Tiến sĩ xã hội học nói về clip "hiến máu" gây sốc

Tiến sĩ xã hội học nói về clip "hiến máu" gây sốc
Clip "hiến máu" của nhóm Hà Nội nhỏ, sinh viên trường Đại học Sân khấu điện ảnh với ý tưởng và những cảnh quay khá “nhạy cảm” đang rất thu hút sự chú ý của dư luận. Trước những luồng ý kiến trái chiều xung quanh clip, Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình để có những đánh giá chuyên sâu hơn.

Đoạn clip dài hơn 4 phút, bối cảnh và hành động của nhân vật thể hiện trong clip không khác gì một cảnh nóng phòng the. Với cuộc hẹn hò, điện thoại, chiếc giường, nhịp thở, tiếng nói “em phải tin anh" và “anh ơi đừng” cùng cách diễn rất đạt từ tiếng kêu rên, chân tay cào cấu đã đưa người xem vào một không gian vô cùng nhạy cảm.

Nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện

Ông Trịnh Hòa Bình cho rằng, tác giả clip đã cố ý sử dụng những thủ pháp, những ẩn dụ hàm rất nhiều ý. Ngay từ cái tiêu đề “lần đầu tiên làm chuyện ấy”, khi nói đến từ “chuyện ấy” là người xem thấy nó khuôn ngay vào chuyện sinh hoạt phòng the hay nói cụ thể hơn là sinh hoạt tình dục.

Ở đây, tất nhiên là có ẩn ý, có sự tinh tế nhất định, những âm thanh như tiếng nước chảy róc rách, tiếng điện thoại, tiếng thở, gây được sự chú ý, nói chung là “thành công” cho người xem. Nhưng rõ ràng nó sẽ lái người xem sang một hướng khác.

Tính hoàn thiện, hiệu quả biểu đạt cuối cùng thì cũng cung cấp được thông điệp, cũng đưa ra được cái khẩu hiệu chính là hiến máu cứu người, cũng như câu chuyện vòng vèo rối rắm cuối cùng cũng đưa được người xem về đến đích.

Cái thành công duy nhất là đưa ra được khẩu hiệu, còn tính chất và cách biểu đạt của nó thì bị lạm dụng. Nếu các nhà phê bình văn nghệ thì người ta có thể sẽ nói như thế này: cái trường đoạn này nó có hơi hướng của chủ nghĩa tự nhiên, đưa người xem lạc vào cái bối cảnh kia, đắm mình trong cái không gian bừng lên sự xúc cảm của cái hoạt động phòng the để biểu đạt mục đích cuối cùng.

Điều này với một bộ phận công chúng có tri thức, theo dõi diễn biến của câu chuyện, người ta phải gạt bỏ những phương tiện gây ảnh hưởng nhất thời thì không có vấn đề gì cả , nhưng rõ ràng nó không thích hợp với cả cộng đồng.

Phải biên tập lại!

Theo tiến sĩ Trịnh Hoà Bình, đối tượng chủ yếu tham gia phong trào hiến máu là giới trẻ, mà giới trẻ thì đôi khi chỉ cảm nhận được cái phần trên của clip tuyên truyền, nói chung khá là lợi bất cập hại. Bởi vì, một khi người xem đã “thỏa mãn” ở phần trước rồi thì rất ít người chú ý đến cái kết (đoạn kết) của clip.

Thêm vào đó, đoạn clip quá dài cho mục đích tuyên truyền rộng rãi. Một đoạn clip chỉ nên từ 2 đến 2,5 phút trở lại. Nếu nói về ý tưởng nó vẫn có thể sử dụng được, nhưng nhất thiết phải biên tập lại và cắt bỏ những âm thanh và hình ảnh nhạy cảm không cần thiết.

Mục đích thì rất tốt, hiến máu cứu người luôn mang ý nghĩa chung tay vì cộng đồng, hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng cách thể hiện thì khiến một bộ phận không nhỏ nghĩ rằng mình đang được xem một clip phòng the đúng nghĩa, những hình ảnh của clip rất gợi mở, hướng người xem đến những trường liên tưởng không lành mạnh. Chắc hẳn bố mẹ hay người lớn khi xem clip này sẽ không thực sự hài lòng dù cái kết của nó rất trong sáng.

"Có thể đây chỉ là clip tập diễn của các bạn trường Đại học Sân khấu điện ảnh, các bạn lấy ý tưởng từ một hoạt động xã hội để xây dựng nên. Vì thế chúng ta cũng không nên nói quá nhiều đến nó, còn nếu muốn sử dụng clip cho mục đích tuyên truyền thì nhất thiết phải biên tập lại và cắt gọt bớt những chi tiết không cần thiết" - ông Bình nói.

Theo VTC News

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG