Trận đánh để đời của lính biển

Trận đánh để đời của lính biển
TP - Cách đây 45 năm, lực lượng hải quân non trẻ cùng quân dân miền Bắc đã giáng trả những đòn đích đáng đối với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. PV Tiền Phong đã gặp những người tham gia hai trận đánh để đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam. 

Năm 1961, Nguyễn Văn Luyện chia tay gia đình và bà con thôn Hạ Hội, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) tòng quân. Sau nhiều lần chuyển đơn vị, điểm dừng chân cuối cùng của anh là Đoàn 135, đơn vị tàu phóng lôi hiện đại nhất của hải quân ta lúc bấy giờ. Sau sáu tháng được các chuyên gia Liên Xô huấn luyện, anh trở thành chiến sĩ radar trên tàu phóng lôi 333, thuộc phân đội 3, Đoàn tàu phóng lôi 135.

Nhắc tới trận đánh ngày 2/8/1964, ông Luyện bồi hồi: "Có lệnh là chúng tôi lên tàu xuất kích đánh địch với quyết tâm cao nhất. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp của tôi".

“Tin tức tình báo cho hay, sau khi xâm phạm chủ quyền trên vùng biển Quảng Bình, tàu khu trục Maddox thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ tiếp tục điều tra mạng lưới bố phòng và liên tiếp có hành động khiêu khích, uy hiếp bà con ngư dân tại các khu vực đèo Ngang, Hòn Mê, Lạch Trường" - ông Luyện nói.

Đêm 1/8, phân đội 3 gồm các tàu 333, 336, 339 do đại úy Lê Duy Khoái - Đoàn trưởng 135 và trung úy Nguyễn Xuân Bột - phân đội trưởng kiêm thuyền trưởng tàu 333 trực tiếp chỉ huy cấp tốc hành quân vào Thanh Hóa. Do biển động mạnh, trưa hôm sau, đơn vị mới đến vùng biển Hòn Mê. Không kịp nghỉ ngơi, 39 cán bộ chiến sĩ lập tức chuẩn bị vũ khí đánh địch. Từ vị trí quan sát bằng radar, ông Luyện phát hiện tàu Maddox cách đó bảy hải lý.

Khi phân đội 3 đang thu hẹp khoảng cách với đối phương thì pháo 127 ly và nhiều loại vũ khí hạng nặng trên tàu địch khai hỏa. Phân đội bình tĩnh di chuyển tránh đạn và tìm cách chiếm lợi thế. Lúc này, địch dùng nhiều máy bay Con Ma F-4 bổ nhào bắn rốc két và đạn 20 ly bao trùm mặt biển...

Sau khi tàu 333 bắn trúng tàu Maddox nó bỏ chạy. Hết ngư lôi, ông Luyện và các chiến sĩ radar nhảy lên mặt boong dùng trung liên bắn máy bay... Trận so tài giữa ta và địch chỉ kết thúc khi ta bắn rơi một máy bay và làm bị thương một chiếc khác. Kẻ xâm phạm chủ quyền với vũ khí hiện đại hơn phải tháo chạy.

"Chúng tôi hy sinh bốn đồng chí. Tàu 336 có hai liệt sĩ là thiếu úy Phạm Văn Tự - thuyền trưởng và hạ sĩ pháo thủ Nguyễn Văn Thuận. Hai liệt sĩ trên tàu 339 là hạ sĩ Phạm Văn Luân - thợ máy và hạ sĩ pháo thủ Phạm Trẹo. Hầu hết anh em còn lại đều bị thương, trong đó có sáu người bị thương nặng. Ba tàu, chỉ còn lại tàu 333 là khá lành lặn" - Ông Luyện nói.

Chúng tôi đến xóm 2, thôn Đan Tảo, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội - nơi vợ chồng đại tá Lê Văn Chừng (nguyên là thuyền trưởng tàu săn ngầm 225, thuộc biên đội tàu săn ngầm của Quân chủng Hải quân, có nhiệm vụ chuyên tìm diệt tàu ngầm đối phương) sinh sống. Năm nay 76 tuổi, ông còn khỏe mạnh và minh mẫn.

Năm 1950, sau khi tốt nghiệp thiếu sinh quân, ông trở thành chiến sĩ đại đội 225, tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88 (Trung đoàn Tu Vũ Anh hùng, Sư đoàn 308) tham gia nhiều chiến dịch lớn như Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Sau ngày tiếp quản thủ đô, ông nằm trong số 100 cán bộ chiến sĩ xuất sắc được cử đi học để xây dựng lực lượng hải quân.

Trước khi về biên đội tàu săn ngầm, ông là thuyền trưởng pháo thuyền tuần tiễu ven biển. Sau khi giải phóng miền Nam, ông về công tác tại Bộ Tổng tham mưu, tham gia quân tình nguyện ở Campuchia và làm phó ban xây dựng nhà giàn DK1 cho tới khi nghỉ hưu vào năm 1997.   

"Chiều hôm đó, địch cho nhiều tốp máy bay vào đánh phá căn cứ Hải quân ở Bãi Cháy và tàu của ta ở Cửa Lục. Gần 20 tàu tuần tiễu và săn ngầm phối hợp với các đơn vị pháo cao xạ cùng lực lượng quân dân trên bờ sử dụng tối đa hỏa lực, cơ động đánh địch.

Dưới sự chỉ huy của đại úy Nguyễn Cao Thắng - Biên đội trưởng, tôi trực tiếp lái tàu và chỉ đạo các chiến sĩ. Quan sát thấy bốn chiếc A-4 Skyhawk đang thay nhau bổ nhào xuống đánh, tôi ra lệnh cho pháo thủ khẩu đội pháo 25 ly trước mũi là binh nhì Bùi Mạnh Hùng bắn thẳng mục tiêu.

Sau loạt đạn của ta, chiếc máy bay bốc cháy rơi trên vịnh Bái Tử Long. Trung úy phi công Alvarez bị bắt sống. Khoảng 10 phút sau, một chiếc khác cũng bị hỏa lực của ta tiêu diệt. Tay phi công không kịp nhảy dù, chìm cùng máy bay" - Ông Chừng nhớ lại.

Ông Chừng cho biết thêm, trong khi ông tham gia trận đánh lớn nhất trong đời thì, tại Hà Nội, vợ ông (công tác tại bộ phận điện báo của ngành bưu điện) ôm đứa con trai đầu lòng vừa tròn một tuổi lo lắng đứng ngồi không yên vì bà nhận tin chiến sự ở Quảng Ninh đang ác liệt. "Bà ấy lo thằng Minh mồ côi cha (sau này con trai ông là Lê Anh Minh nối nghiệp cha trở thành đại úy hải quân)”.  

Nhằm tôn vinh chiến công, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân và quân dân miền Bắc trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trong hai ngày 3 và 4/8, Quân chủng Hải quân phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam.

Ngày 3/8, tại Quảng Ninh diễn ra lễ thả hoa trên biển tưởng niệm các chiến sĩ hải quân và quân dân miền Bắc ở Cửa Lục (chân cầu Bãi Cháy), tổ chức giao lưu Âm vang chiến thắng trận đầu tại Quân cảng Đoàn M70 - vùng A Hải quân. Ngày 4/8, tại Đà Nẵng, diễn ra giao lưu Âm vang chiến thắng trận đầu tại Đoàn M72 - Vùng C Hải quân.  

MỚI - NÓNG