Tình "quốc tế"

Tình "quốc tế"
Nhiều sinh viên người nước ngoài đã tìm được một nửa của mình khi du học tại Việt Nam...

Mãn Ý, cô gái Trung Hoa sang Việt Nam học tiếng Việt, tình cờ gặp Từ Vạn Lý (SV khoa Ngữ văn Trung Quốc trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và "bén duyên" lúc nào chẳng hay.

Mãn Ý ở nội trú tại KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, thỉnh thoảng Vạn Lý sang chơi và "kết" luôn Mãn Ý sau những cuộc chuyện trò.

Nhờ thành thạo tiếng Hoa nên Vạn Lý không mất quá nhiều thời gian để "cưa" đổ nàng. Mỗi sáng, Vạn Lý luôn đến sớm đợi Mãn Ý trước cổng trường để cùng nhau ôn bài và tâm sự. Nhờ thế, trình độ ngoại ngữ của cả hai lớn dần lên theo tình cảm.

"Hóa ra, tình yêu hoàn toàn có thể trở thành vị "gia sư" hiệu quả cho cả hai cùng tiến bộ đấy chứ" - Vạn Lý cười nói.

Tết vừa rồi, vì Mãn Ý không về nhà được nên Lý đã cùng cô du lịch "bụi" xuyên miền Trung cho đỡ nhớ nhà. Nhờ thế mà tình cảm của bộ đôi ngày càng thắm thiết hơn.

Mới đây, Vạn Lý còn đưa người yêu đi chơi ở một khu du lịch tại Đồng Nai để chính thức ra mắt và giao lưu với bạn bè Việt Nam của mình.

"Hôm đó mình bị bắt buộc chỉ nói tiếng Việt chứ không dùng tiếng Hoa, các bạn Việt Nam cũng hòa đồng lắm, nhờ thế mà mình quen thêm nhiều bạn cũng như học hỏi được khá nhiều từ mới" - Mãn Ý nói.

Sắp tới, Vạn Lý dự định sẽ sang Trung Quốc để du học, vừa là để duy trì mối quan hệ của mình với Mãn Ý.

Đó là chuyện tình của những người am hiểu ngôn ngữ của nhau, còn đối với những đôi tình nhân "quốc tế" đến với nhau chỉ bằng ánh mắt và ngôn ngữ... tay chân thì đa số đều rơi vào tình cảnh "niềm vui ngắn chẳng tày gang".

Từ "cô, trò" sang "Ô-pa"

"Tình quốc tế có hai dạng, một là đi long nhong trong trường và tự nhiên nhìn thấy nhau và đeo mộng về nhà lúc nào chẳng hay, thứ hai là làm gia sư cho nhau rồi kết luôn" - Đ.T.N, SV khoa Đông phương học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết.

Theo lời kể của T.N, có cô SV Việt Nam nọ dạy tiếng Việt cho một SV nam là người Hàn Quốc, sau một thời gian xưng hô "cô, trò" thì dần dần chuyển sang "Ô-pa" (Oppa: cách gọi thân mật của người con gái đối với người yêu trong tiếng Hàn).

Cũng bắt đầu từ đó, lương đi dạy cũng được chuyển hóa thành "tình phí" cho cả hai. Nhưng chỉ được một thời gian, anh chàng phải quay về Hàn Quốc, còn cô SV Việt Nam phải ở lại gặm nhấm nỗi nhớ "Ô-pa".

Ban đầu thư từ qua lại giữa hai bên vô cùng dày đặc, song thưa dần theo thời gian và rồi "im thin thít, lặn mất tăm".

"Nếu SV khác quốc gia đến với nhau để cùng tiến bộ, cùng tìm hiểu văn hóa và cái đẹp của nhau thì quá tốt, đằng này đã có một trường hợp để cho mối quan hệ đi quá giới hạn bằng cách dọn về sống chung với nhau" - M.H, SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn kể.

Theo M.H thì nữ SV nói trên đã phải đi phá thai và cả hai lại đang tiếp tục "góp gạo thổi cơm chung" với nhau.

Cũng theo lời của M.H thì do trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có khá nhiều SV nước ngoài theo học nên cũng có trường hợp các nữ SV trường khác kéo sang để chủ động làm quen với nam SV nước ngoài.

"Một số ít bạn nữ này vừa muốn học ngoại ngữ vừa muốn tìm cơ hội để cặp kè, không biết các bạn ấy ứng xử thế nào mà để ngành tụi mình mang tiếng là lợi dụng SV nước ngoài. Thế mới nói, tình "quốc tế" nhạy cảm cực kỳ, hành xử đúng mực giữa các bên thì sẽ có được tình yêu đẹp và ngược lại" - M.H nói

Theo Trí Quang
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.