Trải nghiệm hướng thiện trên xứ sở Triệu Voi

Anh Nguyễn Long Hải, Bí thư T.Ư Đoàn thăm các nghệ nhân làng nghề dệt thổ cẩm tại tỉnh Salavan, Lào. Ảnh: Xuân Tùng.
Anh Nguyễn Long Hải, Bí thư T.Ư Đoàn thăm các nghệ nhân làng nghề dệt thổ cẩm tại tỉnh Salavan, Lào. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Lào năm 2016, ngày 10/7, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam do anh Nguyễn Long Hải, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương làm trưởng đoàn đã tham gia nhiều hoạt động đậm nét văn hóa xứ sở Triệu Voi tại tỉnh Salavan - điểm bế mạc chương trình.

Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đến giao lưu tại Savankhet, Champasack, Salavan vào những ngày đầu tháng 7 (tương ứng với tháng 8 âm lịch Lào) đang là thời gian Lễ hội Boun Khao Phansa.

Trải nghiệm văn hóa, hướng thiện

Theo giới thiệu, Boun Khao Phansa là một trong những lễ hội có quy mô, thường được tổ chức tại các chùa bắt đầu từ ngày rằm tháng 6 hoặc tháng 7 cho đến ngày rằm tháng 11 theo lịch Lào. Đây chính là thời gian tu nghiệp của mỗi cá nhân để trở thành người tốt hơn. Các nhà sư sẽ không rời chùa mà tập trung ở chùa tu thân tụng kinh, học giáo lý. Người dân sẽ tới chùa cúng bái và cầu nguyện. Không chỉ kiêng sát sinh, tăng cường làm việc thiện, trong thời gian diễn ra lễ hội, phật tử trên khắp đất nước Lào còn gần như không tổ chức các hoạt động vui chơi hay đám cưới, khởi công xây dựng nhà cửa, công trình… cho tới khi lễ hội kết thúc.

Trong âm hưởng hướng tới điều thiện, sống có trách nhiệm, trên khắp đất nước Lào những ngày này còn hướng tới hoạt động thả cá nhân kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Souphanouvong (13/7) - lãnh tụ của nhân dân các bộ tộc Lào. Tại Salavan, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam cùng với nhân dân và tuổi trẻ địa phương đã tham gia thả 2.500 con cá xuống dòng Sê Sệt. Qua tiếng Việt khá rành mạch, người bạn Lào đồng hành giới thiệu: Liên quan đến ngày sinh của Hoàng thân Souphanouvong, Đảng và Nhà nước Lào quy định lấy 13/7 hàng năm là ngày thả cá và bảo tồn thủy sản, thú rừng. Hoạt động này vừa xây dựng ý thức cho người dân trong việc bảo tồn động vật vừa lên án, phòng chống các phương pháp đánh bắt khai thác tận diệt như kích điện, chất độc hóa học…

Là một trong số 50 đại biểu tham gia chương trình Gặp gỡ, anh Dương Đức Minh (giảng viên bộ môn Du lịch, ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM) ấn tượng với tình cảm của người dân dành cho đoàn và các nét văn hóa đặc sắc, phong phú; đặc biệt là hoạt động thả cả. “Đây là một cách giáo dục kép vừa hướng người trẻ tưởng nhớ, biết ơn những người có công với đất nước vừa nâng cao trách nhiệm của họ với cộng đồng, môi trường sống thân thiết”, anh Minh nói.

Bên cạnh hoạt động định hướng lối sống, chương trình Gặp gỡ còn có nhiều hoạt động tìm hiểu về các nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân một số bộ tộc Lào. Chẳng hạn, đoàn đã đến thăm làng dân tộc Khiêng Khoóc (tỉnh Salavan) và nghe giới thiệu về lễ hội đâm trâu; tìm hiểu về nghề truyền thống dệt thổ cẩm; tham quan các bảo tàng lịch sử, văn hóa...

Trải nghiệm hướng thiện trên xứ sở Triệu Voi ảnh 1

Các đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia thả cá trên dòng Sê Sệt ngày 10/7. Ảnh: Xuân Tùng.

Cùng sáng tạo, khởi nghiệp

Tối cùng ngày, lễ bế mạc chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam – Lào diễn ra trong không khí đầm ấm, trang trọng tại Salavan. Tham dự có anh Khampha Phim Mason – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Salavan và đông đảo đoàn viên thanh niên địa phương.

Đánh giá về hành trình, anh Nguyễn Long Hải, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cho biết, trong 6 ngày vừa qua, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đã tham gia và trải nghiệm nhiều hoạt động giàu ý nghĩa, tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các thành viên trong đoàn. Qua các hoạt động trong chương trình Gặp gỡ, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam thấy được vai trò ngày một lớn hơn của Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên và định hướng thanh niên trong sáng tạo, khởi nghiệp, trong việc phát huy vai trò thanh niên tham gia phát triển kinh tế xã hội của đất nước; thúc đẩy tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện vì một tương lai tươi sáng của thanh niên Lào – Việt Nam. Đồng thời, có thêm hiểu biết và trải nghiệm về một đất nước Lào đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống và ngày càng phát triển.

“Chúng tôi sẽ mang những tình cảm quý báu và chân thành đó kể lại cho thanh niên Việt Nam và tin tưởng rằng từ những tấm chân tình đó, tuổi trẻ hai nước Việt Nam – Lào sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt mà lãnh đạo hai nước đã dày công vun đắp”, anh Hải nói.

Hôm nay (ngày 11/7), đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham dự Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam – Lào năm 2016 lên đường về nước, kết thúc chương trình. Lễ tiễn và đón đoàn diễn ra tại cửa khẩu Salavan – La Lày (tỉnh Quảng Trị).

MỚI - NÓNG