Tìm sóng trên nóc nhà Đông Dương

Tìm sóng trên nóc nhà Đông Dương
TPCN - Chúng tôi không phải là những người đầu tiên và chắc chắn chưa phải là những người cuối cùng chinh phục đỉnh Phanxipăng.
Tìm sóng trên nóc nhà Đông Dương ảnh 1
Trên nóc nhà Đông Dương

Nhưng ngoài thỏa mãn đam mê tuổi trẻ, là những chiến sĩ, chúng tôi còn có một nhiệm vụ: Khảo sát sóng trên nóc nhà Đông Dương.

Sau một đêm thức trắng trên tàu và một ngày làm việc cật lực tại Lào Cai, cả đoàn khảo sát và nhóm phóng viên đi cùng đều đã thấm mệt. Nhưng cứ nhắc đến chuyện ngày mai sẽ lên đường chinh phục đỉnh Phanxipăng, bao nhiêu mệt nhọc liền tan biến.

Đúng 8 giờ 30’ ngày 23/9, cả đoàn tập trung trước tiền sảnh khách sạn Hoàng Mai để nhận túi ngủ. ái chà, cái túi ngủ chỉ nặng khoảng 1 kg nhưng cũng cồng kềnh ra phết!

Theo lệnh của trưởng đoàn, chị em được ưu tiên chọn trước những chiếc túi nhỏ hơn. Chính sự ưu tiên này mà các bạn nữ sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ trên núi cao.

9 giờ chúng tôi rời khách sạn, lên ô tô, có hai chiếc xe U-oát chở đầy hàng hóa, thiết bị tháp tùng và 11 người khuân vác là người Mông.

10 giờ bắt đầu thượng sơn. Thời tiết thật đẹp. Nắng vừa đủ để không lạnh và gió vừa đủ để không nóng quá. Rừng già hiện ra ngay trước mắt. Thoạt đầu sức còn khỏe nên mọi người hăng hái leo cùng nhau, vừa đi vừa cười đùa vui vẻ.

Nhưng đến khi gặp dòng suối đầu tiên trong đoàn bắt đầu chia thành từng tốp nhỏ, chiều dài của đoàn kéo đến cả cây số, trông như một con rắn dài đang uể oải trườn lên núi. Nhóm khảo sát, do phải quay phim và ghi lại số liệu nên tụt lại sau cùng.

Đã có lúc chúng tôi cảm thấy mình bị rừng cây vây chặt. Trong khi những vị “khách miền xuôi” là chúng tôi thở ra cả đằng tai thì những người Mông vẫn lầm lũi gùi hàng. Họ còn cười và động viên chúng tôi: “Cố lên! Sắp tới chỗ nghỉ chân rồi vớ!”.

Nơi nghỉ chân thực ra là một cái quán bé xíu, chỉ bằng cái lều vịt ở dưới xuôi. Bốn xung quanh được che bằng bao tải dứa, vài chỗ được cắt ra mấy cái lỗ để người ngồi bên trong có thể nhòm ra ngoài.

Trong lều có duy nhất một cái chõng nhỏ, bên trên xếp một tấm chăn chắc đã lâu không giặt, bốc mùi ẩm mốc ngai ngái. Chính giữa lều là bếp lửa, trên đó gác mấy thẻo mỡ và bì lợn hun khói đen sì.

Do lều quá nhỏ nên cả đoàn quyết định ngồi nghỉ bên ngoài phơi nắng. Hướng dẫn viên thông báo: Mới đi được một phần tư đường. Thời gian nghỉ và ăn trưa chỉ có nửa tiếng. Nếu chậm chân đoàn sẽ không kịp đến chỗ nghỉ tối và sẽ phải xuyên rừng trong đêm.

Dù tất cả đều thấm mệt nhưng chưa bao giờ chúng tôi được ăn một bữa ngon thế giữa mênh mông rừng núi. Khẩu phần mỗi người là 2 chiếc bánh mì, 2 quả chuối và 1 miếng dưa đã được giải quyết hết veo.

Thấy trong bếp có nồi, chúng tôi gạ cậu bé chủ quán khoảng 16 tuổi cho nấu nhờ. Cậu bé hóa ra là một người không vừa. Sau một hồi đàm phán, cậu bé đồng ý cho chúng tôi mượn chỗ nấu và lấy “tiền công” 3.000 đ/gói mỳ. Thôi thì, tiền chính là để dùng vào những lúc thế này đây!

Gần hai giờ chiều, cả đoàn mới uể oải lên đường. Nắng gắt hơn nên càng nhanh mệt. Nhiều người cởi bỏ áo ngoài, mồ hôi đầm đìa, thân thể như bốc khói. Càng về chiều đường càng khó đi. Dốc dựng đứng.

