Toả sáng nghị lực 'vầng trăng khuyết'

Toả sáng nghị lực 'vầng trăng khuyết'
TPO - Mang trên mình những khiếm khuyết cơ thể, nhưng 9 gương mặt nữ trong Gala tôn vinh "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" là gương sáng về nghị lực và bản lĩnh vượt lên khó khăn hiện thực hoá những giấc mơ. Họ đã toả sáng không chỉ trong đời thường mà cả trên sân khấu đầy bất ngờ và đong đầy cảm xúc.

Hà Nội đêm 18/4. Trăng 14 (âm lịch) tròn trịa toả ánh sáng dịu trên những khoảng trời thăm thẳm cao ốc thương mại, nhà tầng san sát. Ở một góc rất nhỏ trong lòng thành phố - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Gala tôn vinh "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" tề tựu 9 nữ thanh niên khuyết tật - 9 "vầng trăng khuyết" đến từ những vùng quê khác nhau trên dải đất hình chữ S. Họ mang theo những câu chuyện nghiệt ngã của số phận hằn in trên dáng hình "không tròn" và hành trình vượt qua nghịch cảnh, dám ước mơ và thành công trong cuộc sống.

Toả sáng nghị lực 'vầng trăng khuyết' ảnh 1
Toả sáng nghị lực 'vầng trăng khuyết' ảnh 2

Các thí sinh tự tin trong phần thi trình diễn trang phục. Ảnh: Xuân Tùng

Xuất hiện trong đêm hội, 9 "vầng trăng khuyết" lộng lẫy y phục kiểu cách, giày cao gót cùng "bạn tri kỷ" là đôi nạng, xe lăn... Họ rạng rỡ sánh vai bên những chàng trai bặt thiệp diện vest, tự tin thể hiện sự duyên dáng trong phần thi trình diễn trang phục.

Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu? Mỗi "vầng trăng khuyết" đã mang đến tiết mục tiết năng hùng biện, kể chuyện khiến khán giả rùng mình thổn thức, xốn xang bất ngờ... Bởi, mỗi "vầng trăng khuyết" ấy đang "vẽ" lại ước mơ, nỗi niềm khát vọng và lẽ sống có thể khuyết tật dáng hình nhưng không thể "khuyết tật" tâm hồn, trái tim.

Đó là bài hùng biện có chủ đề "Chim cánh cụt vẫn có thể bay" của Nguyễn Thị Huyền (Đắk Nông). Từ bé, cô đã ước mơ trở thành lập trình viên, diễn giả. Gia đình nghèo, mẹ ốm đau và cha lại mắc bệnh hở van tim, ước mơ của cô gái khuyết tật càng xa vời.

Ngày 15 tuổi mới được đến trường, niềm vui đi học chẳng được bao lâu cô tổn thương vì những lời chêu chọc; đôi bàn tay với những ngón duỗi thẳng không thể cầm nắm tê dại mỗi lần luyện viết. Nước mắt đã lăn, nhưng cô đã không bỏ cuộc để bây giờ là sinh viên sinh viên năm thứ ba ĐH Công nghệ thông tin TPHCM; leader của Câu lạc bộ tình nguyện Ánh Trăng với nhiều hoạt động hướng tới những người nghèo.

"Khuyết tật trên cơ thể không hẳn là kém may mắn, bởi sự kém may mắn chính là bạn thiếu sự tin tưởng vào bản thân, luôn tỏ ra yếu đuối, dễ dàng gục ngã và không hề có định hướng, đam mê bản thân. Với em khuyết tật là bất tiện chứ không hề bất hạnh", Huyền nói.

Toả sáng nghị lực 'vầng trăng khuyết' ảnh 3  
Toả sáng nghị lực 'vầng trăng khuyết' ảnh 4  

Đó là "Chuyện của Mây" với thông điệp hãy viết tiếp ước mơ thay vì ngồi thu mình một chỗ, của Phan Thị Kim Vân. "Nếu cuộc đời bất công cho được chọn lại, tôi vẫn muốn Vân của hiện tại. Luôn có chiếc xe lăn là người bạn tri kỷ nâng bước chân tôi trên mọi chặng đường", Vân nói. Cách đây hai năm cô kiên trì chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển, dù "một lần, hai, ba lần đứng nhìn xe lướt qua mà bản thân bất lực với hai hàng nước mắt".

