Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Thủ lĩnh tình nguyện cần tâm và tầm

Các tình nguyện viên CLB tình nguyện Hope làm sân trường cho học sinh vùng cao. Ảnh: An Khoa.
Các tình nguyện viên CLB tình nguyện Hope làm sân trường cho học sinh vùng cao. Ảnh: An Khoa.
TP - T.Ư Đoàn xác định, trong 5 năm tới, chọn phong trào thanh niên tình nguyện là phong trào lớn, nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên. Theo các thủ lĩnh tình nguyện, để trở thành một phong trào lớn, cần phát triển tình nguyện tại chỗ, có tính bền vững, chuyên nghiệp và người thủ lĩnh cần cả tâm và tầm.

Phát triển tình nguyện tại chỗ

Sau 9 năm hoạt động, đến nay, CLB tình nguyện Hope có 8 cơ sở hoạt động trải dài khắp mọi miền Tổ quốc. Anh Trần Trung Khải, Chủ nhiệm CLB tình nguyện Hope Hà Nội cho biết, 3 cơ sở ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM mang tính chất cầu nối trong việc kết nối các nguồn kinh phí, nguồn tài trợ cho các hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, những nơi còn khó khăn. Khi có nguồn kinh phí, các CLB ở địa phương sẽ tiếp nhận và trực tiếp tổ chức các hoạt động, công trình tình nguyện tại chỗ. “Làm như vậy, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức di chuyển của các tình nguyện viên ở xa; vừa phát huy được sức mạnh, và thế mạnh của các tình nguyện viên tại chỗ, đạt hiệu quả cao hơn”, anh Khải chia sẻ.

Ngoài những chương trình theo đợt (mùa đông ấm, mùa hè xanh, tết…), CLB tổ chức những chương trình định kỳ cho một số đối tượng nhất định. 8 năm nay, cứ vào cuối tuần, các tình nguyện viên của Hope lại nấu cháo phát miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Hà Nội và T.Ư; dạy học miễn phí cho trẻ em làng chài Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Từ năm 2013 đến nay, CLB tổ chức hàng loạt các hoạt động tình nguyện tại xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình): Từ việc dạy học, làm đường đến khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí… “Nhờ tổ chức được những chương trình dài hơi như thế nên chúng tôi đã tạo được sự đổi thay nhất định cho những vùng đất khó và tạo sự gắn bó thân thiết với người dân nơi đây. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với người dân ở những vùng đất chúng tôi đến thực hiện thiện nguyện. Khi gặp vấn đề gì cần đoàn tình nguyện hỗ trợ, họ cũng gọi cho chúng tôi”, Chủ nhiệm CLB tình nguyện Hope chia sẻ.

Để chuyên nghiệp hóa hoạt động tình nguyện, hằng năm CLB tình nguyện Hope đăng tuyển tình nguyện viên, với các tiêu chí cụ thể và tổ chức đào tạo các kỹ năng. Với những chiến dịch tình nguyện dài ngày như: Mùa hè xanh, CLB dành 3 tháng để chuẩn bị, quyên góp, khảo sát địa bàn và cho các tình nguyện viên đạp xe rèn luyện sức khỏe. “Để đảm bảo an toàn cho các bạn khi đi tình nguyện xa, chúng tôi luôn siết chặt kỷ luật. Ai vi phạm lần đầu sẽ nhắc nhở, tái phạm lần nữa buộc phải rời khỏi chuyến hành trình. Nguyên tắc là mọi thành viên phải theo chỉ đạo của trưởng đoàn”, anh Khải cho biết.

Tâm và tầm

“Làm tình nguyện chỉ có tâm thôi chưa đủ, cần phải có tầm. Như vậy, các hoạt động tình nguyện mới thực sự đạt hiệu quả thiết thực, chuyên nghiệp và tạo được hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng”, anh Nguyễn Tiến Danh, Chủ tịch Hội Tình nguyện chung tay vì cộng đồng, nói. Để giải quyết vấn đề kinh phí, người làm tình nguyện cần có sự công khai, minh bạch, các chương trình đạt hiệu quả rõ ràng thì các mạnh thường quân sẽ tự tìm đến mình để được chia sẻ với cộng đồng.

“Mọi người hay nói làm tình nguyện thì nên trao cần câu hay con cá. Theo tôi, quan trọng nhất là hãy tạo sự phát triển bền vững. 17 năm làm tình nguyện, tôi tổ chức rất nhiều hoạt động mang tính dài hơi, đánh trúng vào nhu cầu của người nghèo, rất thiết thực. Mô hình phát cơm chay miễn phí người nghèo (tổ chức 10 năm nay) được các CLB, đội nhóm khác nhân rộng thành các mô hình: cơm 5.000 đồng, cơm 2.000 đồng. Hay chương trình học bổng “Em nuôi”, hỗ trợ học bổng cho các em từ lúc tiếp nhận đến khi học xong đại học, với điều kiện là các em duy trì hoặc đạt được kết quả học lực tốt hơn qua từng năm, chứ không được học kém đi”, anh Danh cho biết.

Theo anh Danh, để tình nguyện thực sự trở thành một phong trào lớn cần có sự thay đổi theo hướng thực chất, giảm bớt những hoạt động mang tính phong trào, “lướt sóng” và chú trọng chất lượng, đi vào chiều sâu. “Khi đã chọn đối tượng địa phương, đối tượng hỗ trợ, các đội, nhóm tình nguyện cần có sự đầu tư dài hơi để tạo sự thay đổi nhất định, chứ không chỉ đến trao quà rồi về không biết ngày mai họ sống ra sao”, anh Danh nhấn mạnh.

Hiện ở Việt Nam có khoảng 600 CLB, đội, nhóm tình nguyện nhưng chưa có sự kết nối với nhau chặt chẽ, nhiều khi tổ chức hoạt động còn dẫm chân nhau. Trong đó, một số CLB, đội, nhóm hoạt động yếu, được 1, 2 năm thì “đứt hơi”. Anh Danh đề xuất, để phong trào thanh niên tình nguyện thực sự trở thành một phong trào lớn trong 5 năm tới, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam cần tổ chức mô hình kết nối các CLB, đội, nhóm tình nguyện thành một khối hoạt động thống nhất.

“Người đứng đầu tổ chức tình nguyện phải là người xuất phát từ hoạt động tình nguyện, có tố chất, trải nghiệm thực tế của tình nguyện. Những người như thế mới có thể kết nối, hỗ trợ được cộng đồng tình nguyện. Còn nếu chọn người đứng đầu tổ chức tình nguyện theo cơ chế, không đúng chất tình nguyện sẽ rất khó đánh trúng và thúc đẩy được phong trào”, anh Danh nói.

“Làm tình nguyện chỉ có tâm thôi chưa đủ, cần phải có tầm. Như vậy, các hoạt động tình nguyện mới thực sự đạt hiệu quả thiết thực, chuyên nghiệp và tạo được hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng”,

            Anh Nguyễn Tiến Danh, Chủ tịch Hội Tình nguyện chung tay vì cộng đồng

Trong 5 năm (2012 – 2017), phong trào thanh niên tình nguyện thu hút sự tham gia của 16 triệu lượt ĐVTN. Năm 2014, được Chính phủ chọn làm Năm Thanh niên tình nguyện, phương thức tổ chức phong trào được đổi mới theo hướng triển khai các chương trình, chiến dịch, hoạt động trong các đối tượng thanh niên. Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè được triển khai với 1 chương trình (Tiếp sức mùa thi) và 4 chiến dịch (Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh).

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.