Trại 'thấu hiểu' của học sinh

Trại viên tham gia trò chơi. Ảnh: Ban Media Camprehension)
Trại viên tham gia trò chơi. Ảnh: Ban Media Camprehension)
TP - Tác giả sáng kiến thành lập Camprehension là Nguyễn Anh Hân, nữ sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội). Trong 2 ngày tại Trại hè tâm lý Camprehension, 40 trại viên đã được 60 bạn (tình nguyện tham dự vào ban tổ chức) cùng tuổi vui chơi cùng, chia sẻ và truyền đạt thông tin về sức khỏe tâm thần.

Thông điệp  mà các học sinh muốn chuyển tải cho nhau và tới các bậc phụ huynh là “Những rắc rối tâm lý trong đời sống là chuyện hết sức bình thường. Hãy chia sẻ với ai đó về tình trạng bất ổn của mình. Việc thăm khám bệnh tâm lý không phải là việc đáng xấu hổ”.

Học lớp chuyên sử nhưng Nguyễn Anh Hân bị tâm lý học cuốn hút. Đúng như tên gọi Camprehension (tạm dịch Trại thấu hiểu) và chủ đề năm nay là Fulcrum-Điểm tựa, các thành viên ban tổ chức và trại viên (tuổi từ 14-20) cùng nhau trò chuyện, thư giãn, sơ cứu tâm lý. Mỗi bên đều thêm sự hiểu biết và cơ hội khám phá nội tâm của người khác và bản thân mình.

Có hẳn các “ban chuyên môn”

Trại hè diễn ra trong hội trường lớn của Bảo tàng Dân tộc Học Hà Nội. Một dãy bàn thông tin kê gần sát tường, để lại khoảng không lớn ở giữa. Thành viên ban tổ chức và trại viên được khuyến khích ăn mặc thoải mái như đi picnic. Tùy ý thích có nhóm ngồi buôn chuyện, chơi trò chơi, nằm trên thảm đọc sách...

Góc cuối hội trường, sau tấm màn che có một bàn viết để trại viên vào đó viết giấy nhắn nói mong muốn thầm kín hoặc “lời thú tội”. Những giấy nhắn “nặc danh” này cuối buổi bế mạc sẽ được dán lên phông màn sân khấu để mọi người cùng đọc.

Ban chuyên môn chia nhau ngồi tiếp chuyện trại viên tại các bàn tách biệt với chủ đề: Rối loạn lo âu, Rối loạn lưỡng cực, Rối loạn ám ảnh cưỡng chế, Trầm cảm, tự hại, Rối loạn giấc ngủ, Rối loạn ăn uống.

Trại 'thấu hiểu' của học sinh ảnh 1 Các bàn thông tin về bệnh tâm lý phổ biến.

Trưởng ban truyền thông Nguyễn Nhật Hạ, học sinh  sắp lên lớp 11 trường Amsterdam cho biết, nhiều người tham gia đơn giản vì tò mò và coi đây như một khóa học mùa hè.

Trưởng ban chuyên môn Nguyễn Quang Minh cho biết bạn cũng từng gặp chút vấn đề về tâm lý, nhờ đọc tư liệu và chia sẻ cùng chuyên gia bạn đã qua khỏi. Minh đọc tư liệu chuyên sâu về tâm lý lâm sàng và bệnh lý. Cũng như những thành viên khác trong ban chuyên môn, tư liệu về Tâm lý học bằng tiếng Việt quá ít nên Minh phải tìm nguồn tiếng Anh để trang bị cho trại hè lần này.

Với lệ phí 250 nghìn, trong 2 ngày, trại viên được gặp gỡ giao lưu cùng Ban chuyên môn, nhận lời khuyên từ hai chuyên gia trong cuộc trao đổi thảo luận và vui chơi thư giãn trong âm nhạc và ăn trưa.

Trưởng trại Nguyễn Anh Hân cho biết, Camprehension vận hành bằng  số tiền thu được từ lệ phí cộng với khoản tiền từ gọi tài trợ. Ban điều hành chi trả tiền thuê hội trường, thuê ekip âm thanh, trang trí trại, in sách “A psychology handbook” (Sổ tay tâm lý) phát tặng các trại viên, đặt cơm trưa. Thông tin chuyên ngành được hỗ trợ bởi các chuyên gia của Dự án phi lợi nhuận Beautiful Mind VN.