"Thực tế, tôi là người khuyết tật, sẽ còn những trở ngại và thách thức. Nhưng tôi không tin mọi chuyến xe đều bỏ mình, mọi người đều vô cảm khi nhìn thấy mình. Đi, tiếp tục đi, kiên trì đi, rồi tôi nhận ra tất cả đều là những trải nghiệm thú vị", Vân chia sẻ.

Năm 2016, Vân và bạn thân thực hiện ý tưởng dự án “Hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông công cộng, cụ thể là xe buýt” trong chương trình Upshift do Unicef và Vye tổ chức. Dự án đã có những tác động tích cực và thiết thực, chính các bạn khuyết tật đã tự tin hơn khi tham gia sử dụng phương tiện công cộng, nhiều bạn biết cách hỗ trợ người khuyết tật... "Giờ đây việc đi xe buýt là niềm vui mỗi ngày, tôi nghĩ đó là cơ hội để người ta giúp đỡ mình, cũng là cơ hội để bản thân hòa nhập và sống có ý nghĩa hơn", Vân nói.

Toả sáng nghị lực 'vầng trăng khuyết' ảnh 5
 

Vũ hội đêm trăng còn rộn ràng say đắm trong vũ điệu sôi động và vũ công là Bế Thị Băng (Cao Bằng). Tiết mục được cô tự biên đạo kết hợp giữa ba điệu nhảy của Tây Ban Nha, Ấn Độ và Ba Tư. Từ ánh mắt biểu cảm và nụ cười lấp lánh qua chiếc khăn voan buộc đầu, đôi tay tạo hình và động tác lắc hông uyển chuyển...nhảy theo điệu nhạc, chẳng ai tin rằng màn múa đang thực hiện bởi - cô gái chỉ còn một chân sau tai nạn giao thông bất ngờ ập xuống khi chiếc xe contener đâm vào xe máy cô đang điều khiển.

Băng vẫn nhớ đã rất sốc sau 4 ngày tỉnh lại cơn mê phẫu thuật cắt bỏ và tháo một phần khớp háng, nhất là sự bi quan khi đối diện với những ánh mắt im lặng tò mò, những lời bàn tàn. "Mọi nỗi đau rồi cũng qua, em đã tự động viên bản thân quan trọng vẫn còn được sống là một hạnh phúc và ngày mai vẫn còn phải sống tiếp để bước qua thử thách của cuộc sống. Em tự nhủ với bản thân mình rằng Xã hội chúng ta dù là người khuyết thật hay lành lặn chúng ta có quyền được bình đẳng và được sống, có quyền tự tin với chính mình", Băng nói. Và một trong điều được sống và có quyền tự tin của Băng chính là nhảy múa vừa rèn luyện sức khoẻ vừa thoả niềm yêu thích. Cô cho hay, mỗi ngày đều dành thời gian 40 phút để tập luyện.

Tiếng ghita mộc đệm nhạc, Nguyễn Thị Ly đã hát Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa/Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư... ca khúc "Khát vọng". Lời hát như chính lời tự sự, động viên ngày nào thơ bé của Ly phải làm quen với việc bản thân mất khả năng đi lại, từng bò đến trường. Vượt qua những rào cản, cô đã không ngừng vươn lên trong cuộc sống và tham gia các hoạt động CLB người khuyết tật; đạt giải A giọng hát người khuyết tật tỉnh Thanh hoá. Hiện, Ly làm chủ shop thời trang công sở. Cô thường tâm niệm rằng: "Bằng khả năng, nghị lực và sự quyết tâm, người khuyết tật hoàn toàn có thể thành công và khẳng định được chính mình".

