Tình nguyện ở vùng biên giới

Chiến sĩ tại mặt trận xã Đức Hạnh gõ cửa từng nhà dân để đưa trẻ đến lớp ôn tập hè - Ảnh: Phước Tuần
Chiến sĩ tại mặt trận xã Đức Hạnh gõ cửa từng nhà dân để đưa trẻ đến lớp ôn tập hè - Ảnh: Phước Tuần
650 chiến sĩ Mùa hè xanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã có mặt tại 14 xã vùng xa biên giới huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước để giúp dân làm đường, xây nhà, dạy học, phổ cập tin học...

Chiến dịch năm nay, ĐH Kinh tế mang theo 24 máy vi tính với đội hình chuyên tin học gồm 22 chiến sĩ đóng quân tại hai xã Long Bình và Phú Nghĩa. Các chiến sĩ Mùa hè xanh sẽ mở các lớp tin học văn phòng cho thiếu nhi, thanh niên và cán bộ tại địa phương. Toàn bộ máy tính sẽ được tặng lại địa phương sau khi kết thúc chiến dịch.

Đem lại cuộc sống mới

Nhiều thanh niên đồng bào dân tộc S’Tiêng quanh năm chỉ biết nương rẫy đã mạnh dạn đến học. Điểu Lý - thôn Đăk - son 1, xã Phú Nghĩa - bẽn lẽn: “Lâu nay chỉ nghe vi tính chứ chưa dùng bao giờ”.

Những thanh niên đã đi làm, cán bộ ủy ban xã cũng đến lớp học. Vì thế 10 chiến sĩ phải thay phiên hướng dẫn mọi người từ sáng đến tối. Chiến sĩ Đỗ Ngọc Minh Hiền bộc bạch: “Mọi người ở đây rất nhiệt tình đến lớp, nhiều hôm do đông quá nên phải dạy từ sáng đến tối. Cũng hơi vất vả nhưng chiến sĩ ai cũng cảm thấy vui và hạnh phúc”.

64 lớp ôn tập hè cũng được khai giảng ngay sau khi chiến sĩ đặt chân đến các thôn, bản làng biên giới. Bạn Nguyễn Phước Bảo Ngọc An, chiến sĩ thôn Bu - kroi, chia sẻ: “Dạy cho các em con chữ là đem lại cuộc sống mới cho đồng nào nơi đây”.

Dịp này, 14 tủ sách tình bạn gồm nhiều sách thiếu nhi, sách giáo khoa, truyện tranh... được các chiến sĩ dành tặng địa phương, giúp học sinh có thêm một thư viện tri thức.

Trải nghiệm cùng người dân

Do địa bàn vùng sâu, người dân sống không tập trung nên việc các chiến sĩ lội bộ vài kilômet đường núi để đi dạy, lấy nước hay đi làm cỏ mì (sắn) trên rẫy cho người dân là chuyện thường. Tại mặt trận xã biên giới Đăk - ơ, các chiến sĩ thôn 3 đã có một buổi chiều đi bộ hơn một giờ mới tới rẫy làm cỏ mì. “Khi gần về trời đổ mưa to, ba chiến sĩ phải che trong một chiếc áo mưa đi về. Do đường đất đỏ, mưa to trơn trượt nên cả đội phải mất hai giờ mới về tới nhà, khi ấy trời đã sẩm tối”.

Sau một tuần đến với bà con, các chiến sĩ đã dần quen với cuộc sống thiếu nước, thiếu điện và điều kiện sống khó khăn của đồng bào biên giới. Nhưng chính nhờ đó nhiều bạn giờ đây biết nấu cơm bằng củi, đi bộ cả mấy giờ đồng hồ, biết cầm cuốc, cầm rựa... “Đội gồm 10 chiến sĩ cùng sống, làm việc đã giúp bản thân mình trưởng thành hơn khi rèn thêm những kỹ năng làm việc nhóm, tính kỷ luật về thời gian, kỹ năng tổ chức trò chơi cho thiếu nhi... và khả năng đối mặt trước những khó khăn”- Đặng Thị Thanh Thủy, đội trưởng thôn Đăk - son 1, cho biết.

Từ chính những điều kiện sống khắc nghiệt đã giúp các chiến sĩ tự trang bị cho bản thân những bài học quý báu, gắn kết tình yêu thương với đồng bào.Nhìn nụ cười của các em thiếu nhi, một căn nhà mới được cất lên, một con đường sạch đẹp... là niềm hạnh phúc vô bờ của những màu áo xanh trên vùng xa biên giới.

Theo PHƯỚC TUẦN
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG