Tình nguyện 'gõ đầu trẻ' ở Trường Sa

Tình nguyện 'gõ đầu trẻ' ở Trường Sa
TP - Họ là những thanh niên bỏ lại phía sau cuộc sống an nhàn, tình nguyện ra Trường Sa dạy học cho trẻ.
Tình nguyện 'gõ đầu trẻ' ở Trường Sa ảnh 1
Thầy Giáp giảng bài

Gương mặt thầy Cao Văn Giáp, ở xã Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa) sạm đen vì nắng gió và trông già hơn tuổi 27.

Sinh ra tại Nha Trang, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Đà Lạt, Giáp tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện đến trại cai nghiện ở Đắc Lắc. Rời công tác tại trại, Giáp tiếp tục tình nguyện công tác tại vùng núi Sơn Tân (Cam Lâm, Khánh Hòa), ăn ngủ trong bản làng, mang sách vở, tri thức đến với hàng trăm người dân trong suốt 2 năm.

Năm 2008, Giáp tham gia chương trình thanh niên tình nguyện vì biển đảo của tỉnh Khánh Hòa. “Biết chắc gia đình sẽ có nhiều tâm tư nên 2 ngày trước khi lên đường tôi mới cho mọi người biết. Mẹ khóc cả ngày, bạn gái nói tôi phải lựa chọn… Tôi đã quyết. Sau 3 ngày vật vã vì say sóng, tôi đặt chân đến đảo, Giáp chia sẻ.

Không chỉ Giáp mà nhiều thầy cô giáo trẻ tình nguyện gõ đầu trẻ cũng ra các đảo ở Trường Sa để thỏa nguyện ước vọng của mình.

Tình nguyện 'gõ đầu trẻ' ở Trường Sa ảnh 2
Học sinh ở Trường Sa

Mai Thành Tiến, quê Diên Khánh (Khánh Hòa) lên đường tình nguyện gõ đầu trẻ ở Trường Sa dù mới hưởng hạnh phúc lứa đôi với người vợ trẻ vỏn vẹn 2 tháng.

Cô Bùi Thị Nhung giấu gia đình, nộp đơn xin ra đảo. Hồ Bảo Ân, 27 tuổi, sau 3 năm đi tình nguyện tại miền núi Khánh Vĩnh lại tiếp tục tạm biệt gia đình ra Trường Sa.

“Lương giáo viên thấp, cuộc sống còn thiếu thốn, nhưng tình người giữ chúng tôi ở lại trên đảo. Còn nhớ có lần chị Võ Thị Bích Liên, cư dân đảo, phải mổ ruột thừa, cả đảo bỏ cơm trưa, đứng chờ ngoài phòng mổ. Tình cảm đó khiến ai cũng cảm động và quên gian khổ”, thầy giáo Thạch Kim Hoa tại đảo Sinh Tồn nói.

Đảo trưởng đảo Sinh Tồn khẳng định, nếu không có các thầy cô giáo trẻ, sự học của các em trên đảo khó mà thực hiện được. Nói rồi, vị đảo trưởng này đưa những tấm hình của học sinh Trần Phan Như Ý và Lê Thị Tường Quyên, học lớp 5 tại Cam Ranh, Khánh Hòa, khoe: “Thành quả của thầy cô đây. Em nào vào đất liền học chuyển tiếp cũng giỏi, ngoan. Gọi điện là đòi gặp thầy cô”.

Ước mơ được một lần ra đảo

Đêm 7-5, tại Bình Dương, T.Ư Đoàn phối hợp Quân chủng Hải quân tổ chức chương trình giao lưu, hướng về biển đảo nhân kỷ niệm truyền thống 55 năm Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. 

Tham dự giao lưu có 80 thanh niên tiêu biểu vừa trở về từ hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, 50 chiến sĩ hải quân và bạn trẻ địa phương.

Cô giáo Lê Thị Kiều Oanh (Châu Thành, Hậu Giang), người đã đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi tìm hiểu Biển, đảo quê hương và truyền thống 55 năm Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng tâm sự: “Tôi mong ước một ngày nào đó sẽ được ra đảo để tận mắt chứng kiến vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc và những chiến sĩ hải quân đầu sóng ngọn gió”.

Nhân dịp này, tỉnh Bình Dương, địa phương không có biển, cũng gửi tặng Quân chủng Hải quân một chiếc xuồng Trường Sa ký hiệu CQ-01 trị giá hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ cho việc tuần tra, canh gác biển đảo. 

MỚI - NÓNG