Tiếp sức bệnh nhân

Tình nguyện viên hướng dẫn lối đi, cách làm thủ tục cho người nhà bệnh nhân. Ảnh: Thanh Trần.
Tình nguyện viên hướng dẫn lối đi, cách làm thủ tục cho người nhà bệnh nhân. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Vào bệnh viện không thạo lối đi, lóng ngóng làm các thủ tục, xét nghiệm, bệnh nhân và người nhà đều được các  tình nguyện viên áo xanh hỗ trợ giải quyết nhanh gọn, đến nơi đến chốn. Những tình nguyện viên ấy là thành viên  Đội thanh niên xung kích tiếp sức người bệnh của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, thường xuyên có mặt tại những giờ cao điểm để giúp đỡ bệnh nhân.

Hỗ trợ khắp bệnh viện

Cuối tháng 10/2016, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng chính thức ra mắt Đội thanh niên xung kích tiếp sức người bệnh. Đội có 20 thành viên là ĐVTN trong bệnh viện, với nhiệm vụ tiếp sức cho người bệnh đang khám và điều trị tại đây, đặc biệt vào những giờ cao điểm .

Sáng đầu tuần, tiền sảnh bệnh viện tấp nập người tới khám chữa bệnh, chưa quá nửa buổi bảng tính số bệnh nhân đã nhảy lên gần 500 người. Đứng ngay điểm bấm số thứ tự, tình nguyện viên Hồ Thị Thu (Liên chuyên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt) liên tục phát số cho bệnh nhân rồi hướng dẫn họ qua hàng ghế chờ ở khu vực khám bệnh. Thu cho hay, từ 8g trở đi, Thu không thể rời vị trí này vì người bệnh đổ về liên tục, nhiều người vì quá nôn nóng không chịu xếp hàng gây tình trạng lộn xộn nên cô phải bấm thay.

Cách chỗ Thu đứng vài bước chân, lối đi dẫn từ sảnh vào các phòng khoa cũng có nhiều tình nguyện viên khoác áo xanh đứng trực sẵn để hướng dẫn lối đi, giải thích các thủ tục khi có người thắc mắc. Vừa thấy chị Nguyễn Khánh Hà (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ôm đứa con nhỏ cùng một xấp giấy tờ trên tay đang lóng ngóng từ xa, tình nguyện viên Phan Thị Kiều Trinh chạy tới hỏi ngay có cần được hỗ trợ gì không. Hai mẹ con chị Hà vừa đi, Trinh tiếp tục chỉ đường tới các khoa, phòng cho những người khác. Trinh nói: “Những nơi đông người qua lại Đội đều bố trí tình nguyện viên, thay vì phải tìm bàn hướng dẫn thì người bệnh và thân nhân có thể nhờ hỗ trợ ở khắp nơi trong bệnh viện”.

Tại khoa Nhi, một trong những khoa đông nhất bệnh viện, những thanh niên khoác áo xanh đứng ngay bên bàn tiếp nhận đón những ca vừa vào để  chỉ  họ tới những phòng tiếp theo. Mỗi buổi sáng hướng dẫn cho hàng trăm lượt. Một số trường hợp trẻ bị sốt cao, tình nguyện viên phải bế giúp người nhà hoặc thay họ đi làm các thủ tục. Trước đây, khi chưa có thanh niên tới hỗ trợ, các ông bố bà mẹ tới đây rất vất vả vì phải bế con, lỉnh kỉnh đồ đạc đi khắp các khu vực khám chữa, làm xét nghiệm. Bà Trần Thị Thu Sáu (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nói: “Tui không rành khoản làm giấy tờ khi vô viện nên cứ ôm cháu ngồi chờ cả buổi vì mẹ cháu chưa tới kịp. May mấy cô tình nguyện  đi xin số, lấy phiếu, dẫn tui tới tận các phòng khám nữa nên giờ xong xuôi cả rồi. Tui thấy họ rất nhiệt tình, giúp đỡ như ri là quá tốt rồi”.

Tiếp sức thần tốc, tới cùng

Không chỉ giải quyết các vướng mắc, khó khăn ban đầu của bệnh nhân và  người nhà khi tới viện, Đội còn đặt ra tiêu chí phải hỗ trợ hết sức, kịp thời trong những tình huống cấp bách. Tình nguyện viên Phạm Ngọc Minh Trang còn nhớ như in lần một sản phụ vừa tới sảnh thì vỡ ối không đi được, người nhà hoảng loạn chỉ biết đứng kêu la. Ngay lập tức, Trang cùng các tình nguyện viên khác tức tốc chạy đi lấy xe lăn, bế sản phụ lên xe đẩy đi. Trang nói: “Những trường hợp đó mình phải thật nhạy mắt, nhanh tay, ứng phó lập tức chứ không thể đứng chỉ dẫn người nhà. Mình biết đưa họ tới đâu cần thiết và thông thạo lối đi trong bệnh viện sẽ kịp thời hơn”. Trang còn kể thêm Đội đã từng hỗ trợ rất nhiều ca băng huyết, sẩy thai, hoặc chuyển dạ khi sinh đôi rất nguy hiểm.

Những tình nguyện viên nam trong Đội là những người thường theo sát bệnh nhân cho tới lúc xuất viện. Họ đảm nhiệm việc bưng bê đồ đạc, áo quần, đẩy xe lăn, gọi taxi và đưa người bệnh lên xe an toàn. Nhất là với những sản phụ sau sinh, việc hỗ trợ được bắt đầu từ giường  bệnh cho tới khi  lên xe, và không quên dặn dò thêm cách chăm sóc bé sơ sinh. Họ tâm niệm đã tiếp sức, thì phải tiếp sức tới cùng để người bệnh hoàn toàn yên tâm, hài lòng.

Hỗ trợ hàng triệu lượt người, Đội tiếp sức cũng gặp vô số tình huống dở khóc dở cười, nhất là những người bệnh từ vùng sâu, vùng xa tới, cứ vào viện là đòi bằng được chuyển vào cấp cứu dù chỉ sốt nhẹ hoặc mệt mỏi. Một số trường hợp khi yêu cầu lấy nước tiểu, phân thì bồng con “đi” ngay trước khu xét nghiệm. Thành thử, Đội vừa cắm chốt tiếp sức, vừa phải “canh me” để ngăn kịp thời. “Làm công việc tiếp sức này tụi em không chỉ nhanh mà còn mềm dẻo, từ tốn giải thích cho mọi người hiểu. Cũng chính vì vậy nên giờ bệnh nhân coi Đội như những người bạn, họ hỏi han rất tự nhiên, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, vướng mắc. Không khí trong bệnh viện gần gũi, dễ chịu hơn rất nhiều”, Trang nói.

Bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, cho hay, bệnh viện đã quá tải từ nhiều năm nay, do đó vấn đề tiếp nhận, giải quyết thủ tục cũng như hướng dẫn dù đã rất cố gắng song cũng không thể nào đáp ứng tối đa nhu cầu của người bệnh và người nhà. Từ khi có Đội thanh niên xung kích tiếp sức người bệnh, việc hỗ trợ bệnh nhân và người nhà thực hiện tích cực, kịp thời, thiết thực hơn. Các phòng, khoa bớt áp lực khi số lượng bệnh nhân đổ về đông, do đó làm việc hiệu quả hơn. Đây cũng là việc làm thay đổi thái độ, cung cách phục vụ của nhân viên, cán bộ y tế, giúp người bệnh an tâm, thoải mái khi đến điều trị. 

MỚI - NÓNG