Toả sáng nghị lực 'vầng trăng khuyết' ảnh 6
Lê Hương Giang (Hà Nội) khiếm thị, nhưng có phần may mắn khi được sinh ra ở Hà Nội, được học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu – trường hòa nhập cho trẻ khiếm thị. Cô hài hước: “Một chuyên gia người Nhật nào đó khi ghé thăm Việt Nam đã gọi đây là quốc gia dành cho những người khuyết tật ưa mạo hiểm”.

Giang khiếm thi nhưng không sử dụng gậy dò đường vì "không thể hỗ trợ như chức năng vốn có". Cô kể, có bạn khiếm thị với thâm niên hơn chục năm đi gậy lâu lâu lại gọi điện “khoe” với đã thêm một em gậy “hi sinh” do bị xe chẹt. Cậu học trò ở một trường bổ túc mỗi lần đi bộ chẳng may gậy chọc vào cái thúng, cái mẹt của người ta là nhận về ngay câu gắt “Mù thì ra đường để làm gì?”… Với cô buồn nhất khi chứng kiến không ít bạn học khá phải nghỉ học do phụ huynh không tin tương lai tốt đẹp cho những người khuyết tật theo đường học vấn, cả những bạn bỏ giấc mơ giáo viên, luật sư, hoạ sĩ vì thiếu niềm tin vào bản thân... "Từ đó, tôi phấn đấu trở thành chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực người khuyết tật để mong gạt bỏ những rào cản", Giang nói.

Giờ đây, Lê Hương Giang không chỉ được thực hiện ước mơ chuyên gia tâm lý cho những người khuyết tật, khó khăn mà còn là MC khiếm thị đầu tiên của Đài Phát thanh - Truyền hình Việt Nam. Trên sân khấu của "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết", cô đã có bài hùng biện và truyền đi rất nhiều sức mạnh của yêu thương.

Toả sáng nghị lực 'vầng trăng khuyết' ảnh 7  

Lê Trang (Bình Dương) luôn mang đến ấn tượng rạng rỡ, tự tin cho người đối diện. Cô luôn muốn truyền thông điệp tự tin vượt qua giới hạn bản thân đến những người có hoàn cảnh không may mắn, nhất là người khuyết tật. Bị khuyết tật nhìn, thị lực chỉ 4%, Trang vẫn chọn ngành Báo chí - Truyền thông để theo đuổi. Trang bày tỏ: "Tôi không muốn thể hiện sự khác biệt, đơn giản để thực hiện ước mơ và tạo mục tiêu để không ngừng nỗ lực". Hơn cả, cô muốn sống bình thường như mọi người.

Suốt 4 năm đại học, cô từ chối nhận chu cấp từ gia đình và trải qua các công việc phát thanh viên, biên tập viên truyền hình tại Báo Pháp luật TPHCM, dẫn chương trình, thu voice quảng cáo, nhân viên content marketing cho một công ty truyền thông... Trang chia sẻ: "Muốn người khác coi mình là người bình thường, trước hết bản thân phải tự coi mình là một người bình thường. Tôi đã làm được điều đó bằng chính sự tự tin. Tự tin mang đến cho tôi niềm vui, mang đến cho tôi nụ cười".

Toả sáng nghị lực 'vầng trăng khuyết' ảnh 8 Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh - Đại sứ cuộc thi trao giải Hoa khôi cho thí sinh Bế Thị Băng. Giải Á khôi 1 thuộc về Lê Hương Giang. Ảnh: Xuân Tùng

Chung kết "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" 2019 như bao cuộc thi đều tìm ra những gương mặt nổi bật để trao giải. Kết quả, thí sinh Bế Thị Băng (Cao Bằng) giành giải Hoa khôi cuộc thi, cùng các giải thưởng Tài năng, Thí sinh được yêu thích nhất. Thí sinh Lê Hương Giang (Hà Nội) đạt giải Á khôi 1. Phan Thị Kim Vân (Quảng Nam) đạt giải Á khôi 2 và giải thưởng Thí sinh ứng xử xuất sắc nhất, Thí sinh Thân thiện nhất. Nhưng dấu ấn và những thông điệp về ý chí nghị lực và yêu thương từ câu chuyện của 9 "vầng trăng khuyết" vẫn còn ngân vang, lan toả!

MỚI - NÓNG