Qua tiếp xúc, ban điều hành nhận thấy nguyên nhân của tai nạn tâm lý với các bạn trẻ thường là do bất đồng với cha mẹ về việc chọn ngành, áp lực điểm số và bị cấm yêu sớm. Nhiều phụ huynh ép con học để chạy đua điểm số. Họ tin rằng điểm số sẽ quyết định tương lai của con mình. “Thực tế không đúng như vậy. Bệnh “điểm số” có thể đánh hỏng một đứa trẻ. Hậu quả không thể lường trước”, nữ sinh 16 tuổi Anh Hân bày tỏ.

Trại 'thấu hiểu' của học sinh ảnh 2 Ba gương mặt chủ chốt của Camprehension- Nhật Hạ, Anh Hân, Quang Minh (từ trái qua phải).

Sự cô lập nguy hiểm

Có mặt trong buổi tọa đàm kín với trại viên, phụ huynh, tiến sĩ Tâm lý học Đào Thị Diệu Linh cho biết, nội dung buổi gặp đã được cam kết không chia sẻ nên chị không thể kể về các trường hợp hỏi đáp cụ thể. Do không dựa vào kết quả khám bệnh, xét nghiệm nên các chuyên gia cũng như ban chuyên môn trong trại hè chỉ dừng ở mức độ truyền đạt thông tin chứ không tư vấn.

Diệu Linh cho biết, chị rất ủng hộ hoạt động của dự án “Lần đầu tiên một nhóm học sinh cấp 3 đứng ra giúp phụ huynh và học sinh hiểu được rằng “rắc rối tâm lý trong đời sống là chuyện hết sức bình thường”. Có nhiều người không dám đi thăm khám bệnh tâm lý vì sợ bị nghĩ “mắc bệnh tâm thần”. Trong buổi tọa đàm, có khoảng 10 phụ huynh dự nhưng không ai hỏi gì, chỉ ngồi nghe “có lẽ họ vẫn e dè”. Một em trại viên kể khi em nói với bạn cùng lớp là em bị trầm cảm, họ gạt đi  bảo “mày cứ làm màu”. Vậy nên em không biết trông vào ai.

Từng dạy một số lớp kỹ năng, chị Diệu Linh cho biết, rất nhiều em mắc chứng trầm cảm, tự hại vì bị bắt nạt, tẩy chay. “Béo xấu, dân ngoại tỉnh lên thành phố đi học,  xuất thân nghèo khó, tính kém hòa đồng... đều là lý do khiến một học sinh bị tẩy chay, cô lập”.

Trong nội dung của những giấy nhắn “nặc danh”, đa số các bạn gửi lời cảm ơn Camprehention về 2 ngày sảng khoái, thông hiểu. Cạnh đó cũng có một vài lời tâm sự đầy tâm trạng và cảnh báo “rắc rối tâm lý”. Một bạn tuýp “tự hại” kể về tâm thế bị bắt nạt ở trường của mình. Bạn luôn mang theo cây kim để chọc vào các điểm huyệt trên cơ thể những lúc có nhu cầu “dịu tinh thần”.

Nhóm chủ chốt Anh Hân, Nhật Hạ, Quang Minh rất muốn sang năm lại tổ chức tiếp nhưng cả ba lúc đó đều chuẩn bị bước vào lớp 12, khởi động thi đại học. Các bạn tin rằng thể nào rồi nhóm cũng sẽ có người kế nhiệm.

- “20% thanh thiếu niên Việt Nam đã từng trải qua các vấn đề về sức khỏe tâm thần” (Bulletin of the World Health Organization 2006, Harpham).

- Hơn 90% trường hợp trầm cảm ở trẻ vị thành niên có xu hướng tái phát trong vòng 1 - 2 năm sau khởi phát bệnh. Những người này có 60 - 70% khả năng tái phát trầm cảm khi trưởng thành, cần được thăm khám và điều trị sớm.

- Hơn 40% những người có trầm cảm khởi phát sớm có xu hướng tiến triển thành rối loạn lưỡng cực về sau.

MỚI - NÓNG