Trái tim lớn, vũ khí mạnh

Trái tim lớn, vũ khí mạnh
“Công nghệ thông tin là một niềm đam mê và tôi muốn san sẻ niềm đam mê này cho tất cả mọi người”. Với hiệp sĩ CNTT Lê Nguyên Bình, chiếc xe lăn và đôi chân bại liệt dường như đã bị lãng quên...
Trái tim lớn, vũ khí mạnh ảnh 1

15 tuổi, Lê Nguyên Bình bị liệt chỉ vì mũi tiêm quá liều của một bác sĩ vô trách nhiệm. Gia đình đã đưa Bình đi chạy chữa hết bệnh viện này sang bệnh viện khác, hết ông lang này đến thầy thuốc nọ với những hy vọng mong manh. Nhưng tất cả đều vô ích khi đôi chân của Bình vẫn không hề có cảm giác và ngày càng teo nhỏ.

Sau 1 năm lang thang khắp nơi vượt qua khủng hoảng để tìm lại niềm tin vào cuộc sống, Nguyên Bình quyết tâm đi học trở lại. Thế là hàng ngày, buổi sáng đến lớp học tiếng Anh, buổi tối đi học bổ túc. Lúc đó Bình đã 19 tuổi.

Một lần anh đọc được mẩu tin trên báo khoảng 100 chữ kể về một người khuyết tật ở bên Mỹ liệt hai chân và một tay mà vẫn có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình bằng chiếc máy tính.

Đúng khi ấy, ngôi trường nơi bố anh công tác có cử một số giáo viên đi học máy tính ở Đà Nẵng để về dạy học sinh của trường, Bình cũng xin bố cho đi theo các anh chị học hỏi. Sau 6 tháng, Bình cảm thấy vô cùng thích thú và say mê lĩnh vực này.

Anh bảo: “Những lúc dùng máy tính là lúc tôi  thấy vô cùng tự tin vì mình còn làm được việc có ích”. Tài liệu ít, lại không có máy tính, Bình phải tự mày mò tìm và dịch nhiều sách báo bằng tiếng Anh để trau dồi kiến thức.

Anh vẫn nhớ như in niềm vui khi lần đầu tiên dùng máy tính để viết thư gửi cho một người bạn ở bên Mỹ của mình. “Đó thực sự là một bước ngoặt mới cho cuộc đời tôi” - Anh tâm sự.

Với số tiền tích góp từ việc bán cá vàng, Bình đã mua được cho mình một chiếc máy tính và những phần mềm học tiếng Anh. Lúc đó giá của phần mềm đó là vài chỉ vàng, nhưng anh vẫn quyết định mua về bằng được với mục đích dạy tiếng Anh tại nhà cho trẻ em.

Thấy phần mềm có phần phức tạp, anh mày mò viết lại sao cho trẻ em dễ hiểu hơn. Lúc đó, ở Hội An, mọi người đều mang con em mình đến nhờ anh dạy vi tính và tiếng Anh. Lớp học đông dần và căn phòng nhỏ với gần hai mươi chiếc máy tính đã ra đời như một sự đền đáp sau gần chục năm lăn lộn của anh.

“Cuộc sống của tôi đã thực sự thay đổi khi có sự trợ giúp của máy tính” - Anh Bình kể. Là người khuyết tật, anh hiểu hơn ai hết sự cần thiết của CNTT trong đời sống của những người cùng cảnh ngộ.

Và thế là một trung tâm tin học mang tên Tiến Bộ đã được ra đời để giúp đỡ người khuyết tật có cơ hội tiếp xúc với lĩnh vực CNTT hoàn toàn miễn phí.

Anh Bình còn cho sang sửa lại toàn bộ kiến trúc của căn nhà sao cho phù hợp với việc đi lại của xe lăn. Giáo trình được anh biên soạn sao cho thật dễ hiểu để những người có trình độ thấp vẫn có thể học được.

Lễ tôn vinh hiệp sĩ CNTT đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội hôm qua (14/8).

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW - cho rằng nếu chỉ có trái tim lớn thì cũng chưa đủ để trở thành hiệp sĩ mà họ còn có một thứ vũ khí lớn, đó chính là CNTT. Thế hệ trẻ nắm được CNTT sẽ giúp đất nước phát triển lớn mạnh nhanh chóng.

8 năm qua, hàng ngàn học viên khuyết tật và bình thường đã tốt nghiệp từ Tiến Bộ và có một cuộc sống ổn định. Trong số họ, có những người sau đó đã trở thành thầy giáo của chính trung tâm.

Không chỉ có công việc ở Trung tâm Tiến Bộ, anh Bình còn tham gia quản trị website: http://www.forum.wso.net. Đây là một trong những diễn đàn đầu tiên của người khuyết tật Việt Nam do anh sáng lập, được trình bày bằng hai thứ tiếng Việt - Anh.

Say mê với Công nghệ thông tin, anh Bình còn một niềm yêu thích nữa, đó là kinh doanh. Hiện anh đang là trưởng nhóm Hòa nhập (Reaching out) và là chủ cửa hàng lưu niệm Hòa nhập chuyên bán những mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho khách du lịch ở Hội An.

Điều đặc biệt là toàn bộ sản phẩm đều do chính những người khuyết tật làm  ra. “Khách du lịch rất thích thú và ngạc nhiên, còn tôi thì cảm thấy mình đã không phụ công các bạn cùng cảnh ngộ như mình” - Anh tâm sự.

Cầm trong tay giải thưởng dành cho người có những cống hiến giúp cộng đồng người khuyết tật có cơ hội tiếp cận, khai thác CNTT, anh Bình thực sự xúc động. Anh bảo: “Chỉ mong sao cho những người khuyết tật như mình có được tiếng nói góp phần vào sự phát triển của lĩnh vực CNTT ở VN”.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.