giáo sư là những ô hình ảnh nhỏ xíu trên màn hình lần lượt đưa ra nhận xét và các câu hỏi chất vấn, phản biện. “May mắn buổi bảo vệ online không có khán giả nên tôi không có thêm nhiều câu hỏi, nhưng lại rất run khi chờ hội đồng thảo luận đánh giá”, Khang chia sẻ.

Nhớ lại những giờ phút bảo vệ online, Khang chia sẻ: “Bảo vệ luận án online, tôi bị kỹ thuật viên loại ra khỏi nhóm khi các thành viên hội đồng thảo luận. Một mình đối diện với màn hình máy tính ở trong phòng tim tôi đập thình thịch. Mãi hai tiếng sau giáo sư hướng dẫn gửi email báo đã qua và giao viết bài báo tổng quan, tôi mới thở phào”.

Khang vẫn nhớ thời khắc vị giáo sư hướng dẫn thông báo cậu đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. “Tôi gọi điện về cho gia đình, rồi phấn khởi chạy ra ngoài, thấy không có ai mới nhớ ra đang trong thời gian cách ly xã hội vì dịch COVID-19. Hít hà không khí ngoài trời và hạnh phúc với quãng đường vừa hoàn thành, tôi lại tự đặt câu hỏi: Tiếp theo là gì?”, Khang chia sẻ.

Nỗ lực mang công nghệ tiên tiến về Việt Nam

Trước khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Đinh Ngọc Khang đã có 22 bài báo khoa học quốc tế và 4 bài khác đang trong quá trình phản biện. Các nghiên cứu của Khang xoay quanh việc chế tạo và tối ưu hóa các vật liệu nano mới giúp quá trình chuyển hóa năng lượng tái tạo có hiệu suất cao nhất có thể.

Theo Khang, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng khoảng 10% mỗi năm ở Việt Nam. Trong khi nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, chưa kể vấn đề khí thải nhà kính, thì việc dần chuyển mình trở thành một nước có hệ thống năng lượng không cacbon là điều phải làm. Song năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) dù vô tận nhưng lại không ổn định, như năng lượng mặt trời dư thừa buổi trưa, buổi tối lại thiếu hụt.

Mục tiêu mà Khang theo đuổi, hướng tới là chuyển hóa nguồn năng lượng mặt trời dư thừa thành nhiên liệu hydro có thể lưu trữ, vận chuyển và sử dụng khi cần thiết; đồng thời ứng dụng làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp. Với mong muốn mang công nghệ này về Việt Nam, Khang đã và đang nỗ lực kết nối với các nhà khoa học, kỹ sư trẻ trong và ngoài nước, nhất là sau khi tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019 do T.Ư Đoàn tổ chức.

Khang cho biết đang cùng các nhà khoa học của Pháp và Singapore giải quyết vấn đề về tái chế, phục hồi các kim loại quý, đất hiếm trong rác thải điện tử. Mục tiêu của dự án là sau 1-2 năm sẽ có nguyên mẫu để đưa vào thực tiễn. “Trong vài năm tới, tôi vẫn sẽ tận dụng điều kiện ở nước ngoài để tiếp tục học tập, nghiên cứu. Hy vọng sau khi hoàn thành dự án, tôi sẽ mang được công nghệ này về Việt Nam”, Khang nói.

Sụt 5kg vì bế tắc nghiên cứu

Trong những năm tháng học phổ thông, Đinh Ngọc Khang luôn nằm trong top đầu lớp, nhưng lại mê chơi điện tử đến quên ăn, quên học. Mẹ Khang là giáo viên, chỉ đến khi nghe mẹ nói “con như thế thì ai tin cho mẹ đi dạy. Con mẹ mà còn không dạy được thì mẹ còn dám dạy ai...”, cậu mới quyết tâm dứt bỏ điện tử, chuyên tâm học hành. “Tôi lao vào học như không có ngày mai, đêm nào cũng học tới 2-3h sáng rồi dậy lúc 6h để đến trường. Những đêm đông lạnh buốt, khi buồn ngủ tôi nhúng đầu mình vào xô nước lạnh để tỉnh lại”, Khang chia sẻ.

Khang thi đỗ vào lớp tài năng ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Nhớ lời mẹ Khang lao vào học và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân loại xuất sắc, đạt học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tại ĐH Nanyang năm 2016.

Những năm tháng đầu tiên trên đất Singapore, đối với Khang đó là “thời gian tối tăm nhất quãng đời học tập” khi vừa phải làm quen với đề tài nghiên cứu vừa hoàn thành 8 môn học. Suốt một năm miệt mài ở phòng thí nghiệm từ 8h đến 23h mỗi ngày, không có khái niệm nghỉ lễ hay cuối tuần, cậu “mò mẫm” trong vô vọng. “Tôi trao đổi với giáo sư hướng dẫn những nghi ngờ của mình về tính khả thi của dự án nhưng không nhận được sự đồng cảm. Tôi bế tắc, kiệt sức, đã có lúc nghĩ rằng nghiên cứu không phải là con đường dành cho mình. Quá nhiều suy nghĩ tiêu cực, tôi nộp đơn xin nghỉ học ngay trước Giáng sinh năm 2016. Thời gian đó tôi sụt 5kg. Nhà trường còn mời bác sĩ tâm lý đến nói chuyện với tôi. Chính hình ảnh của mẹ đã giúp tôi vượt qua tất cả”, Khang nhớ lại.

Những sóng gió đã giúp Khang trưởng thành hơn trong cuộc sống và nghiên cứu khoa học. Hiện Khang tham gia dự án của Viện Khoa học Công nghệ Singapore và Đại học Sydney (Úc). Anh rất tích cực tham gia điều hành một số hoạt động cộng đồng như Quỹ học bổng Đồng hành Singapore, Operation Smile (phẫu thuật nụ cười) và giảng dạy tiếng Anh cho lao động Việt tại Singapore.

“Những lúc khó khăn, thậm chí bế tắc trong học tập, nghiên cứu, tôi thường tìm đến những sở thích như chơi cầu lông, đá bóng. Thi thoảng tôi đọc lại những bức thư xin học bổng của các bạn sinh viên nghèo ở Việt Nam hay những tin nhắn từ gia đình các em nhỏ sứt môi, hở hàm ếch đã gặp trong chương trình phẫu thuật nụ cười. Những dòng chia sẻ ấy giúp tôi nhận ra mình may mắn đến nhường nào, khó khăn trước mắt của mình quá nhỏ bé so với những gì các em đang phải đối mặt”.

Tiến sĩ Ðinh Ngọc Khang

MỚI - NÓNG