Toàn cầu hóa "ao làng" hay "biển lớn", người trẻ đều cần dấn thân

Toàn cầu hóa "ao làng" hay "biển lớn", người trẻ đều cần dấn thân
TPO - “Chúng ta đang toàn cầu hóa ngay tại sân nhà, không nhất thiết phải ra nước ngoài mới là toàn cầu hóa. Điều quan trọng nhất là chúng phải dám dấn thân. Kể cả ao làng hay biển lớn, chúng ta đều phải xuống nước”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Trong chương trình "Người Việt - Từ ao làng ra biển lớn" do Học viện lãnh đạo FPT (FLI) tổ chức, Nhà sử học – Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã phân tích về những ưu điểm, nhược điểm đặc trưng của người Việt; lý giải những "nghịch lý" tồn tại trong mỗi chúng ta như tố chất anh hùng, yêu nước nhưng ích kỷ, đố kỵ, cơ hội...

Theo ông, người Việt giỏi ứng biến, rất mạnh khi hợp lại với nhau trước những tình huống sống còn… nhưng cũng là sự bất lợi.

“Chính năng lực ứng biến đã làm cho người Việt không tạo ra hệ thống giá trị. Năng lực ứng phó của người Việt trong nhiều trường hợp hiện nay không còn phù hợp. Tuy là điểm mạnh của người Việt nhưng quan trọng hơn, năng lực ứng biến được phát huy trong hoàn cảnh nào”, ông Dương Trung Quốc nói.

Trước câu hỏi “Việt Nam và các nước như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… trước đây có xuất phát điểm gần giống nhau, tại sao bây giờ Việt Nam lại thua kém các dân tộc khác?”, ông Dương Trung Quốc cho rằng: Trong thời gian dài lịch sử, Việt Nam là nước tiếp cận phương tây lớn nhất. Hoàng sa, Trường sa tạo hành lang đường tơ lụa trên biển rất thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Người Việt nam có điều kiện không những bằng mà có thể hơn các nước khác để vươn lên. Việt Nam có vị trí rất thuận lợi. Chính chúng ta có thể đã đánh mất chúng ta do cách ứng xử cực đoan với những nền văn hóa hiện đại khác du nhập vào Việt Nam.

Toàn cầu hóa ngay trên sân nhà

Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng rộng và sâu, Nhà Sử học Dương Trung Quốc cho hay: “Hiện nay chúng ta đang toàn cầu hóa ngay tại sân nhà, không nhất thiết phải ra nước ngoài mới là toàn cầu hóa. Điều quan trọng nhất là chúng phải dám dấn thân. Kể cả ở ao làng hay ra biển lớn, chúng ta đều phải xuống nước”.

Chúng ta muốn làm giàu, hội nhập thì chúng ta phải học thiên hạ, nhưng đừng đánh mất cái hay của mình. Muốn ngoại ngữ giỏi trước hết tiếng Việt giỏi và cần gắn liền ngôn ngữ với văn hóa, chứ không đơn thuần là công cụ giao tiếp.

Nguy cơ lớn nhất hội nhập là triệt tiêu yếu tố khác để thành một chuẩn. Những cái đa dạng đó chưa hẳn không tốt. Ví dụ như hiện nay các nước đang xu hướng chuyển dịch về du lịch tự nhiên.

Lời khuyên thành công

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, năng lực tiếp thu là yếu tố các bạn nước ngoài quan tâm. Ông kể rằng, cách đây 150 năm, khi phái đoàn Việt Nam lần đầu tiên đến nước Pháp, đã rất bỡ ngỡ và từ chối hoà nhập văn hoá sở tại, nhưng khi làm quen, phái đoàn này đã rất thích thú khi được mang một phần văn hoá Pháp về phổ biến tại Việt Nam.

Ông kết luận: "Điều đó có nghĩa người Việt Nam khi tiếp túc với nền văn minh khác mình, ban đầu rất bảo thủ nhưng khi đã tiếp xúc rồi thì học tập rất nhanh. Các bạn trẻ ngày nay có rất nhiều điều tiếp cận và học tập nhưng sau khi học tập phải tạo ra cái mang phong cách riêng của mình.

Trong xã hội thông tin hiện nay các bạn có nhiều sự chuẩn bị và điều chỉnh tốt hơn nên sẽ vươn lên tốt hơn, còn tôi chưa từng có điều kiện như các bạn nên không thể chỉ bảo cụ thể phải làm như thế nào".

Về góc độ giáo dục, theo ông Dương Trung Quốc, đang có bước chuyển đổi. Nước ngoài phân luồng sớm, chẳng hạn chỉ 1/3 người tốt nghiệp phổ thông Mỹ vào đại học. Trên một số phương diện, học sinh Việt Nam học nhiều kiến thức hơn học sinh nước ngoài, nhưng hầu như không nghĩ tới học những để làm gì, còn ở nước ngoài học nhiều hơn về nghề, hướng nghiệp.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.