Có lúc, cả đoàn phải bám vào những cây nứa ven đường để leo. Độ dốc có lẽ đến hơn 60o, kéo dài hàng trăm mét. Lên mãi rồi, đến lúc phải xuống. Có những đoạn dốc quá, phải ngồi bệt xuống mà trượt. Một người trong đoàn bảo: “Thôi, đặt tên chỗ này là dốc “lê trôn” nhé!” khiến tất cả phì cười.

Từ độ cao 2.500m trở lên chỉ thấy còn có sóng của mạng Viettel. Các thành viên của đoàn thi nhau lấy điện thoại ra gọi cho người thân, nói dăm ba câu thông báo vô nghĩa, trong lòng không khỏi cảm thấy có chút gì diệu vợi.

Tìm sóng trên nóc nhà Đông Dương ảnh 2
Nhận điện thoại từ đỉnh Phanxipăng

Trạm nghỉ đêm ở độ cao 2.900m. Đây là bãi đất trống được tạo ra bằng cách chặt bớt một khoảnh trong rừng nứa. Nó được chọn làm chỗ nghỉ vì một lý do duy nhất: Chỉ ở đây mới có nước để nấu ăn. Một đống lửa được đốt lên.

Bạt nilon giải ra, xung quanh cắm khoảng hơn chục cây nứa, trên mỗi ngọn nứa buộc nến hoặc đèn pin. Nếu gạt sự mệt mỏi sang bên, có lẽ bữa ăn trong ánh nến và dưới ánh trăng đủ lãng mạn để ai đó làm thơ và… tỏ tình.

Đêm về khuya, nhiệt độ giảm xuống rất nhanh. Mới lúc chiều còn mặc áo cộc tay leo núi mà bây giờ lèn cả áo đơn áo kép rồi mà cái lạnh vẫn xuyên qua da thịt. Đống lửa đốt thật to bên ngoài rồi cũng đến lúc tàn.

Cuộn chặt người trong túi ngủ mà vẫn không hết rét. Các bạn nữ ban sáng chọn túi ngủ nhỏ, nay không đủ ấm, ngọ nguậy suốt đêm. Nhớ nhà, nhớ chăn ấm nệm êm, chỉ mong sao cho trời mau sáng!

Mới 6 giờ sáng hôm sau những người Mông tốt bụng đã chuẩn xong bữa điểm tâm cho chúng tôi. Không biết đêm qua họ đã ngủ thế nào mà có thể dậy sớm được như thế. Thực đơn khá phong phú: Bánh mỳ, trứng, thịt hộp và mì ăn liền. Hướng dẫn viên dặn chúng tôi phải ăn thật no vì bữa trưa dự kiến sẽ rất muộn.

Chặng cuối cùng đường cực kỳ khó đi. Lên dốc cao hơn và xuống dốc cũng sâu hơn. Leo lên, trượt xuống, lại leo lên, lại trượt xuống. Sau hơn một giờ, ngoảnh đầu nhìn xuống thấy trạm nghỉ đã xa tít mù khơi.

Nắng như đè lên vai, níu lấy chân. Không khí trở nên loãng nên thở càng thêm gấp gáp. Nhưng đèo cao thì mặc đèo cao, trong đầu mỗi người lúc này chỉ còn đỉnh cao phía trước.

Đến rồi! Tiếng reo vỡ òa. Tiếng còi, tiếng hò hét, tiếng hú nổi lên. Mọi cố gắng, nỗ lực cuối cùng cũng được đền đáp. Đất nước ta đẹp quá, dài rộng quá.

Giây phút hồi hộp nhất đã đến. Trưởng đoàn rút máy điện thoại ra và bấm. Vẫn còn sóng của Viettel ! Niềm vui như được nhân lên gấp đôi, chảy rần rật trong huyết quản của những người trong đoàn khảo sát.

Tất cả đều lấy máy điện thoại mang theo thi nhau gọi. Sóng khỏe, sóng tốt, kết nối ổn định, không nghẽn, không ù. Sóng viễn thông của quân đội ta đã chinh phục đỉnh Phanxipăng!

***

Chuyến đi để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm. Trước khi lên đường, các thành viên trong đoàn chỉ là những đồng nghiệp. Còn bây giờ sau khi đã vượt qua thử thách chúng tôi trở thành những người bạn thân thiết, bởi vì trong ký ức của mỗi người có chung một từ “Phanxipăng”.

Ai đó nói rằng, leo lên đỉnh Phanxipăng để tận mắt thấy đất nước mình hùng vĩ. Với riêng tôi, chinh phục đỉnh cao Phanxipăng còn là chinh phục chính bản thân mình.

Hà Nội, 9/2006

Ghi chép của Nguyễn Sơn Hồng

MỚI - NÓNG