Tình nguyện viên APEC: Làm để học

Tình nguyện viên APEC: Làm để học
TP - Hầu hết các tình nguyện viên phục vụ Hội nghị APEC (từ 22/5-2/6) tại TPHCM đều là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Và tất cả 150 bạn trẻ ấy đều có chung một mục tiêu là làm để học hỏi.
Tình nguyện viên APEC: Làm để học ảnh 1
Các tình nguyện viên “bò” ra sàn nhà để chuẩn bị tài liệu phục vụ Hội nghị

Lê Hoàng Việt- sinh viên năm thứ 2 Trường Quản lý nhà hàng khách sạn Thụy Sỹ đang trong đợt thực tập tại Việt Nam. Gặp dịp Hội nghị APEC, Việt đăng ký làm tình nguyện viên và đã trúng tuyển. Việt được phân công nhiệm vụ hỗ trợ các nhà báo tại Trung tâm Báo chí.

Việt bộc bạch: “Tôi tham gia vào công việc tình nguyện với mong muốn được học hỏi kinh nghiệm làm việc theo nhóm, trong công tác tổ chức một sự kiện, đồng thời muốn biết Việt Nam tổ chức một sự kiện lớn như thế nào? Ngoài ra còn muốn được tiếp xúc, học hỏi các đại biểu lớn của quốc tế, và để có thêm nhiều quan hệ mới…”.

Sau mấy ngày tập huấn cũng như ngày đầu tiên phục vụ Hội nghị, Việt đã tiếp thu được khá nhiều về cách thức tổ chức một sự kiện, cách phối hợp giữa các bộ phận, nhóm công tác… “Đây là lần đầu tiên tham gia làm tình nguyện viên và cũng là kỳ thực tập thật thú vị”- Việt nói.

Không riêng Việt, các tình nguyện viên khác cũng đều nhận ra đây là “kỳ thực tập” rất thú vị và bổ ích, không phải ai cũng may mắn có được. Vì vậy, ai nấy đều hết sức nỗ lực ngay từ “đầu vào”.

Trương Minh Cát Nhã - Sinh viên năm 3 Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM không giấu được niềm vui: “Việc tham gia phục vụ một sự kiện lớn như thế này là điều rất bổ ích với một sinh viên chuyên ngành Quan hệ quốc tế như tụi em”.

Ngoài những bài học về làm việc theo nhóm, tổ chức sự kiện, Cát Nhã còn học được những cách giao tiếp, ứng xử và cả cách cười. Lê Hoàng Việt cũng thú nhận: “Mình thật sự chưa biết cách cười. Đó là nhược điểm mà từ giờ trở đi mình phải khắc phục và cười nhiều hơn với mọi người”.

Điều quan trọng hơn đối với các tình nguyện viên là học được tinh thần sẵn sàng phục vụ, đáp ứng yêu cầu của người khác và cả cách xử lý những tình huống bất ngờ. Chính vì sự lý thú mà Cát Nhã cùng các bạn lấy làm tiếc bởi “thời gian Hội nghị ngắn quá!”.

Anh Bạch Công Chiến-Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao, thành viên Ban tổ chức nhận xét: “Vì muốn được học hỏi nên ai cũng tận tình với công việc. Những tình nguyện viên này rất thông minh, nhanh nhẹn nên hoàn thành rất tốt các công việc được giao.

Vượt thách thức

Tuy nhiên, công việc của các tình nguyện viên hết sức vất vả. Nguyễn Đăng Khoa- sinh viên năm 3 Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM kể, nhóm của em gồm 18 người đã phải làm cật lực từ chiều tối hôm 21 đến 3 giờ sáng ngày 22/5 để chuẩn bị tài liệu phục vụ các đại biểu ngay trong ngày đầu khai mạc Hội nghị.

Sáng 22/5, 7 giờ 30 đã phải có mặt để tiếp tục khâu chuẩn bị tài liệu. Để cho kịp tiến độ, 4-5 máy photocopy cùng hoạt động hết tốc lực. Các bạn trai của nhóm thay phiên nhau đứng máy, số còn lại “bò” ra sàn nhà để phân loại, sắp xếp thành từng bộ, sau đó phân phát cho các đại biểu.

Hàng chục hội nghị, diễn đàn diễn ra cùng lúc, ở mấy địa điểm khác nhau nên việc chuyển tài liệu và phân phát không hề đơn giản. Bữa cơm của họ thường vội vàng trong lúc nghỉ tay, ngay tại nơi làm việc.

Ngoài công việc, những sinh viên tình nguyện còn phải đứng trước thách thức của mùa thi cuối năm. Khoa bảo: “Vừa xong Hội nghị là đến lúc thi học kỳ, một lượt thi 5-6 môn nhưng không có thời gian học bài”.

Để hoàn thành tốt công việc tình nguyện, Việt cũng phải xin kéo dài thời gian thực tập… và phải đến giữa tháng 7/2006 mới trở lại Thụy Sỹ để tiếp tục chương trình học. Nhưng tất cả những thách thức đó không làm các bạn tình nguyện viên lo lắng. Ai cũng đã cố gắng để làm tốt công việc của mình.

MỚI - NÓNG