Nhà văn Italy Paolo Giordano:

Tôi trốn học để tới thăm Việt Nam

Tôi trốn học để tới thăm Việt Nam
TP - Nửa đùa nửa thật, nhà văn 27 tuổi cho biết như vậy, trong buổi gặp gỡ báo giới hôm qua. Đang là nghiên cứu sinh tại ĐH Turin (Italia), Paolo tới Việt Nam (VN) ra mắt bản dịch tiếng Việt "Nỗi cô đơn của các số nguyên tố".

Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay giúp anh giành giải thưởng văn học Strega năm 2008.

Tôi trốn học để tới thăm Việt Nam ảnh 1
Paolo Giordano

Tiền Phong lược ghi cuộc trò chuyện của anh với báo giới và độc giả VN.

Paolo, giải Strega có tác động  tới cuộc sống và sáng tác của anh như thế nào?

Strega là giải thưởng văn học ra đời năm 1947, tương đối có uy tín tại Italy. Việc xét giải cũng khá khắt khe, khi hội đồng giám khảo lên tới 400 người, bao gồm các nhà phê bình, nhà văn, đôi khi có cả chính khách nữa.

Tôi cho rằng mình may mắn khi trở thành tác giả trẻ nhất trong lịch sử giải thưởng này. Giải Strega đem lại cho tôi sự tự tin, danh tiếng và tất nhiên cả lượng phát hành tăng vọt nữa (cười).

Bù lại, tôi hiểu rằng việc viết những cuốn sách sắp tới sẽ rất khó khăn- khi độc giả bắt đầu xét đoán mình bằng con mắt khác.

Cuốn sách của anh nói về sự cô đơn của những con người trong xã hội hiện đại. Đó có phải là điều đang phổ biến tại Italy không?

Nhà vật lý giỏi trước khi thành nhà văn

Trước khi giành giải thưởng Strega, Paolo Giordano là sinh viên giỏi ngành vật lý.

Tốt nghiệp trung học năm 1997 với tổng số điểm 100/100, anh trở thành sinh viên Khoa Vật lý ĐH Turin.

Năm 2001, Paolo  hoàn thành bậc đại học với tấm bằng xuất sắc, được đánh giá như sinh viên giỏi nhất khóa, và giành học bổng nghiên cứu sinh hai ngành vật lý lượng tử và công nghệ.

Tại VN những ngày cuối tháng Tám, Paolo có các cuộc giao lưu với sinh viên của một số trường ĐH Hà Nội, ĐH Văn hóa, ĐH Phương Đông, và ĐH Thăng Long.

Cuốn Nỗi cô đơn của các số nguyên tố do Nhã Nam ấn hành, đạt một triệu bản in ở Italy.

Có đấy. Chắc bạn cũng biết, đặc trưng của Italy là nền văn hóa mang đậm màu sắc Thiên Chúa giáo và theo đó thì những vấn đề về tình yêu, hôn nhân, gia đình luôn mang giá trị vĩnh cửu.

Nhưng, xã hội hiện đại, với sự phát triển quá nhanh của nó, đang tạo ra những vết rạn, khi các giá trị văn hóa cũ chưa kịp thích ứng. Mỗi thế hệ đều gặp phải những vấn đề riêng của mình.

Tại Italy, với lứa tuổi 30-40 đó là sự hoang mang và hoài nghi về tính vĩnh cửu của tình yêu và gia đình, là sự cô độc của bản thân khi đối diện với những trăn trở từ cuộc sống. Và có lẽ, đó là tình trạng không chỉ xảy ra tại đất nước tôi.

Trước khi tới đây, anh đã có khái niệm gì về Việt Nam?

Nếu từ khía cạnh văn học thì không nhiều. Tại Italy, những tác phẩm văn học châu Á được chuyển ngữ chủ yếu của tác giả gạo cội Nhật Bản. Tôi mới chỉ được đọc một tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bằng tiếng Italy. Tôi thích truyện Sang sông.

Ngược lại, tôi cũng có chút cơ duyên với VN. Tôi có một cô bạn thân gần 20 năm nay. Bố cô ấy là người Việt, từng sống tại Đà Nẵng. Khi còn nhỏ, qua nhà bạn chơi, tôi được xem một số bức tranh về VN cũng như ăn một số món ăn VN. Và, thông thường, những gì người ta được tiếp xúc khi còn nhỏ thì luôn để lại ấn tượng khá lớn.

Trong quá trình trao đổi qua thư với dịch giả Lê Thúy Hiền, tôi được biết thêm một điều: Ngôn ngữ của các bạn khá phong phú, phức tạp. Ở góc độ văn hóa, tôi nghĩ rằng đó là minh chứng cho một nền văn hóa độc đáo và cá tính.

Chiêu Minh
(ghi)

MỚI - NÓNG