Tình Việt không biên giới

Tình Việt không biên giới
Luôn sẵn lòng bỏ tiền túi để giúp đỡ những người Việt mình, hơn 500 thành viên của GFO cho thấy một dòng yêu thương của chính những người trẻ xa quê với một lồng ngực căng phồng nhiệt huyết.
Tình Việt không biên giới ảnh 1
Các tình nguyện viên của GFO (áo sẫm) cùng đối tác thực hiện dự án xây dựng thư viện cộng đồng cho các em HS ở Trường mồ côi Long Hoa (Q.7, TP.HCM) ngày 8-6-2007. Ảnh: Vi Thảo - Tuổi Trẻ.

GFO (Gentle Fund Organization) là Hội từ thiện người Việt hoạt động tại Singapore.

“Vậy là bé Hưng đã sắp vượt qua chặng đường nguy hiểm nhất. Hôm 25/9/2006 vừa rồi, Hưng đã được gỡ đường truyền thuốc vào cơ thể, xóa bỏ cái duy nhất còn lại gợi đến bệnh tình của bé.

Có thể nói hôm nay bé Hưng đã là một người như bao chúng ta, không còn bị hoành hành bởi căn bệnh máu trắng quái ác kia. Tuy nhiên, trước mặt bé vẫn còn chặng đường năm năm theo dõi trước khi các bác sĩ có thể đưa ra kết luận cuối cùng...”.

Những dòng nhật ký của các thành viên GFO viết về cậu bé Vũ Thái Hưng, 3 tuổi rưỡi, chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu tủy cấp (thể M3).

Mở rộng vòng tay

Ngày 9/5/2005, ngày bé Hưng bắt đầu cuộc chiến chống lại căn bệnh hiểm nghèo cũng là ngày những người bạn trẻ ở đảo quốc sư tử đến với em.

Tìm một căn nhà trọ thay chiếc cabin dành cho bệnh nhân ở nước ngoài của Bệnh viện ĐH Quốc gia Singapore (NUS) mà Hưng luôn gọi là “nhà buồn nôn”; rồi thì mua bịch gạo, bịch muối, hỗ trợ trao đổi với bác sĩ kiêm luôn dạy bé Hưng tập đếm… đằng đẵng gần một năm qua, mỗi lần Hưng có mặt ở bệnh viện là các tình nguyện viên của GFO có bên cạnh.

Thậm chí Nguyễn Thị Phương Mai còn như người chị, lúc dịu dàng an ủi cậu nhóc, lúc là “bà chị khó tính” để bắt bé uống thuốc…

Anh Trần Tuyên, bé Lâm Yến Huệ, bé Phạm Quốc Huy, bé Trần Ngô Vũ Khôi, bé Vũ Khánh Ngọc, bác Ngô Thị Nhung… mỗi một số phận đi tìm cho mình một hy vọng sống mong manh là mỗi một mảnh đời mà các tình nguyện viên của GFO dang tay làm cầu nối để san sẻ tình Việt.

Bốn tháng, năm, sáu tháng, thậm chí có khi gần cả năm, mỗi ngày các bạn như người thân, đau thương khi từng người đối mặt với những giai đoạn khắc nghiệt của đợt điều trị, khi thì niềm vui vỡ òa cùng những dấu hiệu điều trị tốt, những chuyển biến khả quan, khi phải tạm biệt bệnh nhân để về nhà nghỉ ngơi...

Ngày ngày, từng dòng nhật ký tình nguyện vẫn đơm đầy từng số phận với nhiều tháng ròng chống chọi với tử thần.

“Tìm đến để ở lại cùng”

Hơn 34 năm sống xa quê, vợ chồng anh Nguyễn Đắc Thắng vẫn đến với những mảnh đời không may bằng chút sức ở tuổi ngũ tuần.

Biết một vài bạn trẻ vẫn thường giúp những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo từ quê nhà sang Singapore chữa bệnh, rồi cũng biết con số tăng dần lên hơn 10 bạn, tất cả đều là thiện nguyện, hai vợ chồng anh bàn nhau bắt tay với các bạn để có thể giúp được nhiều người hơn.

Tháng 8/2006, GFO, ngôi nhà chung của những tấm lòng, chính thức được Bộ Nội vụ Singapore cấp giấy phép hoạt động, trở thành hội từ thiện của người Việt ở Singapore chuyên hỗ trợ những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sang đây điều trị và hỗ trợ giáo dục cho trẻ em trong nước có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ giúp các bệnh nhân tiết kiệm chi phí phiên dịch, đi lại, GFO cũng đã nhận bảo trợ 30 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xây trường cho trẻ em nghèo ở Huế và Hà Nội, làm cầu nối bảo trợ cho hơn 30 em hiếu học...

“Ở đâu có nhiều trẻ em không may mắn, GFO sẽ lần lượt đến. Chúng tôi không đến ghé thăm, không đến để rồi đi mà đến để ở lại, để sống và cùng lớn với các em” - Anh Đắc Thắng, Chủ tịch GFO, cho biết.

Dù bận bịu với vai trò một giám đốc công nghệ thông tin khu vực của Norske Skog, vợ chồng anh Thắng vẫn làm người thổi lửa nhiệt huyết cho GFO. Gần một năm qua, GFO trở thành ngôi nhà của hơn 500 tấm lòng vàng của du học sinh Việt ở Singapore cũng như Việt Nam và 12 nước khác.

Mỗi thành viên một công việc, người thì đang đi học, người thì đã đi làm, họ gặp nhau ở nhiệt huyết của một người trẻ chung lưng gồng gánh yêu thương cho đồng bào mình dù ở quê nhà hay xa quê.

“Dù là người đảm nhận vai trò hỗ trợ gia đình anh Trần Tuyên, nhưng mình lại nhận được từ Tuyên rất nhiều giá trị vàng trong cuộc sống, một niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống dù rằng với anh ấy thời gian bên ba mẹ, bạn bè ngắn ngủi từng giờ” - Nguyễn Mai Thanh Thủy, một thành viên nhóm chăm sóc bệnh nhân, tâm sự về những giá trị vàng mà Thủy nhặt được từ những người bạn đặc biệt.

Gần sáu tháng bên Trần Tuyên, Thủy theo anh từng hơi thở, đến ngày nghe anh đi xa, Thủy khóc như mưa. Thủy luôn tự nhủ “mình cần làm chút gì đó cho bà con dù mình ở rất xa”, một năm qua và cả những ngày tháng trước mắt với Thủy sẽ luôn là vậy.

Nhìn 12 gương mặt trẻ trong màu áo xanh tình nguyện của GFO bỏ việc, bỏ học và bỏ tiền túi về Việt Nam để giúp các em nhỏ ở Trường nuôi dạy trẻ mồ côi Long Hoa (P.Phú Mỹ, Q.7, TPHCM), cùng các em trang trí lại tường, chuẩn bị cho dự án thư viện trị giá hơn 600 triệu đồng giữa cái nắng hè tháng Sáu gay gắt, những người chứng kiến rất tin và rất mong vào những dự án từ trái tim của các bạn, rất kỳ vọng vào những người trẻ không ngừng nhấc lên vai mình đôi gánh yêu thương như chính các bạn đã nói: “Tình Việt không bao giờ có biên giới”...                 

Theo Vi Thảo
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG