Trải nghiệm để làm ông chủ

Trải nghiệm để làm ông chủ
TPO - Trau dồi kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân và khát khao được thử nghiệm là lý do khiến nhiều sinh viên tìm nghề part time (làm bán thời gian) đúng với chuyên ngành đang theo học.
Trải nghiệm để làm ông chủ ảnh 1
Diễn đang gấp rút thiết kế bản vẽ để kịp nộp đúng thời gian

Đây là xu hướng đang phát triển mạnh mẽ trong giới sinh viên, nhất là khối trường kỹ thuật.

Làm quen với sức ép

Với mục đích “thực tế hóa” kiến thức sách vở, ngay từ năm thứ hai, Hòe (48 KD1- ĐH Xây dựng Hà Nội) đã xin làm việc tại vị trí kiến trúc sư cho Cty Kiến trúc AS (Hà Nội).

Theo tính chất của công việc, Hòe không làm trọn gói công trình, mà cùng mọi người chia nhau ra, mỗi người làm một bộ phận. Người thiết kế nội thất, người làm hình dáng (vỏ nhà hay còn gọi là mặt tiền), nhóm làm về kết cấu...

Thông qua công việc vẽ thiết kế theo đơn đặt hàng, qua sự tương tác lẫn nhau trong công việc, Hòe và các đồng nghiệp trẻ dần tích lũy được kinh nghiệm thực tế.

Ví như, khi vẽ các chi tiết cụ thể cần phải làm như thế nào trên cơ sở lý thuyết: kích thước cột, kích thước tường, lớp chống thấm... Cũng với đó, các thao tác, kỹ năng nghề nghiệp và máy tính được nâng lên rõ rệt.

Cũng giống như Hòe, Diễn- lớp Đô thị và Xây dựng 02 X2 (Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã xin đi làm thêm cho Cty Tư vấn Kiến trúc Phương Anh và Văn phòng Kiến trúc ATQ của trường.

Ngoài mục đích kiếm thêm thu nhập, Diễn kỳ vọng sẽ được làm quen dần với sức ép công việc trong một môi trường chuyên nghiệp. “Nhiều đêm ngủ vẫn giật mình thon thót khi có điện thoại, chỉ lo bản thiết kế có gì sai sót nên khách hàng “hỏi thăm” chăng?” - Diễn bộc bạch.

Do vừa học, vừa làm nên những bạn trẻ như Hòe, Diễn phải chịu nhiều sức ép lớn, đặc biệt là về thời gian. Mỗi bản thiết kế thường phải hoàn thành trong 3 ngày (thiết kế nhà dân) và một tuần (thiết kế biệt thự) nên nếu không năng động và nỗ lực lớn, sẽ khó có thể “ăn tiền” được của thiên hạ.

Tích lũy vốn để làm ông chủ

Dù còn ngồi trên ghế giảng đường, nhưng không ít sinh viên đã “lăn vào việc” để tích lũy kinh nghiệm, mối quan hệ..., chuẩn bị cho việc mở Cty riêng sau khi tốt nghiệp.

Với mức lương khoảng 500- 600 ngàn đồng/tháng, cộng với 5% tổng số tiền thiết kế và xây dựng công trình, các bạn trẻ ít nhiều có được khoản thu phục vụ cho nhu cầu học tập. Tuy nhiên, “cái được” còn nhiều hơn thế.

Nói về dự định cho tương lai, Diễn tiết lộ: “Sau 3 năm làm cho các Cty kiến trúc, khi có đủ tự tin và trải nghiệm, mình dự định cùng bạn bè đứng ra mở Cty riêng. Khi đó, mình vừa có vốn liếng kỹ năng, vừa tích lũy được các đầu mối quan hệ nên sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.

Với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, cộng thêm “cái đầu” biết tính toán, nhiều sinh viên sớm tạo cho mình cơ hội cọ xát với thực tế công việc. Họ “xung trận” để học hỏi, để trải nghiệm và thử thách chính bản thân, để rồi làm “thầy” sau quãng thời gian lăn như bi làm thợ.

“Nhiều người trẻ như tôi đang tìm cách khẳng định mình như vậy. Tôi cho rằng con đường chúng tôi đi rất hợp lý” - Bảo Ngọc, khoa Luật Kinh tế (Đại học luật Hà Nội) khẳng định.

Nung nấu ý định mở một văn phòng luật sư riêng khi ra trường, hiện Ngọc đang làm tư vấn luật cho một Cty nội thất của Nhật ở Hà Nội. Cô đang tập đi những bước vững chãi trên đôi chân của chính mình. 

MỚI - NÓNG