Tôi du lịch “bụi” Trung Hoa

Tôi du lịch “bụi” Trung Hoa
TP - “Chuyến đi 7 ngày với hành trình hàng nghìn ki-lô-mét trên một tỉnh rất nhỏ của Trung Hoa cũng cho tôi hiểu được đầy đủ ý nghĩa của việc đi du lịch “bụi”.

Một lát cắt ngang Trung Hoa với 7 ngày du lịch “bụi” tiêu hết 2.000 tệ (tức là 4 triệu đồng), tôi đã có một suy ngẫm nhỏ.

Nhặt chuyện

Từ Hà Khẩu đến Côn Minh - thủ phủ mới của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tôi gặp rất nhiều du học sinh Việt Nam. Chúng tôi chỉ tiêu 120 tệ cho một chiếc xe bus hạng thường để chinh phục con đường dài 400 km.

Khoảng 10 giờ đồng hồ, xe băng qua những vạt rừng nhiệt đới, những dốc núi cao thăm thẳm, rồi lướt qua những cánh đồng bạt ngàn màu xanh. Vân Nam được coi là một trong những tỉnh miền núi xa nhất của Trung Quốc.

Tôi du lịch “bụi” Trung Hoa ảnh 1
Những mái nhà cổ ở Lệ Giang

Trong hành trình của mình, chúng tôi có một chặng phải đi tàu hỏa. Tàu của Trung Quốc to, sạch, rộng rãi và lướt nhẹ, khác tiếng ồn ào thường thấy trong những chuyến Hà Nội- Lào Cai tôi thường đi, hoặc với ngay cả các chuyến tàu xuyên Việt.

Các nhân viên phục vụ thường xuyên đi lại lau sàn. Theo một người Trung Quốc, toàn bộ hệ thống đường sắt nước này đã được sửa mới, với đường ray rộng 1,43m, rất an toàn.

Giá vé xe bus đi trong thành phố ở Trung Quốc rất rẻ, 1 tệ/người. Xe bus đường dài cũng phong phú: xe du lịch, xe loại nhỏ hoặc slepper bus – dành cho người đi ban đêm.

Đường sá rộng rãi, dù nhiều khúc cua và nhiều đoạn đi xuyên qua đường hầm nhưng suốt 7 ngày lang thang từ Hà Khẩu- Côn Minh - Đại Lý- Lệ Giang - Ngọc Long Tuyết Sơn và ngược lại tuyệt đối không thấy bóng cảnh sát giao thông trên đường. Thay vào đó, là những nhân viên vệ sinh quét đường và hệ thống camera đặt trong đường hầm.

Theo các tài xế người Trung Quốc, nếu họ đi vượt quá tốc độ, bị nhắc nhở 3 lần thì sẽ treo bằng, nghỉ lái 3 năm rồi học lại từ đầu...

Sách - người bạn thân thiết

Tôi du lịch “bụi” Trung Hoa ảnh 2

Cuốn Guide book đã “cứu” chúng tôi rất nhiều tình huống dở khóc, dở cười: từ việc tìm đường ra ga tàu đến tìm một chỗ ở hay gọi món ăn. 8X nào đi du lịch chẳng thủ sẵn một vài cuốn kiểu Lonely Plannet.

Nhưng ở Côn Minh, Lonely plannet cũng chỉ đơn thuần giúp chúng tôi tìm khách sạn; còn mua bán lại phải nhờ đến cuốn Routard bằng tiếng Pháp. Ở đó, có những mẫu câu đơn giản, từ chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, đến việc chọn món ăn hay tìm chỉ dẫn giao thông bằng phiên âm và chữ Hoa.

Theo các cuốn sách hướng dẫn, để đi từ Côn Minh đến Đại Lý, vé tàu nằm 95 tệ; tàu chạy lúc 23 giờ hằng ngày, đến nơi là 5 giờ sáng. Sau một hồi chỉ trỏ vào cuốn sách, chúng tôi nhận được 2 vé đi Đại Lý. Cũng nhờ sách, chúng tôi tìm được khách sạn ở Đại Lý với giá 40 tệ, sau đó, còn ở Lệ Giang là 50 tệ/tối.

Thành Đại Lý được coi là “kinh đô cổ” của Vân Nam với những ngôi nhà cũ, lớn. Đường phố rộng thênh thang, lát gạch và chỉ dành cho người đi bộ.

Giữa một buổi chiều đầu hè, sau một ngày ngồi tàu, đặt chân đến Đại Lý, chợt thấy mình bé nhỏ, yên ả trong cái không gian mát lành nhưng “quyền uy” và lộng lẫy này.

Ấn tượng lớn nhất, là thả bước trên mặt thành Đại Lý. Mặt thành rộng chừng 5- 6 mét, cao hàng chục mét. Bước chân lên thành, ký ức về những thước phim cổ đại Trung Quốc ùa về; những trận chiến, những oai hùng, và cả những người đẹp lộng lẫy xiêm y... cứ như hiện hữu trước mắt mình.

Đứng đó, phóng tầm mắt ra xa ngắm Đại Lý về chiều, thanh bình và êm ả tôi cảm nhận được sự thư thái lan tỏa.

Chúng tôi lại đến Ngọc Long Sơn Tuyết. Chuyến đi được mô tả trong Guide book... Ngoài giá vào cửa 120 tệ, chúng tôi phải trả 160 tệ tiền đi cáp treo lên đỉnh núi, 30 tệ tiền thuê áo khoác, 40 tệ tiền mua ô xy.

Tìm được chiếc xe bus cũng rất khó khăn. Chúng tôi đành chi thêm 100 tệ để thuê xe, vừa tiện được một vòng quanh khu du lịch, vừa có một bác tài vui tính để học tiếng Trung...

Cần một cuốn sách “Du lịch bụi”

Tôi du lịch “bụi” Trung Hoa ảnh 3
Đi cáp treo giữa núi rừng hùng vĩ là một trải nghiệm kỳ thú

Cũng nhờ 2 cuốn sách mang theo, tôi chợt nhận ra, hình như Việt Nam chưa có một cuốn sách nào hướng dẫn khách du lịch bụi.

Lần nào, trước mỗi chuyến đi, bạn bè tôi đều mách: “Ra Tràng Tiền mà mua cuốn Lonely Plannet”.

Lonely Plannet hay Routard đều là những cuốn sách được viết từ chính những người đi du lịch, từ mạng công tác viên trên toàn cầu, update hằng năm...

Ở nước mình, cũng có nhiều forum do chính các bạn trẻ du lịch lập nên, để trao đổi kinh nghiệm mà trước mỗi chuyến đi, lần nào tôi cũng ghé qua. Ở đó, tôi có thể đọc được tất cả, từ lịch sử, địa lý đến giá vé tàu xe, chuyện bất đồng ngôn ngữ, những chỉ dẫn rất cấp thiết từ bạn bè. Chuyến đi này cũng vậy.

Một bạn đi trước tôi đúng hơn 1 tháng, đã nói rõ những trục trặc mà chúng tôi sẽ gặp phải, từ chuyện tiếng Anh không thông dụng đến chuyện vé tàu... Có điều đúng, có điều sai, có điều đã thay đổi...

Nhiều web site thế, nhiều người đã đi rất xa, đã viết rất nhiều kinh nghiệm, nhưng người Việt mình, vẫn không có một cuốn sách riêng. Thậm chí ngay cả  một cuốn cẩm nang du lịch về chính nước mình, đầy đủ và chính xác cũng chưa có? Đây là thiếu sót rất lớn của ngành Du lịch VN? Nếu đi xa, đi du lịch “bụi” bạn sẽ nhận ra điều ấy. 

Nếu trừ số tiền “thủ tục” buộc phải có như làm visa (hoặc giấy thông hành), hết khoảng 700.000 đồng, 300.000 đồng tiền vé tàu đi về Hà Nội – Lào Cai thì 7 ngày trên đất Trung Quốc, thực ra, chỉ tiêu vỏn vẹn 3 triệu đồng, tức là vào khoảng 1500 tệ.

Chúng tôi đã có một hành trình như thế, dài hơn 1.500 km - cắt một vạt nhỏ ngang tỉnh Vân Nam – Trung Quốc; đến với di sản văn hoá thế giới Lệ Giang, và đặc biệt hơn là đã chạm tay vào tuyết lạnh trong lúc ở Hà Nội đang chịu cái nắng hầm hập 36 – 37 độ C.

Khi chuyến đi đã khép lại, với chi phí, được tính toán sát đến từng nghìn, và cả những vụ chi tiêu “vượt tầm kiểm soát” vì những thay đổi của giá cả, chúng tôi ao ước một lần mang theo cuốn sách, tiếng nước mình, trong những hành trình dài.

MỚI - NÓNG